Cơ sở lí thuyết

Một phần của tài liệu Ngôn ngữ giảng dạy của giáo viên trên lớp học ở bậc tiểu học và sự khác biệt giới (Trang 69)

2 .6.1 Câu hỏi giải thích

3.1. Cơ sở lí thuyết

Quan điểm giới tuy mới du nhập vào Việt Nam vào khoảng đầu những năm 90 của thế kỉ XX nhưng đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều nhà nghiên cứu. Cho đến nay giới thực sự đã trở thành mối quan tâm chung của xã hội và trở thành đề tài nghiên cứu của hầu hết các chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn như xã hội học, tâm lí học, nhân học, ngôn ngữ học, giáo dục…

Nói đến giới trước hết chúng ta cần phải phân biệt giữa hai thuật ngữ “giới” và “giới tính” bởi không ít người trong chúng ta nhầm lẫn giữa hai khái niệm này và thường lấy sự khác biệt giới tính để giải thích sự khác biệt về giới.

Giới tính (Sex) là một khái niệm xuất phát từ môn sinh vật học, chỉ sự khác biệt giữa nam và nữ về mặt sinh học. Sự khác biệt này chủ yếu liên quan đến quá trình tái sản xuất con người và duy trì nòi giồng. Con người sinh ra đã có những đặc điểm về giới tính (là đàn ông hay đàn bà). Những đặc điểm này là ổn đinh và hầu như không biến đổi.

Giới (Gender) là một thuật ngữ xã hội học bắt nguồn từ môn nhân học, nói đến vai trò, trách nhiệm và quyền lợi mà xã hội quy định cho nam và nữ. Nói cách khác, nói đến giới là nói đến sự khác biêt giữa phụ nữ và nam giới từ góc độ xã hội. [Đỗ Thị Bình và Trần Thị Vân Anh, 1997].

Như vậy, nếu giới là đặc trưng xã hội thì giới tính lại là đặc trưng sinh học của con người. Nếu những đặc trưng về mặt sinh học thường ít biến đổi và tuân theo quy luật tự nhiên thì những đặc trưng về mặt xã hội thường biến đổi theo sự biến đổi của cấu trúc một xã hội nhất định. Điều này có nghĩa là theo quan điểm giới, về mặt xã hội nam và nữ là hoàn toàn bình đẳng với nhau. Sự khác biệt của hai giới chỉ là do nhân tạo, là do quan niệm, cách nhìn hay giáo dục cũng như truyền thống và quyền lực chính trị của các thời đại tạo nên.

Vấn đề khác biệt giới thường được nhắc đến hay nói chính xác là liên quan đến khái niệm bất bình đẳng. Hầu hết các nghiên cứu điều tra xã hội học từ trước đến nay đều khẳng định có sự khác biệt về giới ở trong gia đình và xã hội, đặc biệt người ta nhấn mạnh đến sự bất bình đẳng, trong đó nữ giới thường phải chịu nhiều thiệt thòi hơn so với nam giới. Chẳng hạn, trong phân công lao động ở gia đình, nữ giới phải làm nhiều công việc hơn nam giới. Ngoài xã hội, nữ giới cũng có ít cơ hội thăng tiến hơn nam giới [Nguyễn Thanh Tâm, 1999; Nguyễn Linh Khiếu, 2002]. Ngay cả các nghiên cứu về giáo dục cũng cho thấy, có sự bất bình đẳng về giáo dục, trong đó phần thiệt thòi vẫn thuộc về nữ giới [Nguyễn Thị Kim Hoa, 2000; Lê Thị Quý, 2003; Hà Thị Minh Khương, 2006].

Các nhà Xã hội học quan niệm bất bình đẳng về giáo dục từ nhiều góc độ khác nhau. Chẳng hạn, Đỗ Thiên Kính (2000) xác định bất bình đẳng về giáo dục theo hai góc độ. Thứ nhất bất bình đẳng về giáo dục là sự phân phối các thành tựu giáo dục cho các thành viên một cách ngẫu nhiên trong xã hội như thế nào. Theo góc độ này, bất bình đẳng về giáo dục được so sánh tương tự như bất bình đẳng về thu nhập hoặc chi tiêu. Thứ hai, bất bình đẳng về giáo dục là sự phân phối những thành tựu về giáo dục đạt được cho các thành viên theo những cơ sở xã hội khác nhau (chẳng hạn như nguồn gốc gia đình, hoặc cư trú ở nông thôn hay thành thị...). Khi xem xét vấn đề bất bình đẳng giới về cơ hội giáo dục, nhiều nghiên cứu cho rằng cần tìm hiểu vấn đề này ngay từ góc độ gia đình bởi vì gia đình là nơi đưa ra các quyết định quan trọng ảnh hưởng đến cơ hội giáo dục mà các thành viên trong gia đình nhận được. Kết quả cho thấy, vẫn có sự

khác biệt giới trong dự định đầu tư cho việc đi học của con. Trong đó, con trai được cha mẹ dự định cho học cao nhiều hơn con gái. Ngay cả khi con gái học giỏi hơn, thì vẫn không được cha mẹ quan tâm và dự định đầu tư học cao như con trai [Nguyễn Thị Kim Hoa, 2000; Hoàng Gia Trang, 2001; Lê Thuý Hằng, 2006...]. Điều này nói lên rằng bất bình đẳng về cơ hội giáo dục hiện vẫn đang tồn tại và cần phải có những chương trình và các hoạt động thu hẹp, xoá bỏ.

Trong lĩnh vực ngôn ngữ học, vấn đề giới cũng được tiếp cận ở hai hướng khác nhau. Trong khi một số nhà nghiên cứu quan tâm đến mối quan hệ giữa ngôn ngữ và giới từ góc độ sinh học và khía cạnh nhận thức [Nguyễn Văn Khang, 1996; Nguyễn Thế Truyền, 2000...] thì hướng nghiên cứu thứ 2 lại quan tâm đến giới về mặt xã hội ở trong ngôn ngữ [Lương Văn Hy, 2000; Nguyễn Thị Thanh Bình, 2003; Vũ Thị Thanh Hương, 2005...]. Đây đang là hướng nghiên cứu tỏ ra chiếm ưu thế bởi thực sự các nhiên cứu này hi vọng góp phần vào sự bình đẳng giới ở trong xã hội.

Ở Việt Nam, nếu như việc nghiên cứu giới trong nhà trường, cụ thể trong hội thoại giảng dạy hiện nay còn khá mới mẻ thậm chí chúng tôi chưa tìm thấy bài viết nào đề cập đến thì ở trên thế giới vấn đề này đã có khá nhiều nghiên cứu đề cập đến vấn đề này.

Khi xem xét vấn đề giới ở trong trường học, một câu hỏi chung đặt ra và đó cũng là mối quan tâm chính trong nhiều nghiên cứu về tương tác lớp học đó là: Trong trường học có tồn tại sự ứng xử khác nhau giữa nam và nữ không và liệu tương tác lớp học có phản ánh sự phân chia giới ở trong xã hội không?

[Howe, C, 1997; Kyungah, J & Haesook, C, 2005...].

Hầu hết các nhà nghiên cứu đều sử dụng thuật ngữ “giới” để chỉ sự ứng xử khác nhau giữa nam và nữ. Delamont (1990) nhận định "trường học chính là tác nhân tích cực trong việc duy trì sự ứng xử khác nhau giữa nam và nữ. Trong các trường học, sự kì thị hay phân biệt giới tính càng làm khoét sâu các khía cạnh tiêu cực trong vai trò giới tính ở thế giới bên ngoài xã hội".[Dẫn theo 42, tr.3].

How,C (1997) cho rằng, có thể nhận ra sự khác biệt giới ở lời hồi đáp của học sinh, ở lời khởi xướng của giáo viên. Bên cạnh đó, một câu hỏi chung cũng được đặt ra trong nhiều nghiên cứu rằng, liệu giáo viên phản hồi có theo giới hay không? Các nghiên cứu về giới đã được thực hiện ở nhiều nước khác nhau như Úc, Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Thái Lan... Bằng các phương pháp nghiên cứu khác nhau như quan sát, ghi băng, quay video trong các lớp học ở các trường tiểu học và trung học, hầu hết các nghiên đều khẳng định có sự khác biệt giới ở trong tương tác lớp học.

Nghiên cứu của Swann & Graddol (1988) cho thấy khi giáo viên chỉ định học sinh trả lời thì học sinh nam được giáo viên lựa chọn nhiều hơn, do vậy học sinh nam đóng góp vào tương tác lớp học nhiều hơn so với học sinh nữ. Tương tự, Jones & Wheatley (1989) tiến hành nghiên cứu ngẫu nhiên đối với 60 giáo viên và 1300 học sinh ở Mỹ cũng đã kết luận rằng, tính trên mặt bằng chung, học sinh nam đóng góp vào tương tác lớp học nhiều hơn học sinh nữ cho dù chúng ta có nhìn vào số lần phát biểu hay chất lượng của lời phát biểu. [Dẫn theo 42, tr. 10]. Nghiên cứu của Kyungah Jung & Haesook Chung (2005) cũng cho thấy, học sinh nam nhận được sự phản hồi từ giáo viên nhiều hơn học sinh nữ cả phản hồi tích cực và phản hồi tiêu cực, cho dù tỷ lệ lời phản hồi tiêu cực của học sinh nam là nhiều hơn so với học sinh nữ. Howe, C, (1997) đi đến kết luận rằng, sự thật không thể chối cãi rằng sự khác biệt giới tồn tại ở trong tương tác lớp học, trong đó học sinh nam được coi là trung tâm trong quá trình giảng dạy.

Có một vài lí do giải thích cho điều này. Thứ nhất, ưu thế của học sinh nam xuất phát từ việc thể hiện tính thích nói ở trong nhóm. Thứ hai, giáo viên lựa chọn học sinh nam đóng góp vào tương tác lớp học nhiều hơn học sinh nữ bởi một phần học sinh nam thu hút được sự chú ý của giáo viên hơn. Tuy nhiên lí do quyết định của vấn đề này đó là nó phản ánh sự nhận thức về sự khác biệt giới trong xã hội.

Nghiên cứu của Michelle Stanworth (1983) lại tập trung vào tương tác học sinh-học sinh. Bà thấy rằng học sinh nam nổi bật hơn trong tương tác lớp học. Chẳng hạn, học sinh nam có 4 lần hợp lý hơn học sinh nữ trong việc tham gia vào thảo luận hoặc đưa ra ý kiến của mình trước lớp và gấp đôi khả năng yêu cầu giúp đỡ hoặc thu hút sự chú ý từ giáo viên. Thậm chí chính học sinh cũng nhận thức được sự khác biệt giới trong lớp học. Chẳng hạn học nam trong lớp tự xem mình là trội hơn, nổi bật hơn học sinh nữ; học sinh nam thẳng thắn và tự tin hơn. Nói chung, học sinh nam được xem là có năng lực hơn và được đánh giá cao hơn học sinh nữ trong thảo luận lớp học, trong khi học sinh nữ dường như tự cho mình như là ít có khả năng hơn học sinh nam.

Khi yêu cầu các học sinh đưa ra quan điểm, ý kiến nhằm tìm hiểu các hình thức ngôn ngữ hoặc hành vi của học sinh trong lớp, Kramarae (1977) nhận thấy học sinh nam biểu thị là những người mạnh mẽ, hiếu chiến, thích khoe khoang và thống trị trong khi học sinh nữ tỏ ra là thân thiện, cởi mở, cảm xúc và biểu thị sự quan tâm đến người nghe hơn [Dẫn theo 49, 12].

Tiếp tục với những yếu tố thảo luận trong lớp học, bằng chứng cho thấy giáo viên tăng cường viện trợ sự khác biệt giới trong thảo luận lớp học, trong đó bao gồm sự khác biệt ngôn ngữ. Các nghiên cứu tin rằng, giáo viên có xu hướng ủng hộ, ưu đãi học sinh nam hơn học sinh nữ. Điều này có thể giải thích cho giả thuyết học sinh nữ nói ít hơn học sinh nam. Vì vậy, có một sự bất bình đẳng trong ý thức rằng học sinh nam đóng góp nhiều hơn vào tương tác lớp học.

Một phần của tài liệu Ngôn ngữ giảng dạy của giáo viên trên lớp học ở bậc tiểu học và sự khác biệt giới (Trang 69)