Tập quán hôn nhân của dân tộc Mường

Một phần của tài liệu Biến đổi một số giá trị văn hóa của dân tộc Mường hiện nay (Trang 56)

I. Bản sắc văn hóa truyền thống

4. Tín ngưỡng, lễ hội, hôn nhân và ma chay

4.2. Tập quán hôn nhân của dân tộc Mường

Hôn nhân truyền thống của người Mường cũng tương tự như người Kinh là theo chế độ một vợ một chồng, cũng gồm các bước chạm ngõ, ăn hỏi, xin cưới và đón dâu. Trong quá trình đính hôn, ăn hỏi, cưới gả theo phong tục người Mường, ông mối có vai trò quan trọng, là sứ giả cuộc hôn nhân của đôi trai gái.

Không gian kết hôn của người Mường truyền thống thường giới hạn ở phạm vi trong cùng một bản Mường hoặc một số bản láng giềng.

Tục cưới xin của người Mường gồm các bước: a. Lễ ướm hỏi(kháo thiếng)

Lễ ướm hỏi (dạm ngõ) là thủ tục đầu tiên của một đám cưới người Mường. Khi đôi trai gái đã tâm đầu ý hợp, nhà trai nhờ ông mối sang nhà gái xin ý kiến. Lần này, ông mối đi tay không đến đặt vấn đề, nhà gái chưa trả lời ngay. Thời gian ngắn sau, ông mối lại sang giục, nhà gái bằng lòng thì trả lời cho ông mối biết để nhà trai chuẩn bị hôn lễ, ngay sau đó, ông mối lại đến, mang 02 chai rượu và một đấu chè sang nhà gái làm tin. Ngay hôm đó, nhà gái tổ chức một cuộc vui

nhỏ, nhờ ông mối xem lịch thẻ tre (lịch Sao Đoi - loại lịch truyền thống của người Mường) để chọn ngày giờ (giờ tốt) làm lễ bỏ trầu.

Người Mường chọn ngày cưới kiêng tháng 7, tháng 3 và những ngày cuối tháng. Tháng 7 là tháng mưa ngâu, tháng 3 là tháng rắc hạt và những ngày cuối tháng là ngày cùng tháng tận đều không tốt cho nghi lễ trọng đại nhất của đời người.

b. Lễ bỏ trầu(Ti nòm bánh)

Đến ngày hẹn, ông mối dẫn đầu họ nhà trai (không có chú rể) đến nhà gái mang theo cơi trầu ăn hỏi. Theo tục lệ Mường, nhà gái được quyền thách cưới. Lễ vật gồm một con lợn nặng 20kg, 02 gánh gạo, 120 chiếc bánh chưng, 5 chai rượu, 1 buồng cau, 100 lá trầu. Sau lễ bỏ trầu, nhà trai chuẩn bị ngày cưới chính thức.

Tục thách cưới còn tuỳ thuộc vào điều kiện của từng gia đình. Ngày trước, bản Mường đã từng chứng kiến những yêu cầu rất lớn của nhà có con gái đẹp đối với nhà trai và thách cưới thường là vòng bạc, trâu bò, ruộng nương, vải.

Nhà gái làm cỗ đón nhà trai, sau khi ăn uống xong, nhà trai đặt vấn đề cưới xin, dự định thời gian cưới chính thức.

c. Lễ đón rể

Đến ngày cưới, đoàn nhà trai do ông mối dẫn đầu mang theo một tạ gạo, 02 con lợn, 10 lít rượu, 100 lá trầu, một buồng cau, vài cây mía. Chú rể gùi một gùi xôi, trên đặt 02 con gà thiến luộc, 02 phù rể đi hai bên, mỗi người gùi một nồi xôi. Sau khi ông mối trao lễ cho nhà gái và nhà gái nhận lễ, chú rể trình diện trước bàn thờ và họ tộc. Đại diện nhà gái khấn rượu để cô dâu và chú rể và hai họ uống chung vò rượu cần. Hết tuần rượu, nhà gái khấn thần rượu, thần đất rồi mọi người ăn cơm. Ăn xong, khách khứa ra về còn chú rể ở lại nhà gái. Sáng hôm sau, chú rể mới về nhà.

Hôn lễ truyền thống của người Mường quy định một vài năm sau mới được đón dâu. Với mục đích cô dâu làm quen dần với công việc bên nhà chồng; mỗi khi đến tết nhất, chàng rể phải đến lễ bố mẹ vợ. Do vậy, trước khi cưới, dâu và rể đi đi về về cả hai nhà.

d. Lễ đón dâu

Nhà trai và nhà gái đều chuẩn bị rất chu đáo cho đám cưới. Người nào trong bản cũng được mời, tùy vào mỗi gia đình mà quy mô đám cưới khác nhau, nhà khá làm đám cưới to, nhà bình thường thì làm vừa phải. Trong đám cưới còn có nhạc cụ, và bản thân những người chơi nhạc ngày hôm qua vẫn còn là nông dân và hôm nay họ bỗng trở thành nghệ sỹ. Tiếng nhạc làm cho cả bản Mường mang không khí lễ hội. Xôi nếp nương và thịt lợn là món không thể thiếu trong ngày cưới. Công việc nặng nhọc này thường được người đàn ông đảm nhiệm. Khi cỗ làm xong, các món ăn cùng với rượu đều được bày lên bàn thờ để cúng. Theo phong tục của người Mường, phần cúng mường trời, mường bản, cúng tổ tiên rất quan trọng. Chính vì vậy, nhà trai, nhà gái đều phải sắp thành hai lễ, một lễ cúng ông bà tổ tiên, một lễ cúng mường trời. Lễ cúng ông bà tổ tiên được đặt lên bàn thờ, lễ cúng mường trời được đặt cạnh cửa sổ. Thầy mo làm lễ khấn mường trời trước, khấn ông bà tổ tiên sau. Ở lời khấn mường trời, thầy mo cầu cho mưa thuận gió hòa, trời đất an lành, vạn vật sinh sôi để cho đôi nam nữ “sau này có cái ăn cái mặc”, con cháu đầy đàn và cầu mường trời cho họ khỏi những tại họa. Ở lễ khấn ông bà tổ tiên, ông thầy mo cầu cho sức khoẻ, tình yêu, tài lộc cho đôi nam nữ và quan trọng nhất là cầu ông bà tổ tiên phù hộ cho sự thuận hòa của một gia đình mới. Cầu cho người vợ giữ được nết na, cầu cho người chồng giữ được gia phong. Mặc dù theo chế độ phụ hệ, nhưng cô dâu mới phải sắm sửa chăn gối cho gia đình mới và để tặng cho bố mẹ, họ hàng nhà chồng. Chiếu trắng dùng cho đôi vợ chồng trẻ, chiếu đỏ dùng để biếu bố mẹ chồng, ngoài ra, cô dâu còn biếu bố mẹ

chồng hai bộ chăn gối, hai gối tựa để khi bố mẹ già yếu thì tựa vào gối để nghỉ ngơi. Vợ chồng mới chỉ được dùng chiếu trắng, một đôi chăn gối và chưa được dùng đệm. Cùng với các quà tặng trên, cô dâu phải chuẩn bị nhiều chiếc gối để tặng cho họ hàng nhà chồng. Những lễ vật này được bạn của cô dâu mang về nhà chồng cùng với lúc đón dâu.

Đến ngày đã định, nhà trai đem tiền, vải sang nhà gái, nhà gái cử một đoàn vài chục người đi đưa dâu, cô dâu mặc váy, áo đẹp, đầu đội nón. Dẫn đầu đoàn đưa dâu là ông mối và 02 cô gái trẻ của nhà trai cử sang đón dâu cùng với dàn cồng chiêng.

Sau khi đón dâu xong, cô dâu trình diện trước bàn thờ nhà chồng. Nhà trai tổ chức tiệc tùng và múa hát suốt đêm. Sau khi đón dâu xong, cô dâu về nhà bố mẹ đẻ ở lại ba hôm sau, khi hết ba ngày, nhà trai mới sang đón. Đón dâu lúc này phải đón vào lúc nhá nhem tối và phù dâu phải đi cùng, sau khi về nhà chồng, phù dâu còn phải ở lại ba ngày ở nhà chồng cùng với cô dâu. Điều này được giải thích là để động viên tinh thần cô dâu cho đỡ buồn và một ý nghĩa khác là để thử người con trai xem có kiên trì nhẫn nại để chờ cô dâu không. Như vậy sau sáu ngày, kể từ ngày cưới, chú rể và cô dâu mới được sống một cuộc sống vợ chồng.

Một phần của tài liệu Biến đổi một số giá trị văn hóa của dân tộc Mường hiện nay (Trang 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)