6. Cấu trúc luận văn
2.2.2. Vẻ đẹp của những người lao động khác
Trong tác phẩm Cây hợp hoan và Một nửa đàn ông là đàn bà,
ngoài hai nhân vật nữ chính là Mã Anh Hoa và Hoàng Hương Cửu, thì những người lao động khác như: anh xà ích Hỉ, đội trưởng Tạ,… là những người có quan hệ máu thịt với Lân. Họ chính là chiếc cầu nối cho Lân đi từ cuộc sống luôn phải vật lộn với cái bản năng thuần túy trở về với cuộc sống của tình người bình dị và biết nhận ra vẻ đẹp của cuộc sống.
Anh xà ích Hỉ xuất hiện ngay từ những trang đầu của tác phẩm Cây hợp hoan, có nhiệm vụ đưa những người trong đội đi lập nghiệp tại nông
trường hoàng thổ. Anh xà ích tỏ ra rất ngang tàng, luôn thể hiện một khí phách uy dũng của người cầm cương. Đến nông trường hoàng thổ, hiện ra trước mắt mọi người là khung cảnh hoang sơ, cằn cỗi, thiếu sức sống của mảnh đất nơi đây. Nhưng trên bức tranh u ám và khắc nghiệt đó, vẫn nổi bật lên anh xà ích Hỉ thành thạo lái xe, vượt qua chiếc cầu nguy hiểm mà vẫn oai phong, lẫm liệt: “Tuy đi được là nhờ sức mấy con ngựa còm đáng
thương, nhưng anh vẫn tỏ ra uy phong lẫm liệt” [33, 7]. Anh xà ích Hỉ hiện
lên với dáng vẻ cao to vạm vỡ, mang dáng dấp của một anh lực điền khỏe mạnh. Anh là điểm sáng về sức mạnh của người lao động. Chính anh đã làm bừng tỉnh sức sống của cao nguyên hoàng thổ.
Cũng giống như đặc điểm tính cách của những người thuần lao động, Hỉ là con người đơn giản trong suy nghĩ và lối sống. Hỉ không có tâm hồn cảm thụ văn thơ như Hoa nhưng anh đã lí giải những câu chuyện cổ tích rất sinh động, thực tế. Nhưng chính tiếng hát của Hỉ đã thể hiện một tâm hồn
mang nhiều ưu tư thầm kín. Đặc biệt, tiếng hát ấy chỉ có ở những người say mê lao động, tha thiết gắn bó với vùng cao nguyên, đã truyền cho Lân tình yêu và hi vọng về cuộc sống mới của một người tự do: “Chỉ có những người sinh ra và lớn lên ở cao nguyên mới diễn đạt được tình điệu của cao nguyên trọn vẹn đến thế… Lúc này đây, tôi cảm thấy đồng ruộng, đất đai, nắng gió, những đám mây do gió đem tới, bầu trời và những con chim ưng này… như vui sướng, sống động do lời ca mơn trớn, có sức quyến rũ đến mê mẩn” [33, 25]. Chính Hỉ là người đầu tiên mở ra một tương lai mang nhiều hi vọng cho Lân, anh đã đánh thức tâm hồn Lân, thức dậy ý thơ đã ngủ say bao năm và khơi dậy trong Lân tình yêu với mảnh đất và cuộc sống nơi đây.
Trong lao động, Hỉ có sự kiêu hùng bởi sức khỏe cũng như phong thái lao động hơn người. Hỉ luôn lao động nghiêm túc và hết sức mình nên thà cho ngựa chạy chí chết chứ không cho phép ngựa chạy ì ạch. Đối với nông trường chưa được cơ giới hóa thì những người như Hỉ là lao động có kĩ thuật cao. Anh có tác phong làm việc hơn hẳn những xà ích khác. Và không một ai ở nông trường có thể theo xe Hỉ quá hai ngày, Hỉ làm việc gấp đôi những người khác. Nếu người ta chở được hai đến ba chuyến thì anh đã chở được năm chuyến.
Đối với Lân cũng vậy, Hỉ đòi hỏi ở Lân một sức lao động hết mình và có sự khéo léo của trí tuệ. Hỉ đã cho Lân biết ý nghĩa của lao động: “Ở cái nơi khỉ ho cò gáy, ở cái nơi mà có lẽ tôi phải gắn bó suốt đời này, chỉ
có thành quả lao động chân tay mới là thước đo con người” [33, 115]
Lân đã được Hỉ thử thách và sát hạch khả năng lao động của anh. Ngày đầu tiên đi theo xe Hỉ, Lân phải làm việc xúc và gạt phân trước sự thờ ơ và ung dung của Hỉ. Cuối cùng Lân đã thắng, mọi người đều không nhanh bằng xe của anh. Kết quả là Lân đã theo Hỉ được sáu chuyến, điều
mà chưa ai trong phòng Lân có thể làm nổi. Ngày tiếp theo Lân vẫn lao động hăng say nhưng Hỉ vẫn không chấp nhận sự chậm chạp của anh và mâu thuẫn xuất hiện. Chuyện đánh nhau với Hỉ đã đánh dấu mốc quan trọng, cho thấy Lân là người lao động bình thường, dám phản kháng trước những bất công. Bình thường về sức khỏe, bình thường về sức lao động và trong con mắt những người khác, Lân đã là thành viên trong cuộc sống của họ, bình đẳng về mọi phương diện.
Nếu Hoa là người trang bị cho Lân những điều kiện để lao động thì Hỉ đã trở thành người kiểm tra khả năng bắt nhịp với cuộc sống lao động của Lân. Lân thực sự mong được như Hỉ: “Tôi cho rằng, thô bạo, nét đàn ông, tính khí ngang tàng và thái độ không sợ lao động, là điều kiện quan trọng hàng đầu trong hoàn cảnh hiện nay. Muốn thật sự trở thành “người
lao động bằng sức lao động của mình” thì phải như Hỉ” [33, 143].
Tuy Hỉ luôn tỏ ra chống đối Lân, nhưng chính điều ấy đã giúp anh lấy lại sức thanh xuân của tuổi trẻ: “Người tôi nhơm nhớp mồ hôi, các lỗ chân lông nở ra, sức mạnh tiềm tàng của tôi được giải phóng không bị
ngăn trở, và tôi cảm thấy tôi vẫn còn tiềm lực dự trữ” [33, 151]. Lân được
đánh thức tình yêu lao động và bản lĩnh đương đầu với khó khăn. Hỉ đã giúp Lân nhận ra rằng mình chính là đối thủ trong lao động với một người lao động tài giỏi số một của nông trường. Ngoài ra, đối với lao động chân tay giản đơn, cũng thể hiện trí tuệ, khí chất và phong cách con người. Nhưng điều đáng quý nhất mà Lân có được từ Hỉ, đó là một tình bạn chân thành. Trước lúc rời khỏi nông trường hoàng thổ, người duy nhất Hỉ tìm đến để tâm tình và chào từ biệt chính là Lân - một đối thủ trong lao động và còn là một tình địch. Hỉ đã chân thành kể lại cuộc đời mình cho Lân như một người anh em thân thiết. Hỉ yêu Hoa và chính Lân đã làm anh mất hi vọng trong tình yêu ấy. Nhưng trước khi ra đi, anh vẫn dặn dò và thực lòng
chúc phúc cho Lân và Hoa. Anh còn để lại cho hai người một bao tải đậu tương và một chiếc bàn trà. Tình cảm của anh đã làm Lân nhận ra sự chân thành của một tình bạn cao quý: “Tôi nhận ra rằng, lương thiện, thông cảm, thương mến… những tình cảm tốt đẹp của con người không đến nỗi bị đói khát và roi vọt đuổi sạch như trước đây tôi từng nghĩ. Trái lại, chính
trong hoàn cảnh như thế, tình cảm đó càng chói lọi” [33, 256]. Lân đã thực
sự cảm động bởi sự bao dung và tấm lòng rộng mở - một tính cách tiêu biểu của những người sống ở cao nguyên: “Ôi, anh Hỉ, người bạn thân yêu
của tôi! Tôi làm thế nào để trả ơn anh?” [33, 258]
Trong Cây hợp hoan, Lân đã có được tình yêu chân thành của Mã
Anh Hoa, tình bạn cao quý của anh xà ích Hỉ, và giờ đây, bác đội trưởng Tạ lại giống như một người cha rộng lượng, dành cho Lân những tình cảm chân thành, gắn bó.
Nhân vật đội trưởng Tạ là người mang phong cách của người quản lý, bác luôn đứng ra phân xử công bằng giữa Lân và Hỉ. Với Lân, bác luôn có sự tin tưởng và tôn trọng. Bác không bao giờ dùng lời lẽ tục tằn phê bình Lân và luôn dành sự ưu ái cho anh, như việc Lân ở nhà sửa lò, bác không nhắc nhở là phải đi làm sau khi sửa xong. Hay hôm đi tìm Hỉ cũng vậy, bác lo Lân mặc áo mỏng nên đã bảo anh đi về hướng đông, nơi có ga tàu để có thể vào sưởi ấm bên bếp lò.
Bác hiểu những người xung quanh một cách sâu sắc. Hỉ bỏ trốn về hướng nào, bác là người rất rõ nhưng bác đã sắp đặt mọi người đuổi theo các hướng khác nhau và bỏ qua hướng đi của Hỉ. Vì bác hiểu Hỉ cần một gia đình, nơi này không thể níu chân anh nếu không có một người phụ nữ. Với Hoa cũng vậy, bác đã giải thích cho Lân hiểu cái gọi là “Quán ăn Mỹ” và khuyên anh nên kết hôn với Hoa một cách chân tình. Nhân cách bao dung và độ lượng của một người cha đã khiến Lân thực sự ngạc nhiên và
cảm động: “Bác có những nét nhân từ của bậc cha mẹ. Con người ta dù thô tục và kém văn hóa đến mấy, chỉ cần có tấm lòng chân thành, có tình
có lý, thì vẫn vĩ đại và được tôn trọng” [33, 265]. Cuối cùng, chính bác là
người đã bị kiểm điểm vì bảo vệ Lân, minh oan cho Lân. Đó là con người cao quý, đã để lại tình cảm chân tình sâu nặng mà Lân không bao giờ quên.