Những tồn tại và nguyên nhân chủ yếu

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao hiệu quả huy động vốn tại ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam- chi nhánh Quảng Bình (Trang 60)

2.3.2.1. Những mặt tồn tại

Bên cạnh những kết quả đạt được thì BIDV Quảng Bình còn một số tồn tại phải khắc phục trong thời gian tới:

Quy mô nguồn vốn trung dài hạn còn hạn chế:

Tuy nguồn vốn trung dài hạn đã có sự tăng lên qua các năm nhưng sự tăng lên này chưa đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu cho vay trung dài hạn của ngân hàng, điều đó chứng tỏ, dù đã quan tâm đến chiến lược định lãi suất để tạo ra sự ổn định về nguồn vốn hiệu quả của nó chưa đủ lớn để đáp ứng được yêu cầu tín dụng của ngân hàng.

Quy mô huy động vốn từ các TCKT còn nhỏ:

Việc mở rộng nguồn vốn huy động từ các TCKT sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng huy động được một lượng vốn lớn từ một số ít khách hàng, cũng như thiết lập mối quan hệ lâu dài và nâng cao chất lượng công tác tín dụng cả ngân hàng. Mặc dù nguồn vốn mang lại từ đối tượng khách hàng này có tính ổn định không cao nhưng tập trung vào đối tượng khách hàng này sẽ rất thuận lợi cho ngân hàng trong việc giảm chi phí vốn đầu vào. Dù đã thiết lập được quan hệ lâu dài với một số lượng lớn các khách hàng doanh nghiệp trên địa bàn nhưng quy mô vốn huy động từ đối tượng khách hàng này còn hạn chế.

Do đó, ngân hàng cần có nhiều giải pháp tích cực cũng như những quyết sách linh hoạt hơn nữa để thu hút đối tượng khách hàng này ngày càng đông hơn.

Nghiệp vụ Marketing của chi nhánh chưa chuyên ngiệp và chưa sâu rộng tới các đối tượng khách hàng:

Ngân hàng vẫn chưa thật chú trọng đến việc quảng bá và xây dựng hình ảnh của mình trên thị trường, công tác hỗ trợ thông tin tư vấn cho khách hàng còn hạn chế. Hoạt động tiếp thị, quảng cáo, tìm hiểu khách hàng chưa được mở rộng. Các hoạt động khuyến mại tuy được thực hiện nhưng với quy mô nhỏ và thường chỉ khi khách hàng đến giao dịch tại ngân hàng hoặc thông qua trang web của hệ thống thì mới được biết. Do đó, các dịch vụ của ngân hàng chưa thực sự trở nên quen thuộc với người dân.

2.3.2.2. Nguyên nhân chủ yếu

Nguyên nhân khách quan:

Thứ nhất, môi trường kinh tế thiếu ổn định

Sau thời kỳ lạm phát và cuộc khủng hoảng kinh tế ở Mỹ và một số nước phương Tây năm 2008, năm 2009 nền kinh tế đang còn gặp nhiều khó khăn, lãi suất huy động trong nước còn nhiều biến động, gây khó khăn cho việc huy động vốn của các ngân hàng nói chung và BIDV Quảng Bình nói riêng. Những biến động của môi trường kinh doanh trong nước như: sự biến động giá cả, lạm phát, thị trường chứng khoán, sự bùng nổ của thị trường vàng, thị trường bất động sản, diễn biến bất thường của tỷ giá USD… cùng với sự cạnh tranh gay gắt của các NHTM trên cùng địa bàn cũng khiến công tác huy động vốn của chi nhánh gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, môi trường pháp lý chưa hoàn thiện

Môi trường pháp lý cho hoạt động ngân hàng chưa đầy đủ, chưa đồng bộ và chưa tạo ra một hành lang pháp lý vững chãi để bảo vệ lợi ích của khách hàng và bản thân các ngân hàng. Sự phát triển của công nghệ mới làm cho những văn bản pháp quy trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với tình tình thực tế, gây khó khăn cho ngân hàng trong việc triển khai dịch vụ mới.

Thứ ba, thói quen tiêu dùng của khách hàng chưa thay đổi nhiều

Tiêu dùng tiền mặt còn ăn sâu vào nhận thức của người dân. Việc ưa thích sử dụng tiền mặt trong thanh toán và quá trình giao dịch ảnh hưởng xấu đến hoạt động phát triển sản phẩm bán lẻ nhằm đa dạng hóa hình thức huy động vốn.

Nguyên nhân chủ quan:

- Công tác phân tích, dự báo của ngân hàng về những biến động thị trường còn hạn chế, thể hiện, có những năm ngân hàng dự báo khá tốt tình hình diễn biến thị trường nên lập kế hoạch và đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch đề ra nhưng cũng có năm ngân hàng chưa làm tốt công tác này nên ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

- Sự đa dạng của các sản phẩm tiện ích vẫn còn nhiều hạn chế.

- Sức ép cạnh tranh giữa các TCTD ngày càng lớn, đặc biệt là các NHTM cổ phần trong khi ngân sách dành cho hoạt động huy động vốn chưa đủ mạnh và linh động.

- Chính sách lãi suất của ngân hàng chưa thực sự cạnh tranh. Mặc dù đã được điều chỉnh, đặc biệt lãi suất huy động vốn ngắn hạn nhưng chưa khai thác hết tiềm năng vốn trên thị trường.

- Hoạt động Marketing trong việc quảng bá hình ảnh, uy tín của chi nhánh đã được triển khai nhưng hiệu quả thu hút chưa cao, chưa hấp dẫn.

Tuy còn những tồn tại, hạn chế trong công tác huy động vốn nhưng nhìn chung, BIDV Quảng Bình đã rất cố gắng để thỏa mãn tốt nhất nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trên địa bàn. Hiệu quả từ hoạt động huy động vốn đã góp phần giúp hoạt động kinh doanh của chi nhánh có hiệu quả. Trong thời gian tới, chi nhánh cần phát huy những điểm mạnh và hạn chế, khắc phục những điểm yếu để tồn tại và phát triển bền vững trong hoàn cảnh kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

CHƯƠNG 3

MỘT SỐ GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HUY ĐỘNG VỐN TẠI NGÂN HÀNG ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM - CHI NHÁNH QUẢNG BÌNH

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao hiệu quả huy động vốn tại ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam- chi nhánh Quảng Bình (Trang 60)