6. Cấu trúc luận văn
3.2.3. Giọng điệu say sưa mang đậm chất trữ tình lãng mạn
Giọng điệu say sưa mang đậm chất trữ tình lãng mạn là biểu hiện của lối viết đẹp, đầy chất thơ trong phong cách sáng tạo nghệ thuật của Trương Hiền Lượng. Nhưng trong tác phẩm, chất trữ tình thiết tha còn là sự kết hợp hài hòa giữa một tâm hồn tinh tế, đa cảm của nhân vật “tôi” với vẻ đẹp của con người và núi rừng Tây Bắc đậm chất thơ. Ngày đầu tiên đến nông trường hoàng thổ, Lân đã mang nặng tình cảm với vẻ đẹp của mảnh đất hùng vĩ này qua tiếng hát của anh xà ích: “Lúc này tôi cảm thấy giai điệu mang đậm màu sắc địa phương trong bài hát của anh Hỉ đã truyền cho tôi
cái hăm hở của người khai hoang Bắc Mỹ mà Nêruda ca ngợi. Lời ca ấy, những con chim ưng ấy, đồng ruộng thê lương hút tầm mắt ấy, những dãy nhà liên miên bất tận chính là làn điệu của bài dân ca… tất cả sống dậy trong tôi. Trong khoảnh khắc, tôi thấy mình trở nên đẹp đẽ và tràn trề sức sống” [33, 55]. Và màu tuyết trắng mênh mông là nét đẹp nổi bật và tinh khô nhất của Tây Bắc. Tuyết thực sự là một mùa xuân ấm áp và nó cũng trong trẻo như tâm hồn của con người nơi đây vậy: “Tuyết trên cao nguyên hoàng thổ đẹp đến mê mẩn. So với tuyết phương Nam, tuyết ở đây thư thái hơn và hùng tráng hơn. Tuyết phương Nam làm cho người ta cảm thấy mùa đông đang ở trước mặt, còn tuyết phương Bắc gợi cho con người nghĩ tới mùa xuân. Tuyết mới đúng là hoa xuân thực sự của cao nguyên hoàng thổ”[33, 120]
Những trang văn miêu tả vẻ đẹp của Mã Anh Hoa thực sự là những trang thơ đẹp nhất: “Những vết chân của cô để lại trên tuyết trắng, khiến người ta cảm thấy thanh thoát, ấm lòng. Cô đi một đường, khi về dẫm trên dấu chân khi đi. Những vết chân đều đặn, chững chạc không chút lộn xộn, chỗ rẽ lượn vòng rất đẹp, tinh tế như một chuỗi hạt trân châu. Tôi thận trọng đặt chân lên dấu chân, như người ta dò vật quý, từng hạt từng hạt…
bỏ vào tim” [33, 99].
Tác phẩm Cây hợp hoan có sự đan xen giữa những dòng thơ và lời
ca mềm mại, sâu lắng tình người. Điều đó càng tô đậm hơn nét độc đáo trong đời sống tâm hồn của con người nơi đây, mà ngay từ đầu nghe tiếng hát của anh Hỉ, thì mảnh đất như vụt trở nên đẹp đẽ và sống dậy tâm hồn yêu thương của Lân sau những năm tháng lao động và cải tạo. Tiếng hát vừa mộc mạc mà sâu lắng suy tư:
“Ơi!... Con thiêu thân đã lên trời…ơi! Con ễnh ương trằn xuống đất
Nhớ anh cuối nửa đêm khóc hoài!” [33, 12]
Hơn hai mươi năm trôi qua, tiếng hát của Hoa vẫn là cảm xúc và là kỷ niệm sâu sắc nhất đối với Chương Vĩnh Lân khi nhìn lại:
“Kim Sơn, Ngân Sơn, Bát Bảo Sơn Cho gỗ đàn hương lát ván sàn Muốn rẽ duyên ta thì hãy đợi
Sông Hoang mười hai khúc, nước khan!” [33, 285]
Những bài hát của Mã Anh Hoa đã thể hiện những tình cảm yêu thương thật ý nhị mà cũng thật chân thành. Nó thể hiện tâm hồn tinh tế mà cũng thật lãng mạn của người con gái đã khiến Chương Vĩnh Lân rung động thật sự:
“Núi vàng núi bạc sóng đôi
Từng từng lớp lớp, chân trời giăng giăng Mong người nên vợ nên chồng
Thương anh đơn chiếc, phòng không một mình (ạ ơi) Đầu ghềnh có tổ chim câu
Chim chồng, chim vợ, con nào anh ơi? Trắng đêm em đếm sao trời
Nhớ anh mất ngủ, đếm hoài không khuây” [33, 180]
Tình yêu đó thật đẹp và nên thơ biết bao! Cách giãi bày thật tình tứ, tha thiết biết bao! Sự quan tâm, tình yêu mà Hoa dành cho Lân khiến anh không giấu nổi sự xúc động, trong lòng cũng tràn ngập những câu thơ của Bairơn
“Tôi thích mái tóc xoăn buông thả, Mỗi đợt âm thanh lại gợn sóng vàng. Tôi thích mắt em với làn mi cong vút, Như đang hôn đôi gò má đỏ căng. Cặp mắt nai như hò như hẹn. Em là cuộc đời tôi!
Tôi yêu em!” [33, 221]
Rất nhiều làn điệu dân ca thuộc các vùng miền khác nhau, bất cứ nơi nào nhân vật đặt chân đến, đều để lại những ấn tượng khó phai trong lòng nhà văn. Những câu hát mang tinh thần, khí chất của chính những con người thuộc về mảnh đất đã sinh ra họ. Ta đã biết đến bài ca của cao nguyên hoàng thổ, thì trong Thời thanh xuân, ta lại bắt gặp làn điệu của
dân ca “ngũ nguyên”, những làn điệu chất phác, tự nhiên như chính con người nơi đây:
“Anh ơi làm cho giỏi. Để em đứng nhìn anh Anh mà có buồn tình, Sẵn em đây anh cứ Vứt hết cuốc hết xẻng, Nhảy lên bờ với em, Một tấm thân trắng ngần,
Anh thích đâu dòm đó”[32, 50]
Giọng điệu trần thuật trong tác phẩm với những sắc thái tình cảm khác nhau, thể hiện càng rõ nét tính cách và thái độ đối với cuộc sống của nhân vật “tôi” cũng như của tác giả Trương Hiền Lượng. Giọng điệu mang tính triết lý và tự trào xót xa chính là cái “tôi” giằng xé và luôn phản tỉnh để hoàn thiện mình. Giọng điệu châm biếm trào phúng để vạch trần bản chất xấu xa của xã hội và biểu hiện cái tôi đứng cao hơn bản năng, tha thiết được sống giữa tình người ấm áp. Giọng điệu giàu chất thơ và chất trữ tình thực sự là sự đồng điệu giữa tâm hồn nhạy cảm của nhân vật “tôi” với vẻ đẹp rất riêng của cao nguyên hoàng thổ. Tất cả đã mở ra một tâm hồn phong phú, nhạy cảm và tha thiết yêu cuộc sống, yêu lý tưởng của nhân vật chính Chương Vĩnh Lân.
Tiểu kết
Thông qua tuyến cốt truyện và giọng điệu trần thuật của tác phẩm, người đọc lại nhận thấy một cách rõ nét hơn tính triết lý – trữ tình trong hai tác phẩm Cây hợp hoan và Một nửa đàn ông là đàn bà, đó cũng là một
đặc trưng của ngòi bút Trương Hiền Lượng.
Tuyến cốt truyện là hành trình kiếm tìm chân lý không mệt mỏi của nhân vật Chương Vĩnh Lân. Mỗi giai đoạn của cuộc đời, mỗi con người anh được gặp và tiếp xúc đều để lại những dấu ấn, những bài học cuộc sống vô cùng sâu sắc. Nhìn lại cuộc đời của nhân vật Chương Vĩnh Lân, người đọc có thể hoàn toàn liên tưởng tới cuộc đời của tác giả Trương Hiền Lượng trong suốt hai mươi năm bị quy là “phái hữu”. Ta thấy hiện lên rõ nhất là cái “tôi” – tác giả - cái tôi trải nghiệm, cái tôi chứng kiến và bây giờ cái tôi ấy thuật lại, tái hiện lại quãng thời gian đã qua của cuộc đời. Hình ảnh anh trí thức Chương Vĩnh Lân đi cải tạo ở các nông trường nông thôn Trung Quốc rất giống với hình ảnh Trương Hiền Lượng trong thời gian đi lao động khổ sai ở trấn Bắc Bảo – Ninh Hạ, một vùng đất xa xôi hẻo lánh phía Tây Bắc Trung Quốc. Nỗi thống khổ trong cuộc đời Chương Vĩnh Lân cũng là nỗi đau khổ của tác giả Trương Hiền Lượng trải qua trong suốt hơn hai mươi năm.Và chính con người đầy nghị lực, đầy ý chí của Chương Vĩnh Lân cũng chính là con người dám chấp nhận khó khăn để tìm đến sự đốn ngộ trong cuộc đời – một điểm nổi bật và đáng ngưỡng mộ ở con người tác giả Trương Hiền Lượng.
Giọng điệu trần thuật trong tác phẩm khi châm biếm, trào phúng, khi lại say sưa, trữ tình cũng mang lại một phong cách mới mẻ trong cách viết của Trương Hiền Lượng. Bước vào làng văn với tư cách là một nhà thơ đã đem lại cho nhà văn giọng điệu độc đáo ấy. Tất cả cùng quy tụ lại, tạo nên tính triết lý – trữ tình cho tác phẩm.
PHẦN KẾT LUẬN
Từ việc khái quát sơ lược về hoàn cảnh xã hội, văn học và đời sống cá nhân đến việc tìm hiểu, phân tích nghệ thuật xây dựng nhân vật, xây dựng tuyến cốt truyện, giọng điệu trần thuật, chúng ta đã nhận thấy tính triết lý – trữ tình đậm nét trong tiểu thuyết của Trương Hiền Lượng, mà cụ thể là qua hai tác phẩm Cây hợp hoan và Một nửa đàn ông là đàn bà.
Hai tác phẩm ra đời trong bối cảnh Cách mạng văn hóa vô sản Trung Quốc đang diễn ra, làm cho xã hội đảo lộn. Mọi giá trị của con người đều bị tước đoạt. Những người trí thức như Chương Vĩnh Lân bị cuốn vào vòng xoáy của “đấu tố”, phải đi hết từ trại cải tạo này đến trại cải tạo khác. Hai tác phẩm là sự ngoái lại đầy xót xa của nhà văn Trương Hiền Lượng về một quá khứ đau thương, đầy những vết hằn lao cải trên cả thể xác lẫn tâm hồn.
Trong các tác phẩm, Trương Hiền Lượng luôn đi sâu vào khai thác thế giới nội tâm của nhân vật, để nhân vật tự chiêm nghiệm về cuộc sống. Mỗi bước đi của cuộc đời, luôn khiến cho nhân vật “tôi” có những trải nghiệm, những đúc rút đầy thấm thía của bản thân. Khoảng thời gian lao cải hơn hai mươi năm ấy, nhân vật luôn trăn trở về những vấn đề nhân sinh của con người, như: cái đói, sự tồn tại, sự sống, cái chết, bản năng, lý trí,… Đó cũng là những vấn đề nóng hổi đặt ra cho những người trí thức trong
Đại Cách mạng văn hóa. Thông qua những trăn trở ấy, nhân vật đã khẳng
định sự chiến thắng của nghị lực và niềm tin vào cuộc sống. Con người không thể gục ngã nếu khát khao được thực hiện lý tưởng. Và nghèo khổ, lao tù không làm mất đi vẻ đẹp của con người. Con người hoàn toàn có thể làm nên ý nghĩa của cuộc sống bằng sự nỗ lực của bàn tay, sự trí tuệ và sự lạc quan yêu thương lẫn nhau. Từ đó, tô điểm cho hạnh phúc của cuộc đời trên đau thương và nghèo khổ. Những trăn trở còn cho thấy một cái tôi đầy trách nhiệm trước vận mệnh của đất nước, luôn mong muốn cải tạo đất
nước ngày càng tốt đẹp hơn. Đó cũng là ý nghĩa đầy nhân văn mà Trương Hiền Lượng muốn gửi gắm tới bạn đọc. Có thể thấy, con người Chương Vĩnh Lân nghị lực và thiết tha đi tìm vẻ đẹp của cuộc đời rất gần với chất lý trí và kiên định, thái độ sống tích cực của tác giả Trương Hiền Lượng sau những năm dài nếm cay đắng và trải nghiệm sâu sắc từ chính cuộc đời mình. Tuy nhiên, mải theo đuổi triết lý tự biện, tác phẩm đôi khi cũng để lại dấu vết khái niệm hóa, nhiều khái niệm trừu tượng làm cho một số chương có hiện tượng hình tượng nghệ thuật không ăn khớp với triết lý cho lắm. Hoặc nhiều đoạn văn sa đà vào nêu các khái niệm, triết lý. Nhưng điều đó vẫn không làm giảm bớt giá trị của tác phẩm và cũng không làm độc giả bỏ qua được những đoạn phân tích tâm lý sắc sảo của tác giả.
“Nàng thơ” trong con người Trương Hiền Lượng đã tạo nên tính trữ tình tha thiết trong các tác phẩm của nhà văn. Đó là tình cảm dạt dào, ấm áp giữa người với người qua sự sẻ chia, quan tâm, qua những tiếng hát rộn ràng, vui vẻ. Đó là niềm tin mãnh liệt vào một cuộc sống bình dị, tươi đẹp ở phía trước. Chính tình người ấy, niềm tin ấy, đã khiến cho giọng văn cũng trở nên say sưa, tha thiết, tạo nên một dấu ấn khó phai trong các tác phẩm của nhà văn.
Không chỉ trong hai tác phẩm Cây hợp hoan và Một nửa đàn ông là đàn bà mà trong các tác phẩm khác của Trương Hiền Lượng cũng thấm
đẫm tính triết lý - trữ tình ấy. Ý nghĩa tư tưởng từ hình tượng các nhân vật mà nhà văn xây dựng luôn luôn là những con người đi làm đẹp cuộc sống từ chính những đau thương. Có thể khẳng định, qua thời gian, tên tuổi của tác giả vẫn có một vị trí tiêu biểu trong văn học đương Đại Trung Quốc. Trong cuộc bình chọn “60 nhà văn tiêu biểu của thế kỷ XX” do các Giáo sư, nhà văn, nhà phê bình nổi tiếng Trung Quốc bình chọn, Trương Hiền Lượng được xếp thứ 56. Cuộc bình chọn này tiến hành tại Bắc Kinh vào
năm 2005. Và mãi mãi về sau, người đọc sẽ luôn biết đến và ngưỡng mộ một tác giả Trương Hiền Lượng có nghị lực đáng kính trong đời thường và một tài năng văn chương kiệt xuất.
Với khuôn khổ của một luận văn, người viết chỉ tập trung đi vào nghiên cứu Tính triết lý – trữ tình trong tiểu thuyết của Trương Hiền Lượng, thông qua hai tác phẩm Cây hợp hoan và Một nửa đàn ông là đàn
bà. Trong quá trình nghiên cứu, người viết đã cố gắng khảo sát kỹ lưỡng
những vấn đề từ các chương đã đề ra. Tuy nhiên, luận văn sẽ không thể tránh khỏi những thiếu xót nhất định. Vì vậy, người viết rất mong nhận được sự góp ý chỉ bảo tận tình của các thầy cô giáo.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt
I. Tài liệu nghiên cứu
1. Vương Văn Anh chủ biên (2005), Văn học hiện đại Trung Quốc nhìn từ
Thượng Hải, Nxb Văn học, Hà Nội.
2. Lại Nguyên Ân (2003), 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
3. M. Bakhtin (1985), Những vấn đề thi pháp Đôxtôiepxki, Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn (dịch), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
4. M. Bakhtin (2003), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn, dịch, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
5. Đặng Anh Đào (2001), Đổi mới tiểu thuyết phương Tây hiện đại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
6. Phan Cự Đệ (2004), Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
7. Hà Minh Đức (chủ biên), (2010), Lí luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
8. Lê Bá Hán… (2011), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 9. Đào Duy Hiệp (2008), Phê bình văn học từ lí thuyết hiện đại, Nxb Giáo
dục, Hà Nội
10. Hồ Sĩ Hiệp (biên soạn), 2003, Một số vấn đề văn học Trung Quốc thời
kỳ cải cách mở cửa, Nxb Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
11. Nguyễn Trần Huân (1954), Nhà văn Trung Hoa hiện đại, Nxb Vỡ Đất, Hà Nội.
13. Phương Lựu (1995), Tìm hiểu lí luận văn học phương Tây hiện đại, Nxb Văn học, Hà Nội.
14. Nguyễn Đăng Mạnh (1979), Nhà văn tư tưởng và phong cách, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội.
15. Hồ Á Mẫn (2011), Giáo trình văn học so sánh, Lê Huy Tiêu (dịch), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
16. Hoàng Phê (chủ biên) (1998), Từ điển tiếng việt, Nxb Khoa học xã hội. 17. G.N. Pospevlov (chủ biên), 1985, Dẫn luận nghiên cứu văn học, Trần
Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Lê Ngọc Trà (dịch), Nxb Giáo dục, Hà Nội. 18. Trần Minh Sơn (giới thiệu, tuyển chọn và dịch), 2004, Phê bình văn
học Trung Quốc đương đại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
19. Trần Đình Sử (2004), Tự sự học, một số vấn đề lí luận và lịch sử, Nxb Đại học sư phạm Hà Nội, Hà Nội.
20. Trần Đình Sử (1998), Giáo trình dẫn luận thi pháp học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
21. Bùi Việt Thắng (2000), Bàn về tiểu thuyết, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
22. Nguyễn Đình Thi (1964), Công việc của người viết tiểu thuyết, Nxb Văn học, Hà Nội.
23. Lương Duy Thứ dịch (1989), Văn học Trung Quốc hiện nay, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
24. Lê Huy Tiêu (2011), Tiểu thuyết Trung Quốc thời kì cải cách mở cửa, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
25. Lê Huy Tiêu (2004), Cảm nhận mới về văn hóa và văn học Trung Quốc, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
26. Lê Huy Tiêu (chủ biên dịch thuật), 1999, Lịch sử văn học Trung Quốc,
27. Lê Huy Tiêu (chủ biên dịch thuật), 1999, Lịch sử văn học hiện đại
Trung Quốc, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
28. Phùng Văn Tửu (2002), Tiểu thuyết Pháp hiện đại những tìm tòi đổi mới, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
II. Tác phẩm văn học
29. Trương Hiền Lượng (1989), Một nửa đàn ông là đàn bà, Phan Văn Các và Trịnh Trung Hiếu dịch, Nxb Lao động, Hà Nội.
30. Trương Hiền Lượng (1994), Phong cách nam nhi (tập 1), Phan Văn