II. Vận dụng thực tế
3. Phân tích tình hình đối thủ cạnh tranh
Theo báo cáo cuối năm 2013 của hãng nghiên cứu comScore (Mỹ), Lazada.vn là trang web thương mại điện tử của nước ngoài duy nhất có mặt trong top 5 website bán lẻ có số lượng truy cập hàng đầu Việt Nam, với lượng truy cập cao thứ 2 (khoảng 2,3 triệu lượt/ngày).
Tuy nhiên, về doanh thu Lazada.vn vượt mặt vatgia.com để giành vị trí thứ 2 về thị phần các website thương mại điện tử dẫn đầu về doanh thu tại Việt Nam. Theo ông Trần Anh Tú (Chủ tịch Câu lạc bộ Tiếp thị truyền thông Việt Nam -VMCC) ước tính đến thời điểm này, trung bình mỗi ngày Lazada có khoảng hơn 1.800 đơn hàng, và doanh thu mỗi tháng khoảng 2,5 triệu USD (tương đương hơn 50 tỷ đồng), trong đó lãi gộp khoảng 15-20%. Ông Tú cũng khẳng định, trong top 10 website thương mại điện tử tại Việt Nam, Lazada.vn đang giữ vị trí số 1 với khoảng 30% thị phần, chứ không còn ở vị trí số 2 như các con số thống kê trước đó vẫn nêu.
• Thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện vẫn nằm dưới sự thống trị của ChợĐiệnTử.vn, một sản phẩm thương mại điện tử của người Việt, với 29%
thị phần.ChợĐiệnTử.vn là một trong những sàn giao dịch thương mại điện tử theo mô hình của eBay xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam. Trong lúc thanh toán trực tuyến vẫn là rào cản lớn nhất đối với các tài năng thương mại điện tử ở Việt Nam thì ChợĐiệnTử đã có chiến lược tích hợp tính năng thanh toán trực tuyến để bảo vệ khách hàng từ rất sớm. ChợĐiệnTử.vn đã kết hợp với Techcombank (2006), Đông Á Bank (2007), OnePay và các tổ chức thẻ quốc tế (2008) để thực hiện bảo hiểm toàn bộ các giao dịch của người dùng trên website.
• Đến năm 2011, ChợĐiệnTử.vn ra mắt công cụ thanh toán trực tuyến NgânLượng.vn do chính họ tự phát triển và NgânLượng hiện là cổng thanh toán trực tuyến dẫn đầu tại Việt Nam với 27% thị phần.
• Trong lúc Lazada và ChợĐiệnTử bận bịu với cuộc chiến giành và giữ ngôi số 1 thì Vatgia.com không ngừng bỏ qua một cơ hội phát triển nào. VậtGiá.com, một đơn vị thương mại điện tử nội có tiếng, hiện giữ vị trí số 3 với 15% thị phần là một tay chơi không dễ chịu. Thực tế, đây mới là sàn giao dịch trực tuyến có lưu lượng truy cập cao nhất Việt Nam, chiếm 50% lượng người truy cập duy nhất (unique visitors) trên tổng lượng truy cập của cả 5 website dẫn đầu, theo comScore. Hiện website này có khoảng 24.000 cửa hàng đăng ký bán sản phẩm, hơn 1,2 triệu lượt truy cập mỗi ngày và đạt giá trị giao dịch 4.000 tỉ đồng/năm.
• Trong khi đó, Lazada còn phải đối mặt với những tân binh top dưới. Nhiều mô hình kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam đã quyết định chuyển hướng hoặc mở rộng đầu tư, đầu tiên phải kể đến các công ty mua theo nhóm (dạng groupon). 4 năm về trước là thời điểm cao trào xuất hiện hàng loạt các website theo hình thức groupon tại Việt Nam, với một số cái tên quen thuộc như NhómMua, CùngMua, MuaChung hay HotDeal. Mô hình hoạt động khi đó là bắt chước Groupon (Mỹ) bán voucher giảm giá nhiều sản phẩm, dịch vụ với số lượng giới hạn trong một thời gian ngắn, và phải có đủ số người đặt hàng thì voucher mới có hiệu lực. Tuy nhiên, trải qua thời gian, mô hình này đã được chuyển đổi dần cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Hiện tại, phần lớn các website theo hình thức groupon ban đầu đều đã chuyển sang mô hình thương mại điện tử bán hàng giá rẻ (daily deal), nghĩa là không giới hạn thời gian và khi chỉ có một người mua cũng bán. Tuy nhiên, trong lúc thị trường daily deal
đang ngày càng trở nên đông đúc, các chiến binh daily deal lại tiếp tục cải tiến mô hình hoạt động để tăng thị phần và lợi nhuận.
• Vươn lên dẫn đầu thị trường mua theo nhóm từ sau biến cố của NhómMua vào cuối năm 2012, HotDeal đã liên tục giữ vững vị trí từ đó đến nay và nắm giữ 54% thị phần tính đến hết năm 2013. HotDeal cho biết họ thực hiện trung bình 10.000 đơn hàng/ngày, trong đó đến 70% là sản phẩm chứ không còn là voucher như trước và website này đang trong quá trình đàm phán để gọi thêm vốn phục vụ cho việc bành trướng sang mảng bán lẻ thời trang trực tuyến.
• Một cuộc lột xác ngoạn mục khác chính là Tiki.vn. Tiền thân là một website chuyên kinh doanh sách ngoại văn ra đời từ năm 2010, hiện Tiki đã mở rộng tổng cộng 9 ngành hàng khác nhau và được ví như một Amazon.com của Việt Nam. Với số lượng sản phẩm trên website trung bình khoảng 55.000, website này thu hút xấp xỉ 100.000 lượt truy cập mỗi ngày.