Ma chay

Một phần của tài liệu Biến đổi một số giá trị văn hóa của dân tộc Mường hiện nay (Trang 85)

III. Sự biến đổi một số giá trị văn hóa dân tộc Mƣờng hiện nay

4.2.Ma chay

4. Tín ngưỡng, lễ hội, ma chay, cưới xin

4.2.Ma chay

Lễ tang của người Mường ngày nay đã khác nhiều so với trước kia. Thời gian rút ngắn và các thủ tục, trình tự tang lễ cũng đơn giản hơn rất nhiều. Một số trình tự cơ bản vẫn được duy trì như trước kia, song nhiều thủ tục rườm rà đã bị lược bỏ.

Lễ tang thường chỉ kéo dài trong 24 giờ. Khi người chết tắt thở, người nhà đánh chiêng liên tục 3 hồi để báo cho anh em, họ hàng biết. Sau đó trưởng bản cùng với những người có vai vế trong họ họp nhau lại, bàn cách thức tổ chức lễ tang, phân công nhiệm vụ cho mọi người trong họ. Lúc này, toàn thể con cái tập trung về xung quanh người chết, con đẻ tắm cho cha/mẹ mình (người chết) bằng lá bưởi cho sạch sẽ, rồi căng màn, đắp chăn cho người chết. Nếu là đàn ông thì đặt ở gian ngoài, đàn bà thì đặt ở gian trong. Sau khi tắm xong, chọn giờ để khâm liệm. Người đứng đầu họ cùng với con sẽ cho người chết vào quan tài.

Khi liệm xong, quan tài được khênh lên đặt ở gian giữa trên chiếu và bốn tấm vải trắng, Người ta đắp cho người chết một chiếc chăn bông và hàng chục chiếc chăn đơn, trải hai tấm lụa tơ nằm ở hai bên. Một người cao tuổi trong họ cầm một hòn than vạch lên sàn và đọc lời bàn giao số vải vóc và quần áo cho người chết đem theo. Trong khi người nhà mắc màn ở xung quanh chỗ người chết nằm, thì bà con họ hàng, làng xóm đến đầy nhà. Những người thân đều mặc quần áo tang (màu trắng). Người con trai cả tới cửa sổ (cửa voóng - nơi thờ cúng tổ tiên, rút dao chặt 3 nhát lên thành cửa như để nhắc rằng từ nay anh ta là người đảm nhiệm việc thờ cúng tổ tiên.

Sau đó, chiêng trống nổi lên và thân nhân bắt đầu khóc. Người nhà mời thầy mo đến chuẩn bị cho tối mo Tần tịch – tang lễ chính thức bắt đầu. Một thầy mo chính và hai thầy mo phụ làm lễ khẳng định cái chết là một việc đã được số phận sắp đặt, tránh cho người chết sự luyến tiếc băn khoăn khi phải từ bỏ thế giới người sống.

Các lễ tiếp theo vẫn được duy trì giống trước kia, như Lễ tống trùng, lễ Tấng dây, lễ nhập quan cho người chết. Sau đó làm lễ cúng cơm tương tự như người Kinh.

Lễ nhập quan bắt đầu vào buổi tối. Người ta mổ một con lợn nhỏ, luộc rồi thái nhỏ, bày lên lá chuối để lên bàn thờ. Chiêng và trống đánh bài “túc nược” mời người chết ăn.

Sau đó, thầy mo chỉ mo một số đoạn ngắn có tính hình thức mà thôi.

Ba hôm sau, người ta còn làm lễ dẫn đường cho hồn về, chỉ cho hồn biết nơi thờ cúng và biết lối về. Con cháu ra nghĩa địa xây mộ, chôn vò đựng rượu ở đầu mộ. Đến đây tang lễ kết thúc.

Trong thời gian 100 ngày, thân nhân người chết không được tham dự các cuộc vui chơi, nếu buộc phải có mặt thì luôn phải cúi nhìn xuống đất, không được nhìn lên.

Tục làm “ma khô” đến ngày nay đã mất hẳn.

Tục làm hòn mồ ngày nay đã không còn nhiều nữa. Người Mường ( đặc biệt đồng bào Mường ở Xóm Nghĩa ) đã xây mộ như người Kinh.

Một phần của tài liệu Biến đổi một số giá trị văn hóa của dân tộc Mường hiện nay (Trang 85)