Một số nhân tố mới từ Tân Thế giới vào Trung Quốc

Một phần của tài liệu Nguồn bạc tân thế giới và chuyển biến kinh tế - xã hội Trung Quốc 1571-1700 (Trang 88)

6. Kết cấu của luận văn

3.6. Một số nhân tố mới từ Tân Thế giới vào Trung Quốc

3.6.1. Sự du nhập của cây khoai lang

Thông qua hoạt động buôn bán với Manila, bên cạnh dòng bạc được đưa trực tiếp, những loại hình cây trồng mới có nguồn gốc từ châu Mỹ cũng được đưa đến Trung Quốc, Sự trao đổi này góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt kinh tế nông nghiệp của Trung Quốc trong những năm về sau và thậm chí còn được coi như là một cuộc cách mạng nông nghiệp lần thứ hai tại Trung Quốc thế kỉ XVI - XVIII.25

Từ thế kỉ XVI, khoai lang là một trong những giống cây trồng được đưa từ Manila đến Trung Quốc. Vào những năm 1590, những người thương nhân Trung Quốc đến Philippine và nhận thấy một loại thực phẩm lạ được người dân ở đây canh tác và sử dụng. Sau nhiều lần thử nghiệm, họ nhanh chóng phát hiện những ưu điểm mà khoai lang có thể đem lại. Một trong số đó là khả năng thích nghi với những vùng đất khô hạn cũng như có thể cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cần thiết.

Với người Trung Quốc lúc bấy giờ, sự xuất hiện của cây khoai lang đã trở thành một cứu cánh cho tình trạng thiếu hụt lương thực thường diễn ra phổ biến tại các khu vực có không có thổ nhưỡng hoặc khô cằn. Trong những ghi chép về các giống cây trồng lạ được du nhập vào Trung Quốc, khoai lang luôn được coi là loại lương thực thứ ba quan trọng chỉ sau lúa gạo và bột mỳ. Theo Hsu Kuang - chi trong Nung cheng chuan - shu, sở dĩ cây khoai lang được đón nhận trên khắp các vùng miền khác nhau của Trung Quốc vì nó có tới 13 ưu điểm quan trọng. Trong số

25 Cuộc cách mạng nông nghiệp tại Trung Quốc được xác định trong khoảng thời gian từ thế kỉ X – XII với việc chuyển đổi trồng lúa mì và kê sang trồng cây lúa nước.

đó, những ưu điểm như: “Có thể trồng được 10 shih trên một mẫu… Có thể dùng để thay thế trong những năm mất mùa lúa gạo… Có thể sinh trưởng trên mọi loại đất đai và có thể phủ kín mặt đất… Dễ dàng canh tác… ” [83, tr. 208]. Trong một ghi chép khác có trong Tsao lin tsa - tsu, thì khoai lang được miêu tả là một loại cây trồng đến từ Luzon với những đặc tính độc đáo có thể thích nghi trong môi trường đất đai cằn cỗi [83, tr. 207 - 208].

Bởi những ưu điểm đó, năm 1593, cây khoai lang lần đầu tiên được một thương nhân Trung Quốc tên là Chen Chen - lung đem về Trung Quốc cùng cách thức gieo trồng. Cho đến năm 1594, tình trạng khan hiếm lương thực phổ biến quanh vùng Phúc Châu (thuộc tỉnh Phúc Kiến) - nơi Chen Chen - lung sinh sống. Ngay sau đó, con trai ông là Chen Chen - ling đã đem giống cây trồng mới này đến giới thiệu cho những viên quan lại địa phương. Trước những hiệu quả và lợi ích mà loại cây trồng này đem lại, ngay lập tức, khoai lang đã trở thành giống cây trồng phổ biến ở một số tỉnh phía nam Trung Quốc. Phương pháp trồng nhanh chóng được mở rộng và dần dần biến cây khoai lang trở thành một nguồn cung cấp lương thực thiết yếu cho người dân. Với đặc tính là dễ sinh trưởng trên mọi loại đất, ngay cả những vùng khô cằn nhất, chỉ trong một thời gian ngắn, cây khoai lang đã được đem đi nhân giống khắp nơi. Sang đến những năm đầu thế kỉ XVI, người dân Trung Quốc đã gieo trồng trên khắp các vùng khác nhau nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lương thực diễn ra phổ biến lúc bấy giờ. Tới thế kỉ XVIII, cây khoai lang xuất hiện trên mọi tỉnh thuộc lưu vực sông Dương Tử và trở thành một nguồn lương thực không thể thiếu của người Trung Quốc [43]. Thời Mãn Thanh, từ việc nhân giống và phổ biến cây khoai lang mà những vấn đề về lương thực của người Trung Quốc đã tạm thời được giải quyết, đồng thời, nó cũng là tiền đề cho xu hướng di cư và mở rộng lãnh thổ về phía Tây trong thế kỉ XVIII - XIX [81, tr. 34 - 35].

Song hành với quá trình bành trướng, sự có mặt cây khoai lang và sau này là cây ngô đã tác động trực tiếp lên đời sống xã hội Trung Quốc. Qua đó, không chỉ đơn giản giải quyết vấn đề lương thực nảy sinh trước mắt cho hơn 200 triệu dân mà khoai lang còn tác động góp phần trong quá trình tăng trưởng dân số diễn ra từ cuối

thế kỉ XVII. Hay nói cách khác, bằng sự du nhập của loại cây lương thực mới từ châu Mỹ, người Trung Quốc đã nắm trong tay cơ hội để mở mang diện tích lãnh thổ cùng gia tăng dân số gần gấp đôi so với thời kỳ 1650 [63, tr. 374]. Cùng với đó, bằng sự hỗ trợ của cây khoai lang - hay còn được dân gian ca ngợi là loại “khoai vàng ròng” các hoạt động giao lưu thương mại giữa Trung Quốc với khu vực trở nên dễ dàng và thường xuyên hơn. Theo Mazumdar: “Qua quá trình đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu các loại hình hàng hóa như đường, chè và bạc ra bên ngoài Trung Quốc bắt đầu từ những năm đầu của thế kỉ XVII ở Trung Quốc. Thực tế, quá trình này xuất phát từ sự tồn tại của các loại hình thức ăn mới (khoai lang) loại cây trồng yêu cầu ít lao động hơn trồng lúa và ngũ cốc” [62, tr. 96].

3.6.2. Sự du nhập của cây thuốc lá

Về phía cây thuốc lá, có thể cho rằng, đây là một loại hình cây trồng tương đối đặc thù và có nhiều khác biệt so với loại cây lương thực như ngô và khoai lang. Sở dĩ, cây thuốc lá được đón nhận một cách nhanh chóng và rộng rãi trong các thị trường từ châu Âu đến châu Á là do khả năng gây nghiện của nó. Hợp chất nicotine có trong cây thuốc lá có tác dụng giải tỏa thần kinh ban đầu được người châu Âu coi như một loại thảo dược. Cuối thế kỉ XVI đầu thế kỉ XVII, cây thuốc lá được trồng phổ biến trên khắp các thị trường ở châu Âu [88, tr. 667]. Năm 1565, cây thuốc lá được người Tây Ban Nha từ Mexico đưa về Manila Philippine để trồng thử nghiệm. Đến thế kỉ XVII, cây thuốc lá được gieo trồng phổ biến khắp các khu vực Đông Nam Á như Xiêm, Maluccu, Burma và Indonesia bất chấp những nỗ lực can thiệp và thâu tóm quyền phân phối của người Tây Ban Nha vào năm 1624 [106, tr. 499].

Về phía Trung Quốc, ngay từ những năm 1570, cây thuốc lá đã được đưa từ Philippine về Phúc Kiến, Trung Quốc để nhân giống. Nhưng phải mãi đến thập niên 1620, cây thuốc lá mới trở thành một giống cây trồng phổ biến và đem lại giá trinh kinh tế đối với cư dân các tỉnh Phúc Kiến, Thiểm Tây… [49]. Ban đầu, cây thuốc lá được đặt tên là tan - jou kuo hay được quan niệm là một loại rượu khô dù không có nước nhưng vẫn làm người dùng bị say. Sau này, khi thuốc lá được trồng phổ biến và lan đến thị trường phía bắc Trung Quốc, người ta chuyển sang gọi loại cây này là

tan - pa - ku. Tới năm 1650, gần như tất cả binh lính của nhà Thanh đều sử dụng thuốc lá như một thói quen hàng ngày. Thông thường, để hút thuốc họ sử dụng một tẩu dài châm lửa một bên và hút ở đầu bên kia. Ngay lập tức, những nhà thương nhân Trung Quốc nhạy bén đã nhận thấy nguồn lợi lớn sinh ra từ việc buôn bán mặt hàng này. Họ thường bán thuốc lá với giá khá cao trung bình là 1 cân thuốc lá sẽ có giá 1 lạng, 3 tiền [83, tr. 206]. Nguồn lợi nhuận khổng lồ do thuốc lá đem lại đã kích thích hoạt động trồng trọt và sản xuất thuốc lá ở Trung Quốc.

Trong các ghi chép của T’ung - chih, hoạt động sản xuất thuốc lá được miêu tả như sau:“hàng trăm nơi từ thành phố cho đến các làng quê đều mở xưởng chế biến thuốc lá. Trong mỗi xưởng thường có khoảng từ 50 đến 60 nhân công làm việc, tất cả họ đều là những người Phúc Kiến và Quảng Đông” [83, tr. 206 - 207].Có thể nói, tương tự như cà phê, chè hay cacao, thuốc lá dù không phải là một loại cây trồng để cung cấp lương thực nhưng vẫn được đón nhận rộng rãi trên khắp các thị trường. Theo đó, bằng con đường từ Tân Thế giới, thuốc lá đã từng bước xâm nhập vào khu vực và tác động trực tiếp đến thói quen sinh hoạt, nhu cầu sử dụng các sản phẩm có tính “gây nghiện” của Trung Quốc nói riêng và toàn khu vực Đông Á nói chung.

3.6.3. Sự du nhập của các yếu tố khác

Ngoài ra, cùng thời gian này, một số cây trồng khác từ châu Mỹ cũng nhanh chóng được du nhập và xã hội Trung Quốc, đơn cử như các loại cây trồng : ngô, lạc, hạt tiêu đỏ, bí ngô, dưa hấu… Sự xuất hiện các loại hình cây trồng này đã góp phần làm và đặc biệt, giúp bổ sung các dưỡng chất như betarotine và vitamin A vốn thiếu vắng trong các bữa ăn truyền thống trong gia đình Trung Quốc [81, tr. 36]. Có thể cho rằng, sự du nhập các giống cây trồng từ Tân Thế giới đến Trung Quốc giai đoạn này đã gia tăng thêm sự lựa chọn đối với nguồn lương thực, thực phẩm nói chung. Không những vậy, những giống cây trồng của Trung Quốc cũng đã có mặt ở Tân Thế giới thông qua tuyến thương mại Manila - Acapulco như: chuối, xoài, cây cọ, hoa lily… [76, tr. 71].

Bên cạnh đó, những yếu tố trao đổi khác về kĩ thuật đóng thuyền, chế tạo súng ống, tri thức về vùng đất Tân Thế giới phía bên kia đại dương… cũng được những

người buôn bán của Trung Quốc đem về từ Manila qua những chuyến thuyền của mình. Một số ngành nghề thủ công từ Tây Ban Nha như chế tạo các bộ phận yên ngựa, móng ngựa hay chế tác kim hoàn cũng đều được Hoa kiều học tập nhanh chóng và tiếp tục truyền thụ lại cho những thương nhân đến từ cảng thị phía Nam để đem về chính quốc. Hoạt động này diễn ra khá thường xuyên và đem lại cho Trung Quốc những tri thức mới về hàng hải, chế tạo vũ khí cùng hàng loạt những hiểu biết mới về châu Mỹ. Nói cách khác, sự giao lưu, trao đổi này đã có những tác động không nhỏ đến nền kinh tế - xã hội và văn hóa của Trung Hoa sau này.

Tiểu kết

Thế kỉ XVI - XVII là thời kỳ khởi đầu cho những chuyển biến mạnh mẽ về mọi mặt từ kinh tế - xã hội của Trung Quốc. Sự xâm nhập ồ ạt của dòng bạc từ châu Mỹ qua Manila nói riêng và các dòng bạc khác nói chung đã tạo dựng nên một thị trường rộng lớn và làm biến đổi lên tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội Trung Quốc. Không những vậy, những yếu tố khác như: xu hướng đô thị hóa, các luồng di cư sang Tân Thế giới… cũng đã có mặt trong giai đoạn này. Có thể cho rằng, dưới tác động của dòng bạc Tân Thế giới những yếu tố mới từ bên ngoài đã theo đó có cơ hội xâm nhập sâu và từng bước biến Trung Quốc trở thành một phần của thị trường thế giới. Trong số đó, một số tác động mang tính tiêu cực như hệ thống tiền tệ và xu hướng giá cả đã góp phần gây ra sự sụp đổ của nhà Minh vào năm 1644.

Ngoài ra, quá trình trao đổi yếu tố mới mà đặc biệt là sự du nhập của các giống cây trồng mới đã có những tác động quan trọng lên nền sản xuất của Trung Quốc. Hay nói một cách khác, “sự trao đổi của Magenllan” [62, tr. 95] đã xuất hiện trong nền kinh tế - xã hội Trung Quốc thế kỉ XVI - XVII và đã góp phần xây dựng nên bộ mặt Trung Hoa của những thế kỉ sau. Như vậy, bên cạnh nhân tố chính đưa người châu Âu đến với châu Á nhất là đến với Trung Quốc là sự trao đổi về hàng hóa thì còn kết hợp cả những yếu tố trao đổi về cây trồng, công nghệ và văn hóa nói chung.

KẾT LUẬN

Có thể nói từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVII, xu hướng nguồn bạc Tân Thế giới đi qua Manila vào khu vực Đông Á cùng những tác động của nó lên sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, là một hiện tượng nổi bật diễn ra trong lịch sử tiền tệ của thế giới. Sau khi được thành lập vào năm 1571, thành phố Manila là nơi tập trung mọi hoạt động thương mại, trong đó, bạc được khai thác ở châu Mỹ góp phần quan trọng trong quá trình liên kết với các thị trường khác trong khu vực. Không những vậy, quá trình bạc lưu thông trong nền kinh tế còn bao gồm cả những yếu tố văn hóa, xã hội và thậm chí, xuất hiện cả những trao đổi mang tính thế giới. Từ những nội dung xuất hiện trong các chương trước, người viết nhận thấy rằng nguồn bạc Tân Thế giới đi qua Manila vào Trung Quốc thời kì này có những đặc điểm đáng chú ý như sau:

1. Bạc đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung. Xuất phát từ bối cảnh trong nước cùng những chính sách về thương mại, nhu cầu về bạc của Trung Quốc tăng cường hơn bao giờ hết. Trên cơ sở đó, nền kinh tế Trung Quốc thời Minh sau thế kỷ XV dần chuyển sang xu hướng dựa vào các hoạt động mậu dịch, buôn bán bạc với bên ngoài để điều tiết hệ thống tiền tệ của mình. Trong mối tương quan giữa cung và cầu của thị trường thì có thể nói, Trung Quốc đã trở thành một vị khách hàng lớn đối với các thị trường có bạc. Nhu cầu cao đối với loại hình hàng hóa duy nhất là bạc đã vô hình chung đưa đến nguồn lợi dồi dào cho các thương nhân trong và ngoài khu vực. Đổi lại, ngoài bạc các thương nhân phương Tây và các nhà buôn của các nước trong khu vực không thể nào tìm ra loại hình hàng hóa thích hợp hơn. Xu hướng lan tỏa từ các cảng thị phía Nam tới các trung tâm mậu dịch lớn của khu vực của các Hoa thương diễn ra liên tục, đặc biệt là sau khi chính sách Hải cấm được gỡ bỏ. Đồng thời cùng giai đoạn này, trên các khu vực khác nhau của thế giới như Nhật Bản, trung và nam châu Mỹ, một lượng bạc khai thác khổng lồ được đưa ra thị trường, góp phần dẫn đến sự ra đời của các dòng chảy bạc tập trung đến với thị trường Trung Quốc. Trên cơ sở đó, bạc trở thành một chủ thể mậu dịch lớn với tư cách vừa là một loại “tiền tệ”, đồng thời, là một dạng “hàng hóa” phổ biến trên thị trường Đông Á.

2. Từ vị trí và tầm quan trọng của bạc đối với sự phát triển thương mại khu vực Đông Á nói riêng và thế giới nói chung, nguồn bạc Tân Thế giới đi qua Manila là một trong những nguồn bạc nổi bật trong khu vực Đông Á từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVII. Với vị trí địa lí thuận lợi, cận kề với thị trường Trung Quốc và Nhật Bản, Manila nắm trong tay nhiều ưu thế vượt trội để mở rộng thị trường cũng như thu lợi từ hoạt động thương mại. Hàng năm, những thương thuyền lớn của Tây Ban Nha từ các mỏ bạc lớn ở châu Mỹ đã chở hàng vạn tấn mỗi năm đi qua Thái Bình Dương để đưa đến Đông Á. Đỉnh cao phát triển của nguồn bạc Tân Thế giới nằm trong khoảng những năm của thập niên 1620s, khi ở cả châu Mỹ và Trung Quốc đều tập trung mở rộng các hoạt động buôn bán bạc thông qua điểm trung gian duy nhất đó là thành phố Manila của Philippine. Bên cạnh đó, số thương thuyền từ các khu vực khác nhau của Trung Quốc cũng cập cảng Manila với số lượng ngày càng tăng, từ năm 1571 cho đến cuối thế kỉ XVII, một nửa tổng số thuyền buôn Trung Quốc xuống khu vực Đông Nam Á là đến đảo Luzon. Hệ quả của sự phát triển mạnh mẽ này đó là sự gia tăng tần suất trao đổi hàng hóa trong khu vực nói riêng và cả những

Một phần của tài liệu Nguồn bạc tân thế giới và chuyển biến kinh tế - xã hội Trung Quốc 1571-1700 (Trang 88)