7. CẤU TRÚC LUẬN VĂN
2.3.3. Những bài ca dao than thân
Những bài ca dao than thân của người Choang dường như được sinh ra cùng thời với chế độ phong kiến. Triều đình phong kiến Trung Hoa đã dùng chế độ thổ ty
土司 để cai trị các dân tộc thiểu số nói chung, kiểm soát họ cả về mặt chính trị và kinh tế. Những “thổ quan” bản địa chính là đại diện quyền lực của triều đình phong kiến tại địa phương. Những thổ quan này là những nhà quý tộc, tù trưởng, hay chúa đất bản địa, được triều đình bổ nhiệm làm quan và được cha truyền con nối, cai quản một vùng đất nhất định với điều kiện chịu thần phục triều đình trung ương. Theo quy luật phát triển, sự xuất hiện các giai tầng trong xã hội sẽ dẫn tới những mâu thuẫn nảy sinh và bắt nguồn từ mâu thuẫn về kinh tế. Từ sự chênh lệch về kinh tế, sự phân biệt giàu – nghèo, những mâu thuẫn xã hội cũng theo đó nảy sinh. Mặt khác, ngay cả trong một giai tầng, những mâu thuẫn nội tại của nó cũng xuất hiện, từ những tế bào nhỏ nhất của xã hội như gia đình. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện những bài ca than thân. Người lao động mượn những bài ca dao để giãi bày tâm sự, trước hết để giải tỏa những bức xúc tinh thần, sau để thể hiện sự phản kháng với chế độ phong kiến và ước mơ về một thế giới công bằng.
Trong những bài ca dao than khổ, bài có nội dung than về sự nghèo túng chiếm số lượng tương đối lớn. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc... là nỗi khổ được
Dịch tiếng Hán 哥讲哥苦妹更苦 哥讲哥难妹更难 件衣补成三斤重 大旱三年晒不干 Dịch Hán Việt:
Ca giảng ca khổ muội canh khổ
Ca giảng ca nan muội canh nan
Kiện y bổ thành tam cân trọng Đại hạn tam niên sái bất can
Dịch tiếng Việt (tạm dịch): Anh kể anh khổ em càng khổ Anh than anh khó em càng khó Tấm áo vá nhiều nặng ba cân Trời hạn ba năm phơi chẳng khô
[19, tr. 209]
Lời than trên có phần khoa trương khi nói về tình cảnh của mình: khốn khó đến độ tấm áo phải vá nhiều lần đến mức tầng này gối tầng khác, nặng đến “ba cân” và khi chiếc áo nhiều tầng vá này ướt thì “đại hạn ba năm phơi chẳng khô”. Cách nói ấy bao hàm cả nỗi khổ cực cơm áo của người lao động, hình tượng hóa một cách chân thực cuộc sống túng thiếu của họ. Ở đây, có nhân vật “anh” và “em”, chắc hẳn là một lời tình tự, bộc bạch của đôi trai gái nghèo. Họ kể với nhau về nỗi khổ của bản thân. Trong câu có cặp từ “càng – càng” thể hiện cấp độ tăng tiến, khắc họa nỗi khổ tăng dần, đồng thời kết hợp với lối nói khoa trương khiến nỗi khổ được nhấn mạnh và được thể hiện sâu sắc. Ở một số bài ca dao khác, ngoài nội dung than thân, người bình dân đã trực tiếp chỉ ra sự bất công trong xã hội:
Dịch tiếng Hán 种地不得吃, 墨面菜当餐 穷人操碎心, 富人吃不完 Dịch Hán Việt: Chủng địa bất đắc cật Mặc miến thái đương xan Cùng nhân thao toái tâm Phú nhân cật bất hoàn
Dịch tiếng Việt (tạm dịch): Cấy cày chẳng được ăn Rau dại lấy làm cơm
Người nghèo trăm đường khổ Nhà giàu lúa đầy kho
[63, tr. 240]
Sống dưới ách áp bức bóc lột tàn bạo của các thổ quan phong kiến. Họ phải chịu sưu cao thuế nặng, thuê ruộng thuê đất của nhà giàu làm công để lấy nông sản nuôi sống gia đình. Nào đâu phải họ là những kẻ biếng lười. Người Choang có truyền
thống yêu lao động, cần cù là một trong những quan niệm và chuẩn mực đạo đức của họ. Vậy mà họ vẫn phải chịu cuộc sống đói khổ, lấy rau dại làm cơm độ nhật qua ngày. Và họ chỉ thẳng đối tượng đẩy họ đến bước đường cùng, hai hình ảnh đối lập: “Người nghèo trăm đường khổ” – “Nhà giàu lúa đầy kho”. Sự mâu thuẫn giàu – nghèo dẫn đến sự khác biệt về thân phận, cuộc đời và những mâu thuẫn ấy sẽ vĩnh viễn không được giải quyết nếu không có sự đổi thay về chế độ cũng như công cuộc giải phóng sau này. Nhắc đến người lao động trong xã hội phong kiến, dù ở quốc gia nào, cũng đều phải chịu đủ mọi khổ cực. Thơ ca dan gian của người Tày – Nùng cũng có không ít bài phản ánh nỗi khổ của người dân:
Tháng chạp tiết trời rét liên miên Tết sắp đến rồi trời rét ghê
Người giàu vui thú tăng thêm tuổi Người nghèo thì lo đi kiếm tiền Năm hết tết đến lo ngày tết Lo thiếu con gà cúng tổ tiên Đêm ngủ chẳng say lòng suy nghĩ Vì ta nghèo khó thiếu đồng tiền
[1, tr. 125] Vốn có đời sống tâm linh phong phú, người Tày – Nùng quan niệm dù nghèo khó đến đâu cũng phải lo cho được con gà cúng tổ tiên ngày tết cho tổ tiên. Nhưng dường như cái tết chỉ đến với những nhà giàu sang, và cũng chỉ với họ tết thực sự là một dịp vui. Mỗi một mùa tết, ai cũng thêm tuổi. Càng cao tuổi, càng đức cao vọng trọng, càng viên mãn, là điều đáng vui mừng. Nhưng cũng đâu chỉ người giàu mới tăng tuổi, mới cần vui ngày vui năm mới? Người nghèo cũng vậy cả thôi! Có điều đối với kẻ sung túc no đủ thì năm mới đến là một niềm vui, là điều hạnh phúc, nhưng đối với người nghèo, ngày tết là cả nỗi lo lắng với sự thiếu thốn vật chất. Ngày tết khởi đầu cho một năm mới, đến con gà cũng không sắm nổi đặt lên bàn thờ tổ tiên đối với họ là cả một nỗi buồn, một điều xấu hổ lớn lao.
Người lao động còn là nạn nhân của những cuộc chiến tranh cát cứ của thổ quan địa phương cũng như triều đình phong kiến. Trong suốt chiều dài lịch sử, các cuộc chiến tranh do tầng lớp phong kiến thống trị gây ra đã khiến bao cảnh nhà tan nát, bao thanh niên trai tráng ra đi không hẹn ngày trở lại:
Dịch tiếng Hán 六月当兵别我妹 歌去当兵难得回 哥今好比东流水 只有流去不流回 Dịch Hán Việt:
Lục nguyệt đương binh biệt ngã muội
Ca khứ đương binh nan đắc hồi
Ca kim hảo tỉ đông lưu thủy Chỉ hữu lưu khứ bất lưu hồi
Dịch tiếng Việt (tạm dịch): Tòng quân tháng sáu cơn ly biệt
Hỏi rằng, tiết đoàn viên ấy có không?
Thân như nước chảy về đông Chảy xuôi muôn dặm nào trông ngày về?
[19, tr. 215]
Trong những cuộc chiến tranh bất tận, kẻ chịu thiệt thòi nhất luôn là những người lính chiến. Họ chủ yếu xuất thân từ tầng lớp bình dân. Họ mãi mãi là vật hi sinh cho giấc mộng quyền lực của các bậc đế vương. Nơi chiến trường ác liệt tên đạn vô tình, nếu may mắn tránh được gươm đao trên sa trường cũng khó lòng chống đỡ với đói rét, bệnh dịch, với rừng thiêng nước độc. Lại nhớ hình ảnh anh lính bắt phu trong ca dao Việt Nam “bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa”, hay người lính sa trường “Trước giờ người đi chinh chiến mấy ai còn sống trở về - cổ lai chinh
chiến kỉ nhân hồi” trong thơ Vương Hàn (Đường). Biết vậy nên thời khắc họ ra đi từ
biệt cũng gần như là phút vĩnh biệt. Bởi từ đó trở đi sinh mệnh của họ không còn thuộc về họ nữa, như nước “chảy xuối muôn dặm”, không hẹn ngày về. Họ để lại người thân, người vợ vò võ quê nhà canh khuya với nỗi đau đoạn trường da diết...
Người Tày – Nùng (Lạng Sơn) sống dưới chế độ thổ ty bản địa, cũng không tránh khỏi cảnh bị áp bức nặng nề. Nghèo khổ, thân phận họ được ví như con ve, như con sâu cái kiến bé nhỏ, yếu nhược:
Quan ơi sao giữa đêm ngài nỡ bắt chúng con Về tống sao thác hạn cho ai kia hở quan
Sao không cho con ít tơ ít nhiễu
Ngày trước bố con mới chết tháng ba làm mạ Tháng năm mẹ mới chết làm ruộng
Sao quan nỡ bắt thân con tội nghiệp Sáng con ăn sương làm bữa
Trưa con ăn gió thay cơm
Hình ảnh “con ve” trong ca dao dân gian Tày – Nùng thường được ví với những con người có thân phận thấp hèn. Trong đoạn thơ trên, tác giả dân gian đã mượn hình ảnh này để so sánh với hình ảnh của người bị bắt lính, vốn có thân phận nghèo khổ, cô đơn. Tiếng ve kêu râm ran não ruột như tiếng kêu than của những người dân bần cùng cơ khổ. Nhưng người đâu có hiểu tiếng ve, cũng như những người giàu, những kẻ thống trị, nắm quyền đâu có nghe thấy tiếng thở than rên xiết của những con người dưới đáy xã hội.
Trong xã hội phong kiến, người phụ nữ là những ngưởi phải chịu nhiều khổ cực với bao gánh nặng gia đình phải lo toan. Người con gái khi ở nhà với bố mẹ được yêu thương, được nâng niu bao nhiêu thì khi làm dâu nhà người phải một tay lo toan, dậy sớm thức khuya, nhiều khi còn phải chịu đòn roi của nhà chồng, tự mình chịu đựng nỗi đau thể xác lẫn tinh thần:
Dịch tiếng Hán 难了难 做人媳妇是万难 柴米油盐贵我管 火烟冷水是我尝 Dịch Hán Việt:
Nan liễu nan
Tố nhân tức phụ thị vạn nan Sài mễ du diêm quy ngã quản Hỏa yên lãnh thủy thị ngã thường
Dịch tiếng Việt (tạm dịch): Khó thật khó
Thân làm dâu người thực khó thay
Gạo muối củi dầu đều đến tay Bếp khói nước lạnh thân này chịu thôi
[19, tr. 213]
Trong chủ đề than thân, đặc biệt là lời than thân của người phụ nữ, những bài ca dao bắt đầu bằng ba chữ “khó thật khó”, “khổ thật khổ”, “buồn thật buồn” tương đối phổ biến. Dòng thơ ba chữ nằm ở đầu nối những câu sau bảy chữ tạo điểm nhấn
với lời than khổ trực tiếp. Họ bộc bạch cảm xúc của mình như tiếng kêu than, tiếng thở dài khi một mình phải đối mặt với những công việc thường ngày: gạo muối, củi dầu... tức là công việc nội trợ bếp núc của người phụ nữ. Tưởng rằng toàn chuyện nhỏ nhặt, đơn giản nhưng để hoàn thành nó với một đôi tay, người phụ nữ đã phải mất cả tuổi xuân. Không phải chỉ là chuyện vất vả, đó còn là sự tủi thân khi chỉ có một mình, khi những công việc nặng nhọc thì đến tay mà không được ai san sẻ, còn bị nhà chồng đối xử tệ bạc, bị mẹ chồng đánh đập đòn roi. Trong những bài ca dao này, người “mẹ chồng” luôn là nguồn gốc đau khổ của “con dâu”. Nhưng qua đây không chỉ nói về mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu, mà còn hàm ý sâu sắc nói tới mâu thuẫn xã hội, vì mẹ cha cũng là những nạn nhân đau khổ của xã hội.
Một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến nỗi đau khổ của người phụ nữ còn là chế độ hôn nhân không tự do. Hôn nhân cha mẹ sắp đặt đem lại cho họ nỗi đau khổ một đời. Có những cuộc hôn nhân “như đôi đũa lệch”, người phụ nữ bị người đời giễu cợt, chê cười, tủi vì phận mình hẩm hiu, như bài Vợ mười tám tuổi chồng lên ba: Dịch tiếng Hán 想讲未尽泪纷纷 嫁着细夫也着跟 独木小桥也着过 淡饭无盐也得吞 Dịch Hán Việt:
Tưởng giảng vị tận lệ phân phân
Giá trước tế phu dã trước ngân
Độc mộc tiểu kiều dã trước quá
Đạm phạn vô diêm dã đắc thôn
Dịch tiếng Việt (tạm dịch): Muốn nói mà lệ chứa chan Lấy phải chồng non chẳng được yên
Cầu nhỏ độc mộc cũng bước liều
Cơm nhạt không muối phải nuốt trôi
[19, tr. 214]
Sự hẩm hiu, bạc bẽo, không hạnh phúc trong hôn nhân phần lớn là hậu quả của chế độ hôn nhân phong kiến cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Chính vì vậy, trong những bài ca dao này, đối tượng bị trách móc là các bậc làm cha làm mẹ tham của cải vật chất, tham giàu sang mà bán bỏ con gái cho nhà người, làm vợ đứa trẻ ranh. Thực
ra, buồn đau thì họ trách vậy, chứ họ hiểu, mẹ cha hay chính bản thân họ đều là nạn nhân muôn thưở của chế độ hà khắc mà thôi. Những hình ảnh về cảnh sống khổ cực như phải liều mình qua “cầu độc mộc”, nhắm mắt “nuốt trôi” miếng “cơm nhạt” chỉ là những hình ảnh tượng trưng cho nỗi khổ của người con gái khi nhắm mắt đưa chân về nhà chồng, với khoảng cách tuổi tác quá chênh lệch. Sự khổ cực khi làm dâu nhà người có lẽ chẳng thấm vào đâu so với những lời chế giễu của người đời, những đêm ôm gối lạnh lẽo đơn côi trước cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Niềm bất hạnh đó theo suốt tuổi xuân và cuộc đời của những cô gái trẻ không may mắn ấy.
Ca dao than khổ tập trung phản ánh những nỗi khổ của con người, chủ yếu là người lao động. Tuy nhiên, lời than vãn của họ nhiều khi không phải là sự mềm yếu, ủy mị mà là để giải tỏa nỗi niềm, tâm sự về nỗi khổ. Nói ra được nỗi lòng mình cũng khiến tâm trạng họ trở về trạng thái bình ổn hơn. Và lúc này ca dao như một liệu pháp tinh thần để họ dựa vào đó mà bước tiếp trong cuộc đời đầy khó nhọc. Có những bài ca dao khiến người ta cảm thông, nhưng không đượm chút bi ai, buồn tủi, họ dùng lời ca để tự động viên tinh thần của mình:
Dịch tiếng Hán 石榴花开石榴红 家中无米米缸空 米缸越空越唱歌 衣衫越烂越威风 Dịch Hán Việt:
Thạch lựu hoa khai thạch lựu hồng
Gia trung vô mễ mễ cang không
Mễ cang việt không việt xướng ca
Y sam việt lạn việt uy phong
Dịch tiếng Việt (tạm dịch): Thạch lựu đơm bông, bông lựu hồng
Mở thùng tìm gạo, thấy thùng không
Thùng không chẳng màng, cao giọng hát
Áo rách nhìn lại cũng oai phong [19, tr. 216]
Nếu không có cái nhìn cuộc đời đầy tự tin, sảng khoái, họ khó lòng mà nhìn thấy vẻ rực rỡ của hoa lựu tháng sáu khi trong nhà chẳng còn hạt gạo như thế. Cất cao giọng hát dù bữa ăn đói gạo, dù áo rách chẳng ấm thân không phải việc dễ dàng đối mặt. Nhưng họ biết rằng, than thở ủy mị cũng không phải là cách giải quyết hay mà tinh thần sảng khoái, khỏe khoắn mới là liều thuốc tinh thần tốt nhất. Tinh thần lạc
quan này hoàn toàn có cơ sở bởi họ quan niệm những thứ do bàn tay mình làm ra luôn là những thứ bền vững, cho dù cuộc sống có gặp nhiều tủi cực, đắng cay thì cũng phải sống sao cho đúng đạo lí, hợp lẽ trời, nhìn đời bằng con mắt lạc quan. Đó chính là chìa khóa của hạnh phúc.
Có thể nói, ca dao than khổ là một trong những nội dung hết sức phong phú, phản ánh một cách chân thực và nhân văn về đời sống những con người lao động. Tuy đứng trước cuộc sống đầy vất vả, với gánh nặng áo cơm, người lao động vẫn luôn tìm cho mình những lí do để có được cuộc sống lạc quan, vui vẻ. Bằng niềm tin khỏe khoắn và thái độ sống tích cực, luôn hướng về phía trước, họ đã có những cuộc khởi nghĩa giành lại quyền làm chủ, cũng như trở thành những nhân tố nòng cốt trong cuộc đấu tranh chống áp bức, bất công trong xã hội.