Mối quan hệ giữa rủi ro cảm nhận với sự thỏa mãn và ý định quay lại du lịch

Một phần của tài liệu Nghiên cứu vai trò của rủi ro cảm nhận khi du lịch, sự thỏa mãn đối với ý định quay trở lại của du khách quốc tế (Trang 32)

Formica (2002, theo Vanessa A. Quintal 2010) khẳng định những sự cố xấu xảy ra khiến cho cảm nhận về rủi ro của du khách tăng lên như thời tiết xấu, nghèo nàn trong tổ chức sự kiện hoặc lời truyền miệng mang tính tiêu cực sẽ bóp méo cảm nhận của du khách về kỳ nghỉ của họ, đưa đến sự lựa chọn những điểm du lịch khác. Huyn-Sik Choi & cộng sự (2011) thì cho rằng rủi ro cảm nhận là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới thái độ tiêu dùng dịch vụ của du khách. Nó tồn tại khi khách hàng không thể dự báo chính xác kết quả xảy ra sau hành vi mua hàng của họ. Theo Nguyễn Xuân Thọ (2012), mức độ trung thành với điểm đến thường được phản ánh trong ý định của du khách tới thăm lại và sẵn sàng truyền bá tới những người xung quanh. Trong ngắn hạn, khách hàng trung thành sẽ chi tiêu nhiều hơn dịch vụ được cung cấp và trong dài hạn, họ thu hút nhiều khách hàng mới bằng việc truyền miệng. Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng rủi ro cảm nhận sẽ ảnh hưởng xấu tới thái độ mua hàng của khách.

Ví dụ như nghiên cứu của Lori Pennington-Gray và cộng sự (2010) tìm hiểu tác động của kinh nghiệm du lịch, thông tin từ Internet và rủi ro cảm nhận đến ý định du lịch Hoa Kì của du khách. Trong nghiên cứu của mình, các tác giả đã đưa ra các dạng rủi ro sau đây: tài chính, thân thể (các tai nạn), dịch bệnh, thời tiết, sức khỏe, tình hình chính trị và thiên tai. Trong đó, rủi ro thân thể (các tai nạn), sức khỏe và tài chính (chẳng hạn như mất tiền cho các giá trị nghèo nàn) luôn có ảnh hưởng tiêu cực đến ý định du lịch của du khách. Còn các yếu tố còn lại như dịch bệnh, thời tiết, tình hình chính trị và thiên tai thì ít tác động hơn so với các yếu tố trên. Các yếu tố còn lại này được cân nhắc như là những yếu tố bên ngoài, ít tác động trực tiếp đến cá nhân du khách hơn. Cũng có thể bởi các yếu tố này nằm ngoài tầm kiểm soát của cá nhân, khiến du khách cảm nhận ít rủi ro hơn từ chúng và vì vậy, họ sẵn sàng đánh cược rằng các yếu tố này sẽ không xảy ra trong chuyến đi của họ.

Một nghiên cứu khác của Vanessa A.Quintal, Aleksandra Polczynski (2010) về “Những nhân tố ảnh hưởng đến ý định quay lại của du khách”, được đăng trên Tạp chí khoa học (Asia Pacific Journal of Marketing and Logistics). Nghiên cứu được tiến hành trên các sinh viên của trường Đại học Western Australia thông qua việc phát phiếu điều tra, tìm hiểu sự thỏa mãn cùng với cảm nhận về sức thu hút, chất lượng, giá trị và rủi ro có ảnh hưởng như thế nào đến ý định quay lại một điểm đến nào đó của sinh viên. Kết quả cho thấy, sự thỏa mãn với sức thu hút, chất lượng và giá trị mà điểm đến đem lại có tác động tích cực đến ý định quay lại của sinh viên; sự thỏa mãn càng cao, sinh viên càng muốn quay lại điểm đến. Thêm nữa, trong nghiên cứu này, cảm nhận về rủi ro không ảnh hưởng đến sự thỏa mãn cũng như ý định quay lại điểm du lịch của sinh viên.

Hay tại Việt Nam, Nguyễn Xuân Thọ (2012) đã tiến hành nghiên cứu về đề tài là phân tích tác động của hình ảnh điểm đến và rủi ro cảm nhận đến ý định quay lại và truyền miệng tích cực của du khách tại khu du lịch biển Cửa Lò. Trong nghiên cứu của mình, tác giả cho ra kết quả rằng rủi ro cảm nhận du lịch có tác động tiêu cực tới lòng trung thành (đó là ý định quay lại và truyền miệng tích cực) của du khách đối với điểm đến du lịch. Tác giả cũng khẳng định kết quả đó là nhất quán với nhiều nghiên cứu khác. Trong đó, hai yếu tố “rủi ro tâm lý” và “rủi ro tài chính” có ảnh hưởng lớn nhất đến ý định quay lại và truyền miệng tích cực của du khách.

Về vấn đề rủi ro mong muốn trong du lịch mạo hiểm, mặc dù gọi là “mạo hiểm”, tức rủi ro trong quá trình du lịch có thể xảy ra, nhưng các sản phẩm du lịch mạo hiểm hoàn toàn đảm bảo về chất lượng và chắc chắn sự an toàn cho du khách tham gia (Tracey Dickson và Sara Dolnicar, 2004). Điều này được Martin Fluker (2005) khẳng định rằng sự thiếu vắng rủi ro có thể làm giảm sự thỏa mãn của những người tham gia muốn được thử thách mạo hiểm. Nếu các nhà điều hành quá tay trong việc giảm bớt mức độ rủi ro cảm nhận thì những trải nghiệm sẽ không còn mang tính chất du lịch mạo hiểm, nhu cầu của du khách cũng sẽ giảm theo. Điều đó

khẳng định, rủi ro cảm nhận trong du lịch mạo hiểm là yếu tố then chốt, góp phần thu hút và thỏa mãn những du khách muốn phiêu lưu.

Như vậy, sau khi tổng hợp và nghiên cứu một số đề tài trước đã thực hiện, có thể tổng kết rằng rủi ro cảm nhận trong du lịch có tác động ngược chiều đến sự thỏa mãn và ý định quay lại của du khách. Trong khi rủi ro cảm nhận trong du lịch mạo hiểm sẽ có tác động thuận chiều. Tuy nhiên, dựa vào tình hình thực tiễn tại Việt Nam nói chung và Nha Trang, Khánh Hòa nói riêng cũng như điều kiện tiến hành hoạt động nghiên cứu, tác giả sẽ chỉ tập trung tìm hiểu 4 loại rủi ro nhất định sau đây. Các giả thuyết được đặt ra gồm:

H2: Rủi ro tài chính có tác động ngược chiều đến sự thỏa mãn của du khách quốc tế.

H3: Rủi ro tài chính có tác động ngược chiều đến ý định quay lại của du khách quốc tế.

H4: Rủi ro tâm lý có tác động ngược chiều đến sự thỏa mãn của du khách quốc tế. H5: Rủi ro tâm lý có tác động ngược chiều đến ý định quay lại của du khách quốc tế.

H6: Rủi ro thời gian có tác động ngược chiều đến sự thỏa mãn của du khách quốc tế.

H7: Rủi ro thời gian có tác động ngược chiều đến ý định quay lại của du khách quốc tế.

H8: Rủi ro mong muốn có tác động thuận chiều đến sự thỏa mãn của du khách quốc tế.

H9: Rủi ro mong muốn có tác động thuận chiều đến ý định quay lại của du khách quốc tế.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu vai trò của rủi ro cảm nhận khi du lịch, sự thỏa mãn đối với ý định quay trở lại của du khách quốc tế (Trang 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)