CHƯƠNG IX LU T LAO Ậ ĐỘNG

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG BÀI GIẢNG PHÁP LUẬT ĐẠI CƯƠNG (Tài liệu dùng cho sinh viên đại học hệ chính quy) (Trang 47)

Số tiết: 3 (Lý thuyết: 2 tiết; bài tập, thảo luận: 1/2 tiết)

A) MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG 1. Về kiến thức

- Giúp người học khái quát về pháp luật lao động quy định quyền và nghĩa vụ của người lao động và của người sử dụng lao động, các tiêu chuẩn lao động, các nguyên tắc sử dụng và quản lý lao động, góp phần thúc đẩy sản xuất, vì vậy có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội và trong hệ thống pháp luật của quốc gia.

- Nắm được vị trí, vai trò của Bộ luật lao động là bảo vệ quyền làm việc, lợi ích và các quyền khác của người lao động, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, tạo điều kiện cho mối quan hệ lao động được hài hoà và ổn định, góp phần phát huy trí sáng tạo và tài năng của người lao động trí óc và lao động chân tay, của người quản lý lao động, nhằm đạt năng suất, chất lượng và tiến bộ xã hội trong lao động, sản xuất, dịch vụ, hiệu quả trong sử dụng và quản lý lao động, góp phần công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

2. Về kỹ năng

- Kỹ năng làm việc nhóm, làm việc độc lập để vận dụng những kiến thức đã học áp dụng vào thực tiễn vào quá trình công tác, làm việc khi ra trường..

- Kỹ năng thuyết trình, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng điều hành tổ chức.

3. Về thái độ

- Có thái độ học tập tốt, tích cực tham gia các hoạt động nhóm, thảo luận chung. - Nâng cao ý thức thực hiện và tuân thủ pháp luật của Nhà nước.

- Tự giác hoàn thành các bài tập tự học ở nhà, tích cực tự nghiên cứu những vấn đề liên quan đến bài học

B) NỘI DUNG CỦA CHƯƠNG 9.1. Khái niệm Luật lao động 9.1.1. Khái niệm

Luật lao động là tổng hợp các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh quan hệ lao động giữa người lao động làm công ăn lương và người sử dụng lao động và các quan hệ xã hội có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động..

9.1.2. Đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh

a, Đối tượng điều chỉnh

Đối tượng điều chỉnh của luật lao động bao gồm hai nhóm quan hệ chính:

- Nhóm quan hệ sử dụng lao động: giữa những người lao động làm công ăn lương và người sử dụng lao động.

- Nhóm quan hệ liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động: quan hệ về việc làm, học nghề; quan hệ giữa công đoàn với tư cách là người đại diện cho tập thể người lao động; quan hệ về bảo hiểm xã hội; quan hệ về bồi thường thiệt hại vật chất; quan hệ về giải quyết tranh chấp lao động; quan hệ về quản lý và thanh tra lao động.

b, Phương pháp điều chỉnh

- Phương pháp thỏa thuận được sử dụng phổ biến trong luật lao động, thể hiện bằng việc các chủ thể của luật lao động có thể tự thỏa thuận với nhau về việc làm, tiền công,.. trong hợp đồng lao động hay thỏa ước lao động tập thể nhưng không được trái quy định của pháp luật.

- Phương pháp mệnh lệnh được sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực tổ chức, quản lý và điều hành lao động.

- Sự tham gia của công đoàn vào việc điều chỉnh những quan hệ là đối tượng của luật lao động. Đây là phương pháp đặc thù của ngành luật này, công đoàn với tư cách là đại diện cho tập thể người lao động tùy theo từng lĩnh vực hoạt động, từng cấp mà tham gia vào các hoạt động từ việc soạn thảo các quy chế, thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp,… đến việc áp dụng những quy tắc, nội quy nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động.

9.2. Quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động

a, Quyền và nghĩa vụ của người lao động

* Quyền

Người lao động có những quyền sau:

- Được trả công theo số lượng, chất lượng và hiệu quả lao động;

- Được bảo hộ lao động toàn diện, đảm bảo điều kiện làm việc cũng như an toàn lao động; - Được nghỉ ngơi theo các quy định của pháp luật lao động;

- Được hưởng các chế độ từ bảo hiểm xã hội, các chế độ từ phúc lợi tập thể và các quyền lợi khác;

- Được quyền đình công theo quy định của pháp luật; - Quyền gia nhập, thành lập và hoạt động công đoàn.

- Quyền tham gia quản lý doanh nghiệp theo quy định của doanh nghiệp và pháp luật. * Nghĩa vụ

- Người lao động có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể; - Chấp hành nội quy và kỷ luật lao động; (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

- Tuân theo sự điều hành hợp pháp của người sử dụng lao động.

b, Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động

* Quyền

- Người sử dụng lao động có quyền tuyển chọn lao động, bố trí, điều hành lao động theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh;

- Khen thưởng và xử lý vi phạm kỷ luật lao động;

- Cử đại diện để thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp hoặc ngành theo quy định của pháp luật;

- Quyền chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp nhất định. * Nghĩa vụ

Người sử dụng lao động có những nghĩa vụ cơ bản: thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và các thỏa thuận khác với người lao động; bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và các điều kiện khác phục vụ lao động; bảo đảm kỷ luật lao động; tôn trọng danh dự, nhân phẩm, đối xử đúng đắn với người lao động.

9.3. Hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể 9.3.1. Hợp đồng lao động

a, Khái niệm

Theo quy định tại Điều 26 BLLĐ: “Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động”.

b, Hình thức của hợp đồng lao động

Hợp đồng lao động có thể giao kết bằng văn bản hoặc bằng miệng. Đối với những công việc có tính chất tạm thời mà thời hạn dưới ba tháng hoặc giúp việc gia đình thì có thể giao kết bằng miệng.

c, Các loại hợp đồng lao động Hợp đồng không xác định thời hạn Hợp đồng xác định thời hạn

Hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định d, Nội dung của hợp đồng lao động

Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau: công việc phải làm, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, địa điểm làm việc, thời hạn hợp đồng, điều kiện về an toàn lao động, vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, hợp đồng lao động có thể có các điều khoản khác tùy theo sự thỏa thuận của các bên và quy định của pháp luật: phương tiện đi lại, phương thức giải quyết tranh chấp.

e, Thời gian thử việc

Các bên có thể thỏa thuận về vấn đề làm thử: việc làm thử, lương thử việc và thời hạn thử việc. Tuy nhiên, tiền lương thử việc không được thấp hơn 70% mức lương cấp bậc của công việc đó. Thời gian thử việc không được quá 60 ngày với lao động có chuyên môn, kỹ thuật cao; không quá 30 ngày với lao động khác.

g, Chủ thể của hợp đồng lao động

- Người lao động: phải đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và giao kết hợp đồng lao động; người dưới 15 tuổi khi giao kết hợp đồng lao động phải có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người đỡ đầu.

- Người sử dụng lao động là các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công lao động.

9.3.2. Thỏa ước lao động tập thể

a, Khái niệm

Thỏa ước lao động tập thể (gọi tắc là thỏa ước tập thể) là văn bản thỏa thuận giữa tập thể người lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động và sử dụng lao động, quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên trong quan hệ lao động.

Thỏa ước tập thể do đại diện của tập thể lao động và người sử dụng lao động thương lượng và ký kết theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng và công khai. (Theo Điều 44 BLLĐ)

b, Ký kết thỏa ước tập thể * Nguyên tắc

* Thủ tục ký thỏa ước tập thể

9.4. Bảo hiểm xã hội, vai trò và quyền hạn của tổ chức công đoàn trong quan hệ lao động 9.4.1. Bảo hiểm xã hội

a, Khái niệm

Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

b, Loại hình BHXH

Loại hình BHXH bắt buộc áp dụng cho các doanh nghiệp sử dụng từ 10 lao động trở lên. Loại hình BHXH tự nguyện áp dụng với doanh nghiệp và tổ chức kinh tế sử dụng dưới 10 lao động hoặc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động dưới 3 tháng, theo mùa vụ hoặc những công việc tạm thời khác.

Bảo hiểm thất nghiệp là loại BHXH bắt buộc áp dụng đối với người lao động là công dân Việt Nam làm việc theo Hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng có xác định thời hạn từ đủ 12 đến 36 tháng, người sử dụng lao động có sử dụng từ 10 lao động trở lên.

c, Các chế độ BHXH

Các chế độ BHXH được quy định cho từng loại hình BHXH. Loại hình BHXH bắt buộc có các chế độ bảo hiểm: ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất. Loại hình BHXH tự nguyện có chế độ hưu trí và tử tuất. Còn loại hình bảo hiểm thất nghiệp có chế độ: trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề và hỗ trợ tìm việc làm.

9.4.2. Vai trò và quyền hạn của tổ chức công đoàn trong quan hệ lao động

a. Vai trò của công đoàn

- Đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

- Đại diện và tổ chức người lao động tham gia quản lý cơ quan, đơn vị, tổ chức, quản lý kinh tế - xã hội, quản lý Nhà nước; trong phạm vi chức năng của mình, thực hiện quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức, giáo dục, động viên người lao động phát huy vai trò làm chủ đất nước, thực hiện nghĩa vụ công dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

b. Quyền hạn của Công đoàn

- Tham gia xây dựng các quy chế lao động trong đơn vị như nội dung lao động, định mức lao động, thỏa ước tập thể;

- Đại diện cho người lao động ký kết thỏa ước tập thể, thương lượng với người sử dụng lao động khi có tranh chấp lao động xảy ra;

- Cùng người sử dụng lao động tổ chức đại hội Công nhân viên chức, chỉ đạo đạo hội công nhân viên chức và phong trào thi đua trong cơ quan, doanh nghiệp, xây dựng nghị quyết đại hội, tham gia vào hội đồng doanh nghiệp và Ban thanh tra công nhân của đơn vị;

- Tham gia quản lý, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi của doanh nghiệp. Quyền thay mặt người lao động kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động của người sử dụng lao động;

- Tham gia cải thiện và nâng cao đời sống cho người lao động; tham gia xử lý kỷ luật lao động, tham gia giải quyết tranh chấp lao động trên cơ sở quy định của pháp luật, quyền tổ chức đình công theo quy định của pháp luật.

c. Trách nhiệm của Công đoàn

- Tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách, pháp luật về lao động cho người lao động; - Kiến nghị, tham gia xây dựng, sửa đổi bổ sung chế độ, chính sách pháp luật về lao động trong phạm vi chức năng và quyền hạn của mình;

- Tham gia, kiểm tra giám sát việc thi hành pháp luật lao động tại doanh nghiệp của người sử dụng lao động.

9.4.3. Tranh chấp lao động

a, Khái niệm

“Tranh chấp lao động là những tranh chấp về quyền và lợi ích phát sinh trong quan hệ lao động giữa người lao động, tập thể lao động với người sử dụng lao động.

Tranh chấp lao động bao gồm tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động và tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động” ( Khoản 1 Điều 157 BLLĐ)

* Các loại tranh chấp lao động

- Tranh chấp lao động cá nhân: tranh chấp giữa cá nhân người lao động với doanh nghiệp về quyền lợi và nghĩa vụ trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động hoặc áp dụng pháp luật lao động.

- Tranh chấp lao động tập thể: gồm có tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.

b, Cơ quan tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

* Hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên lao động * Tòa án nhân dân

Tòa án là cơ quan tài phán có chức năng giải quyết xét xử các vụ tranh chấp lao động được các bên đưa ra Tòa án yêu cầu giải quyết. Thẩm quyền, trình tự và thủ tục tố tụng tại Tòa án được điều chỉnh bởi Bộ luật Tố tụng Dân sự 2003.

c, Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

* Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền - Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động;

- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện);

- Toà án nhân dân

* Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích - Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động;

- Hội đồng trọng tài lao động do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) thành lập.

TÀI LIỆU HỌC TẬP

- Tập thể tác giả: Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật, trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn, Hà Nội, 1993.

- Tập thể tác giả: Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật, trường Đại học Luật Hà Nội, 1995.

- TS. Lê Minh Toàn (chủ biên) Pháp luật đại cương, NXB chính trị quốc gia, 2009.

- Bài giảng Pháp luật đại cương, 2011, của Nguyễn Xuân Thủy và Bùi Thị Lý, Bộ môn Lý luận chính trị, trường Đại học Hùng Vương.

- Bộ Luật Lao động.

CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Khái niệm, đối tượng và phương pháp điều chỉnh của Bộ luật lao động? 2. Phân tích các quyền và nghĩa vụ cơ bản của người lao động?

3. Phân tích các quyền và nghĩa vụ cơ bản của người sử dụng lao động?

4. Hợp đồng lao động là gì? Phân tích những nội dung cơ bản của Hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật hiện hành?

5. Thỏa ước lao động tập thể là gì? Làm rõ các nội dung của Thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật hiện hành?

6. Thế nào là Bảo hiểm xã hội? Phân tích và làm rõ các loại bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

7. Thế nào là Bảo hiểm xã hội? Phân tích và làm rõ các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

8. Thế nào là tổ chức công đoàn? Phân tích quyền và nghĩa vụ cơ bản của tổ chức công đoàn theo quy định của pháp luật hiện hành?

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG BÀI GIẢNG PHÁP LUẬT ĐẠI CƯƠNG (Tài liệu dùng cho sinh viên đại học hệ chính quy) (Trang 47)