Sự du nhập của cây thuốc lá

Một phần của tài liệu Nguồn bạc tân thế giới và chuyển biến kinh tế - xã hội Trung Quốc 1571-1700 (Trang 90)

6. Kết cấu của luận văn

3.6.2. Sự du nhập của cây thuốc lá

Về phía cây thuốc lá, có thể cho rằng, đây là một loại hình cây trồng tương đối đặc thù và có nhiều khác biệt so với loại cây lương thực như ngô và khoai lang. Sở dĩ, cây thuốc lá được đón nhận một cách nhanh chóng và rộng rãi trong các thị trường từ châu Âu đến châu Á là do khả năng gây nghiện của nó. Hợp chất nicotine có trong cây thuốc lá có tác dụng giải tỏa thần kinh ban đầu được người châu Âu coi như một loại thảo dược. Cuối thế kỉ XVI đầu thế kỉ XVII, cây thuốc lá được trồng phổ biến trên khắp các thị trường ở châu Âu [88, tr. 667]. Năm 1565, cây thuốc lá được người Tây Ban Nha từ Mexico đưa về Manila Philippine để trồng thử nghiệm. Đến thế kỉ XVII, cây thuốc lá được gieo trồng phổ biến khắp các khu vực Đông Nam Á như Xiêm, Maluccu, Burma và Indonesia bất chấp những nỗ lực can thiệp và thâu tóm quyền phân phối của người Tây Ban Nha vào năm 1624 [106, tr. 499].

Về phía Trung Quốc, ngay từ những năm 1570, cây thuốc lá đã được đưa từ Philippine về Phúc Kiến, Trung Quốc để nhân giống. Nhưng phải mãi đến thập niên 1620, cây thuốc lá mới trở thành một giống cây trồng phổ biến và đem lại giá trinh kinh tế đối với cư dân các tỉnh Phúc Kiến, Thiểm Tây… [49]. Ban đầu, cây thuốc lá được đặt tên là tan - jou kuo hay được quan niệm là một loại rượu khô dù không có nước nhưng vẫn làm người dùng bị say. Sau này, khi thuốc lá được trồng phổ biến và lan đến thị trường phía bắc Trung Quốc, người ta chuyển sang gọi loại cây này là

tan - pa - ku. Tới năm 1650, gần như tất cả binh lính của nhà Thanh đều sử dụng thuốc lá như một thói quen hàng ngày. Thông thường, để hút thuốc họ sử dụng một tẩu dài châm lửa một bên và hút ở đầu bên kia. Ngay lập tức, những nhà thương nhân Trung Quốc nhạy bén đã nhận thấy nguồn lợi lớn sinh ra từ việc buôn bán mặt hàng này. Họ thường bán thuốc lá với giá khá cao trung bình là 1 cân thuốc lá sẽ có giá 1 lạng, 3 tiền [83, tr. 206]. Nguồn lợi nhuận khổng lồ do thuốc lá đem lại đã kích thích hoạt động trồng trọt và sản xuất thuốc lá ở Trung Quốc.

Trong các ghi chép của T’ung - chih, hoạt động sản xuất thuốc lá được miêu tả như sau:“hàng trăm nơi từ thành phố cho đến các làng quê đều mở xưởng chế biến thuốc lá. Trong mỗi xưởng thường có khoảng từ 50 đến 60 nhân công làm việc, tất cả họ đều là những người Phúc Kiến và Quảng Đông” [83, tr. 206 - 207].Có thể nói, tương tự như cà phê, chè hay cacao, thuốc lá dù không phải là một loại cây trồng để cung cấp lương thực nhưng vẫn được đón nhận rộng rãi trên khắp các thị trường. Theo đó, bằng con đường từ Tân Thế giới, thuốc lá đã từng bước xâm nhập vào khu vực và tác động trực tiếp đến thói quen sinh hoạt, nhu cầu sử dụng các sản phẩm có tính “gây nghiện” của Trung Quốc nói riêng và toàn khu vực Đông Á nói chung.

Một phần của tài liệu Nguồn bạc tân thế giới và chuyển biến kinh tế - xã hội Trung Quốc 1571-1700 (Trang 90)