Tác động lên hệ thống tiền tệ

Một phần của tài liệu Nguồn bạc tân thế giới và chuyển biến kinh tế - xã hội Trung Quốc 1571-1700 (Trang 71)

6. Kết cấu của luận văn

3.1. Tác động lên hệ thống tiền tệ

Thông qua những thông số về lưu lượng bạc và sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ trao đổi với Manila và các quốc gia khác trong khu vực, nền kinh tế Trung Quốc thời kỳ này đã có những chuyển biến tương ứng. Tình trạng suy kiệt ngân quặng trong nước vào những năm đầu thế kỉ XV khiến lượng bạc cung ứng thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu tiêu dùng. Lệ thuộc vào bạc làm đơn vị tiền tệ nhưng Trung Quốc lại không phải là một quốc gia có sở hữu những mỏ bạc lớn, cộng thêm cơ cấu kinh tế ngày càng phình to theo sự phát triển dân số, lượng bạc lớn từ Tân Thế giới theo chân các thương nhân phương Tây đã trở thành một cú hích tích cực vào nền kinh tế Trung Quốc mà nói theo Trần Côn là đã giải tỏa “cơn khát bạc” đang diễn ra rộng khắp [49]. Việc điều phối hoạt động kinh tế trên quy mô của một quốc gia vốn được nhà cầm quyền thực hiện dưới nhiều phương pháp khác nhau, trong đó chủ đạo vẫn là việc thiết lập một hệ thống tiền tệ có kiểm soát, thống nhất và xuyên suốt từ trung ương tới tận những đơn vị hành chính thấp nhất. Sự bất cập của nhà Minh, hay kế tiếp là nhà Thanh trong việc phát hành và sử dụng hệ thống tiền đồng và tiền giấy. Với những ví dụ như việc phát hành ồ ạt dẫn đến phá sản của tiền giấy, thay đổi liên tục các hình thức và giá trị của tiền đồng qua các triều vua khác nhau… song song với những bất ổn về mặt tự nhiên và xã hội như thiên tai, chiến tranh đã dẫn đến sự mất lòng tin của người dân vào hai đơn vị tiền tệ trên. Tất yếu, người dân phải tìm đến các đơn vị kim loại quý để tiến hành giao dịch nhằm ổn định giá trị của các mặt hàng thương mại, tránh hao hụt và mất mát trong quá trình tích trữ tài sản [68, tr. 430 - 431]. Trong trường hợp của Trung Quốc bấy giờ, bạc được chọn làm đơn vị tiền tệ tin tưởng xuyên suốt một thời gian tương đối dài. Có thể nói: “thời kỳ vua Gia Khánh, Vạn Lịch bạc phương Tây đã được đưa vào các bến cảng Trung Quốc với tư cách là một loại hàng hóa phổ biến đồng thời cũng trở thành nhân tố quan trọng khiến Trung Quốc đưa ra những biện pháp cải cách đối với hệ thống tiền tệ, từ sử

dụng tiền đồng truyền thống sang sử dụng bạc làm đơn vị tiền tệ cơ bản” [108, tr. 6]. Đặc biệt, trong số các dòng bạc đổ vào Trung Quốc thời điểm đó, duy chỉ có đồng bạc của người Tây Ban Nha là chiếm vị trí quan trọng nhất.

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, lượng bạc ồ ạt chảy vào Trung Quốc do nhu cầu nội tại và sự thèm muốn các thương phẩm chỉ có thể được đáp ứng tại Trung Quốc như lụa, gốm sứ… đã dẫn đến việc mất kiểm soát của chính quyền nhà Minh lên hệ thống tiền tệ vào những năm của thập niên 70 thế kỷ XVI. Vấn đề trên còn được làm cho trầm trọng thêm qua các giai đoạn sau khi không những giao dịch trong nhân dân được chuyển đổi qua đơn vị thanh toán là bạc mà còn lan đến các tầng lớp trên với điển hình là việc chi trả bổng lộc cho hệ thống quan lại được thay từ lương thực thành bạc [52].

Nếu như tiền đồng và tiền giấy được triều đình ban hành hàng năm với một số lượng giới hạn nhằm điều tiết thị trường thì bạc - loại hàng hóa tràn vào hàng năm với số lượng lên đến hàng nghìn tấn - lại nằm ngoài tầm với của giới cầm quyền thời đó [49]. Bạc lưu hành phổ biến trong dân gian và có mặt trong mọi giao dịch lớn nhỏ trong và ngoài Trung Quốc. Với sự kế thừa khá lớn các nội dung của bộ máy hành chính cùng với hệ thống kinh tế, nhà Thanh cũng đối mặt với các vấn đề tương tự như nhà Minh về việc kiểm soát lượng bạc lưu hành trong quốc gia. Dẫn lời một quan chức nhà Thanh lúc đó đã từng viết “Ta vẫn còn nhớ những năm 1649 - 1650, lúc đó hàng hóa ngoại quốc xuất hiện khắp các khu chợ, thanh toán thì đều được tính bằng đồng bạc. Bởi thế mà những đồng tiền này được người ta lưu hành hầu khắp các tỉnh và được nhìn thấy ở khắp nơi” [32, tr. 679]. Có thể nói, thế độc quyền của chính quyền Trung ương đối với hệ thống tiền tệ của mình đã biến mất, và thậm chí, sự sống còn của nền kinh tế phải phụ thuộc vào đồng bạc đến từ bên ngoài. Trung bình từ thế kỉ XVI trở đi, lượng bạc bản thân Trung Quốc sản xuất được chỉ chiếm 13% tổng số bạc trong ngân khố, trong khi đó có tới 87% bạc được đem về từ nguồn thuế ngoại thương và thuế trong nhân dân [49]. Hệ quả là nền kinh tế Trung Quốc phải tích cực dự nhập vào hệ thống kinh tế thế giới và chịu sự tác động trực tiếp của hoạt động trao đổi bạc ở bên ngoài. Các điểm mà dòng chảy bạc

Tân Thế giới có dấu hiệu suy yếu như năm 1639, thời kỳ 1650… đều có tác động lớn đến hoạt động kinh tế Trung Quốc. Mặc dù, trong các giai đoạn nhất định, triều đình nhà Minh cũng áp đặt các loại hình tiền khác để giải quyết những khó khăn tài chính từng nảy sinh trong suốt những năm khủng hoảng.22

Tuy nhiên, các nỗ lực trên đều sớm đi đến thất bại do người dân không tín nhiệm bất cứ loại hình tiền tệ nào khác ngoài vàng và bạc. Điều đó cho thấy, kinh tế và xã hội Trung Quốc thế kỉ XVI - XVII đã có những chuyển biến đáng kể dưới ảnh hưởng của dòng chảy bạc.

Xu hướng phụ thuộc vào nguồn bạc đưa từ bên ngoài vào nền kinh tế là một hiện tượng chưa bao giờ xảy ra trước đó trong lịch sử tiền tệ Trung Quốc. Tỉ giá hối đoái giữa đồng bạc với vàng của Trung Quốc đã có sự chênh lệch lớn nghiêng về đồng bạc.Tương ứng, so với hai triều đại nhà Tống (960 - 1279) và nhà Nguyên (1271 - 1368) giá bạc thời Minh đã tăng gấp hai lần [53, tr. 284]. Tình trạng này diễn ra từ cuối thế kỉ XVI, tỉ giá bạc đổi lấy vàng so với những thị trường khác trên thế giới trong cùng thời điểm thậm chí lệch nhau đến gấp đôi. Trước tình trạng phụ thuộc vào đồng bạc đó, từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVII, bạc đến với thị trường Trung Quốc trên những con thuyền xuyên đại dương từ châu Mỹ qua Manila hoặc từ Nhật Bản đã đạt tới những con số khổng lồ. Với tổng số 4.500 tấn từ 1570 - 1630 (trung bình 75.000kg/năm) thì tỉ giá hối đoái vàng/bạc đã trở lại mức sàn chung của thế giới [29, tr. 470]. Dù vậy, bạc vẫn tiếp tục đổ về thị trường Trung Quốc trong suốt nửa sau của thế kỉ XVII. Nguyên nhân chính xuất phát từ “cuộc khủng hoảng” đã diễn ra trên khắp các khu vực khác nhau trên Thế giới trong đó có Trung Quốc [30, tr. 223 - 244]. Bạc được tích lũy và trở nên phổ biến trên thị trường.

Biểu đồ 3.1 thể hiện rõ sự biến động về tỉ giá của đồng bạc ở Trung Quốc so với Tây Ban Nha qua các năm: vào thập niên 1590, trong khi ở Trung Quốc, 1 đơn vị vàng chỉ đổi được 6 đơn vị bạc, thậm chí ở nhiều trung tâm kinh tế lớn vốn dự trữ nhiều bạc (như những tỉnh phía nam Trung Quốc), thì từ cuối thế kỉ XVI đến khoảng đầu thế kỉ XVII, tỉ giá hối đoái vàng/bạc là 1:7 hoặc 1:8 [52]. Trong khi đó,

22 “Sùng Trinh năm thứ 16 (1643) trước tình hình chiến loạn trong nước nhằm ổn định tình hình kinh tế đã phê chuẩn tấu chương đề nghị cho in và phát hành tiền giấy nhằm cứu vãn tình trạng suy yếu của nền tài chính nhưng việc ban hành tiền giấy không tồn tại được lâu” [49].

bằng cùng một đơn vị vàng, tại các thị trường châu Âu mà cụ thể là Tây Ban Nha, người ta ngay lập tức đổi được 12 bạc. Tương ứng, trong những năm kế tiếp tỉ giá đồng bạc của Trung Quốc có những biến động nhất định. Xu hướng tăng kéo dài từ năm 1571 cho tới thập niên 1640 mới xuất hiện tình trạng suy giảm. Giai đoạn này đồng thời cũng chứng kiến lượng lớn bạc từ các nguồn đặc biệt là từ Tân Thế giới vào thị trường Trung Quốc.

Nguồn:Biểu đồ được thể hiện trên cơ sở tính toán từ số liệu trong: Glahn, Richard Von (1996),

Foutain of Fortune: Money and Monetary Policy in China, 1000 - 1700, Berkeley and Los Angeles: University of California Press.

Trong giai đoạn 1640 - 1670, nhu cầu về bạc ở Trung Quốc tăng nhanh chóng do chính sách đóng cửa của nhà Thanh trong khi các nguồn cung bạc từ bên ngoài lại giảm xuống. Một minh chứng về giá bạc biến động được ghi lại bởi những thương nhân người Hà Lan khi hoạt động ở Phúc Kiến trong những năm đầu thế kỉ XVII như sau: “khoảng những năm 1620 tỉ giá là 1:8, 1:10 vào năm 1635 và giảm xuống còn 1:13 vào khoảng 1637 đến thập niên 1640. Như vậy, bắt nguồn từ nhu cầu lớn về bạc của Trung Quốc, “tất cả bạc trên trái đất đều hành hương về đây - và Trung Quốc trở thành một “hũ chứa bạc” của thế giới” [59, tr. 207]. Hiện tượng này

0 2 4 6 8 10 12 14 16 1571 1580 1592 1604 1615 1622 1635 1640 1660 1671 1677 1700 1709 1721 1731 1741 1751 Tỉ giá

Biểu đồ 3.1: So sánh biến động tỉ giá vàng/bạc tại Trung Quốc và Tây Ban Nha (1571-1751)

Trung Quốc Tây Ban Nha

đã mang đến nguồn lợi nhuận kếch xù cho tất cả thương nhân phương Tây và thương nhân Nhật Bản. Năm 1569 một tu sĩ Tây Ban Nha tên là Gaspa de Cruz đã nhận xét: “Không có bất kì mặt hàng nào quan trọng hơn bạc đối với thị trường Trung Quốc” [6, tr. 394].

Ngoài những biến động về tỉ giá hối đoái giữa vàng và bạc, tỉ giá giữa tiền đồng và bạc cũng có sự thay đổi đáng kể. Bắt đầu từ cuối thế kỉ XVI cho đến những năm đầu thế kỉ XVII, sự khan hiếm của tiền đồng và lượng bạc dồi dào khiến tỉ lệ tiền đồng và bạc có sự chênh lệch rất lớn. Vào thời Hồng Vũ (1368 - 1398), một bạc đổi được tới 1.000 đồng tiền đồng [52], trong khi đó, sang đến thập niên 1630, tỉ giá bạc/đồng có xu hướng ngày càng chênh lệch, 1 bạc chỉ còn đổi được 112 đồng [31, tr. 68 - 90]. Nguyên nhân chính của xu hướng đó là do tác động của dòng bạc đổ vào thị trường nên giá trị của bạc có xu hướng giảm xuống trong khi đó, đồng do khan hiếm đã có giá cao hơn.

Chỉ sau 1630, nhà Minh cho mở các mỏ khai thác đồng cùng một lượng lớn tiền đồng zeni của Nhật được người Hà Lan chuyển đến thị trường Trung Quốc sự chênh lệch này mới có xu hướng giảm xuống. Hoạt động này, theo đó, đã tác động lên tỉ giá hối đoái giữa loại hình tiền bằng bạc và tiền bằng đồng. Vào năm 1638, 1.000 tiền đồng đổi được trên 9 quan (0.342 kg bạc), năm 1640 cùng với số tiền đồng đó chỉ đổi được khoảng 5 quan (0.019kg), vào năm 1643 là 3.3 quan (0.012 kg) tỉ lệ trao đổi giảm hẳn vào năm 1646 khi 1.000 đơn vị tiền đồng chỉ đổi được 1.7 quan (0.006 kg) [29]. Có thể nói, sự phát triển mạnh về số lượng tiền đồng và sự suy giảm của bạc Manila vào những năm cuối triều đại nhà Minh đã gây ra những biến đổi trong tỉ giá giữa tiền đồng và bạc.

Như thế, tỉ giá hối đoái giữa vàng /bạc và tiền đồng/bạc ở Trung Quốc luôn chịu ảnh hưởng của dòng chảy bạc từ bên ngoài. Đặc biệt, vào giai đoạn sau thập niên 1620s, với sự suy giảm đột ngột của nguồn bạc được khai thác ở châu Mỹ và Nhật Bản, quá trình tích lũy bạc trong thời gian dài tại Trung Quốc đã góp phần vào các xu hướng biến động xảy ra giữa thế kỉ XVII.

3.2. Tác động đến giá cả hàng hóa

Trên cơ sở biến động của hệ thống tiền tệ, đặc biệt là vào cuối triều đại nhà Minh, tình hình biến động giá cả các mặt hàng trên thị trường Trung Quốc cũng xuất hiện. Thời kỳ này, xu hướng lạm phát diễn ra ở mức độ cao trên khắp các trung tâm buôn bán lớn, trong đó có giá lương thực [66, tr. 156 - 157]. Cùng lúc này, tại các khu vực khác ở châu Âu, lạm phát đã mở ra một cuộc cách mạng toàn diện về giá cả trên khắp các trung tâm kinh tế lớn ở châu Âu. Trên thị trường Tây Ban Nha, giá lương thực nói chung tăng từ 3 đến 4 lần, trong khi tại Anh, lạm phát khiến giá tăng xấp xỉ 2.5 lần, Pháp tăng khoảng 2.2 lần [13, tr. 45].

Ở Trung Quốc, giai đoạn đầu thế kỉ XVI khi tiền giấy còn lưu hành, tỉ giá giữa bạc với mặt hàng lương thực tương đối ổn định. Tuy nhiên, tính từ giai đoạn 1590 - 1640, so với gạo, giá cả các mặt hàng phi lương thực đã giảm dần. Lí do chính xuất phát từ tình trạng mặt hàng tơ, vải lụa tràn lan trên thị trường trong nước trong khi gạo và bột mỳ lại ngày càng khan hiếm. Không những vậy, xu hướng phá bỏ các vùng trồng trọt trước kia để sản xuất các giống cây trong ngành thủ công nghiệp diễn ra trong các thời kỳ trước đã khiến lương thực có giá trị cao hơn rất nhiều so với các loại thương phẩm khác.

Ngay từ giữa và cuối thời Minh, vùng hạ lưu sông Dương Tử phát triển mạnh các hoạt động thương nghiệp và kinh doanh hàng hóa với quy mô lớn. Trên cơ sở lấy bạc làm trọng tâm, các hoạt động sản xuất nông nghiệp thuần túy bị thay thế dần bởi các loại hình cây trồng khác như cây bông, dâu tằm, chè... Nguồn cung lương thực chủ yếu phải dựa vào các tỉnh thuộc trung du như Giang Tây, Hồ Quảng cũng như một số vùng ở thượng du [92, tr. 748 - 749]. Tuy nhiên, hiện tượng thiên tai diễn ra liên miên trong các năm 1640 khiến giá lương thực so với giá cả các mặt hàng phi nông nghiệp khác có sự chênh lệch đáng kể. Cùng với đó, do chính quyền nhà Minh tiến hành tăng thuế liên tục để đảm bảo ngân sách phục vụ cho cuộc chiến với người Mãn Châu, lượng thuế đã tăng gấp 7 lần so với trước đây [32, tr. 665 - 666]. Điều này góp phần làm gia tăng sự chênh lệch giữa giá bạc và giá lương thực đặc biệt là ở trong cộng đồng dân cư sinh sống tại khu vực sông Dương Tử. Hệ quả,

các cuộc chiến loạn diễn ra khắp nơi trên lãnh thổ Trung Quốc với nguyên nhân chính là thiếu hụt lương thực trong khi giá trị bạc lại bị giảm sút.

Sau năm 1644, bạc và lương thực tiếp tục là hai mặt hàng quan trọng được đặt lên hàng đầu trong mọi giao dịch.23

Và chỉ đến thời nhà Thanh dưới sự trị vì của vua Khang Hi, các dòng bạc đổ vào nền kinh tế dần giảm sút cùng nền chính trị tái ổn định từ sau năm 1670, giá lương thực ở Trung Quốc mới dần đi xuống [111, tr. 36]. Như vậy, việc sở hữu và lưu hành quá nhiều bạc trong nền kinh tế nửa đầu thế kỉ XVII đã khiến giá cả tại Trung Quốc (cũng như ở châu Âu) có xu hướng tăng nhanh chóng, đặc biệt là đối với mặt hàng lương thực. Hay nói cách khác, trước những biến động của các dòng bạc đặc biệt là dòng bạc Nhật Bản và bạc Tân Thế giới qua Manila, hệ thống giá cả trên thị trường Trung Quốc phải chịu những thay đổi tương ứng.

Biểu đồ 3.2: Biến động giá gạo ở Trung Quốc (1501 - 1700)

Nguồn:M. Cartier(1981), “Les importations de métaux monétaires en Chine: essai sur la conjoncture chinoise”, Annales: Économies, Sociétés, Civilizations, 36, pp. 464.

23 Các thiên tai như hạn hán, lũ lụt, nạn đói và bệnh dịch xuất hiện với tần suất dầy đặc trong những năm 1630-1650. Nguyên nhân chính của các hiện tượng kể trên xuất phát từ tình trạng biến đổi khí hậu đột ngột trên khắp các khu vực. Có những vùng, nhiệt độ giảm xuống một độ so với bình thường làm chậm quá trình

Một phần của tài liệu Nguồn bạc tân thế giới và chuyển biến kinh tế - xã hội Trung Quốc 1571-1700 (Trang 71)