Số tiết: 3 (Lý thuyết: 2 tiết; bài tập, thảo luận: 1/2 tiết)
A) MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG 1. Về kiến thức
Khái quát, tổng quát các nội dung cơ bản nhất liên quan đến Luật doanh nghiệp 2005 và các văn bản luật khác liên quan: Luật phá sản, Luật đầu tư, Luật đấu thầu, ... Giúp cho người học biết được các loại hình doanh nghiệp được Nhà nước công nhận, cách thức thành lập, cơ cấu tổ chức, ... của các doanh nghiệp. Các ưu khuyết điểm của các loại hình doanh nghiệp.
2. Về kỹ năng
- Kỹ năng làm việc nhóm, làm việc độc lập để vận dụng những kiến thức đã học áp dụng vào thực tiễn nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển ở Viêt Nam.
- Kỹ năng thuyết trình, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng điều hành tổ chức.
3. Về thái độ
- Có thái độ học tập tốt, tích cực tham gia các hoạt động nhóm, thảo luận chung. - Nâng cao ý thức thực hiện và tuân thủ pháp luật của Nhà nước.
- Tự giác hoàn thành các bài tập tự học ở nhà, tích cực tự nghiên cứu những vấn đề liên quan đến bài học
B) NỘI DUNG CỦA CHƯƠNG 10.1. Khái niệm Luật kinh tế
10.1.1. Khái niệm Pháp luật kinh tế
Pháp luật kinh tế là tổng hợp các quy phạm pháp luật thuộc nhiều ngành kinh tế khác nhau như Hiến pháp, luật hành chính, luật kinh tế, Luật tài chính – ngân hàng, Luật lao động, luật đất đai, Luật môi trường, Luật thương mại… điều chỉnh các quan hệ xã hội có liên quan chặt chẽ với nhau về tổ chức và điều tiết nền kinh tế trong toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.
10.1.2. Khái niệm Luật kinh tế
Ngành luật kinh tế là một bộ phận của pháp luật kinh tế. Luật kinh tế gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp với nhau và giữa các doanh nghiệp với các cơ quan quản lý kinh tế.
10.1.3. Đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh của Luật kinh tế
a, Đối tượng điều chỉnh
- Nhóm 1: Nhóm quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp với nhau.
- Nhóm 2: Các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình quản lý và tổ chức kinh tế. Đó chủ yếu là mối quan hệ phát sinh giữa các doanh nghiệp với cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế: b, Phương pháp điều chỉnh
- Phương pháp mệnh lệnh: điều chỉnh các quan hệ quản lý kinh tế
- Phương pháp thỏa thuận: điều chỉnh các quan hệ phát sinh giữa các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh.
10.1.4. Chủ thể của Luật kinh tế
- Các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế: Phòng Đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế,… - Các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật: doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần,…
- Cá nhân chỉ trở thành chủ thể của Luật kinh tế khi thỏa mãn những điều kiện nhất định do pháp luật quy định.
10.2. Địa vị pháp lý của các doanh nghiệp 10.2.1. Doanh nghiệp nhà nước
Theo Điều 1 Luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003 thì “Doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh tế do nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối, được tổ chức dưới hình thức công ty nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn”.
Doanh nghiệp nhà nước được điều chỉnh bởi Luật doanh nghiệp nhà nước 2003. Tuy nhiên, theo quy định của Luật doanh nghiệp 2005 thì từ ngày 1/7/2010 Luật doanh nghiệp nhà nước sẽ chấm dứt hiệu lực và các doanh nghiệp nhà nước phải chuyển đổi sang các loại hình công ty tương ứng được quy định tại Luật doanh nghiệp 2005.
Doanh nghiệp nhà nước bao gồm:
- Công ty nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ,
- Công ty cổ phần nhà nước là công ty cổ phần mà toàn bộ cổ đông là các công ty nhà nước hoặc tổ chức được Nhà nước ủy quyền góp vốn, được tổ chức và hoạt động theo Luật doanh nghiệp.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên - Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước hai thành viên trở lên
10.2.2. Doanh nghiệp tư nhân
Theo quy định tại Điều 141 Luật Doanh nghiệp 2005: “Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp”. Doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Luật doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân.
Chủ doanh nghiệp có toàn quyền quyết định đối với tất cả mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thông thường thì doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ nên chủ doanh nghiệp đồng thời làm Giám đốc điều hành trực tiếp hoạt động kinh doanh. Nếu có thuê Giám đốc thì chủ doanh
nghiệp vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp cũng có toàn quyền sử dụng lợi nhuận và không phân chia rủi ro cho ai được.
Doanh nghiệp tư nhân cũng có thể tạm ngừng hoạt động của doanh nghiệp theo các quy định của pháp luật.
Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân.
Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có thể quyết định chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
- Khi chuyển đổi thành công ty TNHH 1 thành viên là cá nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân phải là chủ sở hữu của công ty. Nếu muốn chuyển đổi thành công ty TNHH 2 thành viên trở lên thì phải kết nạp thêm thành viên và chủ doanh nghiệp tư nhân là một thành viên trong đó.
- Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả các khoản nợ chưa thanh toán của doanh nghiệp tư nhân và cam kết trả đủ số nợ đó khi đến hạn;
* Các quyền khác của doanh nghiệp tư nhân Quyền cho thuê doanh nghiệp,
Quyền bán doanh nghiệp,
10.2.3. Các loại hình công ty theo Luật Doanh nghiệp
a, Công ty cổ phần
Công ty cổ phần là công ty mà phần vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau được gọi là cổ phần. Cổ đông của công ty cổ phần có thể là cá nhân hoặc tổ chức; cổ đông công ty cổ phần phải có số lượng tối thiểu là ba và không hạn chế số lượng tối đa; cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.
b, Công ty TNHH một thành viên
Công ty TNHH một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu. Chủ sở hữu công ty phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
c, Công ty TNHH hai thành viên trở lên
Công ty TNHH hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ hai thành viên trở lên và không quá 50 thành viên. Thành viên của công ty TNHH hai thành viên trở lên có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Thành viên chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp. Việc chuyển nhượng phần vốn góp của các thành viên trong doanh nghiệp phải tuân theo các quy định tại Luật doanh nghiệp 2005.
d, Công ty hợp danh
Công ty hợp danh là doanh nghiệp trong đó có ít nhất là hai thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (được gọi là thành viên hợp danh), ngoài ra có thể có thành viên góp vốn hoặc không.
Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
10.2.4. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 3 Luật đầu tư 2005: “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam; doanh nghiệp Việt Nam do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại”.
Vậy, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp có nguồn gốc vốn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
TÀI LIỆU HỌC TẬP
- Tập thể tác giả: Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật, trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn, Hà Nội, 1993.
- Tập thể tác giả: Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật, trường Đại học Luật Hà Nội, 1995.
- TS. Lê Minh Toàn (chủ biên) Pháp luật đại cương, NXB chính trị quốc gia, 2009.
- Bài giảng Pháp luật đại cương, 2011, của Nguyễn Xuân Thủy và Bùi Thị Lý, Bộ môn Lý luận chính trị, trường Đại học Hùng Vương.
- Luật Doanh nghiệp.
CÂU HỎI ÔN TẬP
1. Thế nào là pháp luật kinh tế? làm rõ đối tượng và phương pháp điều chỉnh của Pháp luật kinh tế?
2. Thế nào là doanh nghiệp Nhà nước? phân tích địa vị pháp lý của Doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành?
3. Hiện nay có bao nhiêu loại hình công ty theo quy định của pháp luật? làm rõ loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên?
4. Các loại hình công ty theo Luật Doanh nghiệp? làm rõ loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên?
5. Các loại hình công ty theo Luật Doanh nghiệp? làm rõ loại hình công ty cổ phần? 6. Các loại hình công ty theo Luật Doanh nghiệp? làm rõ loại hình công ty hợp danh? 7. Thế nào là tập đoàn kinh tế? trình bày các nội dung cơ bản liên quan đến Tập đoàn kinh tế?
8. Thế nào là Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài? Hãy phân tích vị trí, vai trò của Doang nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với kinh tế xã hội Việt Nam? cho ví dụ minh họa?
9. Thế nào là pháp luật kinh tế? vai trò của Pháp luật kinh tế đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nước ta hiện nay?
10. Thế nào là doanh nghiệp Nhà nước? phân biệt giữa doanh nghiệp Nhà nước với các loại hình Doanh nghiệp khác?
11. Thế nào là trách nhiệm hữu hạn? phân biệt với trách nhiệm vô hạn? cho ví dụ minh họa làm rõ.
CHƯƠNG XI