MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM GIẢM TỔN THẤT ĐIỆN NĂNG Ở ĐIỆN LỰC QUẾ VÕ
3.4. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT VỚI CẤP TRÊN
Về mặt lý luận cũng như trên thực tế, cơ sở đầu tiên của việc quản lý và kinh doanh điện an toàn, liên tục và đạt hiệu quả cao là việc xây dựng được một lưới điện đủ khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của khách hàng. Việc hoàn thiện lưới điện không những nâng cao khả năng kinh doanh sản phẩm điện năng mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giảm tổn thất điện năng trong truyền tải cũng như trong kinh doanh.
Trong phạm vi Điện lực Quế Võ, lưới điện chính là các kênh phân phối sản phẩm điện năng cho người tiêu dùng, muốn sản phẩm tiêu thụ được tốt thì việc lưu thông trên các kênh phân phối phải thông suốt, nghĩa là lưới điện phải được đảm bảo vận hành liên tục, an toàn.
Việc cải tạo và hoàn thiện lưới điện phải được tiến hành trên một quy hoạch tồng thể: Cải tạo trạm, cải tạo đường dây cao thế đến cải tạo đường dây hạ thế, hòm bảo vệ công tơ, công tơ đo đếm điện, thậm chí đến từng đường dây sau công tơ cấp điện cho người tiêu dùng, đều phải được tính toán cân nhắc để vừa bảo đảm các tiêu
chuẩn kỹ thuật, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, do việc đầu tư cải tạo lưới điện đòi hỏi một số vốn ban đầu lớn nên cần nghiên cứu đầu tư có trọng điểm cho các khu vực có tổn thất cao, hoặc cải tạo từng phần, cải tạo những thiết bị đã quá cũ lạc hậu nhằm đem lại hiệu quả sử dụng vốn cao nhất. Còn đối với các khu vực dân cư mới được xây dựng những khu vực lắp đặt mới thì nhất thiết phải tuân thủ các quy chuẩn về kỹ thuật cũng như kinh doanh hiện hành.
Hiện tại, Điện lực Quế Võ cần tập trung cải tạo, nâng áp các khu vực lưới điện đã quá tải và các khu vực có tổn thất điện năng cao, tình hình dân cư phức tạp. Đối với những trạm biến áp cũ đang vận hành trên lưới điện, cung cấp điện cho một số lượng dân cư lớn, bán kính cấp điện lớn, cần thiết phải tách trạm, phân tuyến quản lý và kinh doanh điện nhằm cung ứng điện cho an toàn và đồng thời giảm được cả tổn thất kỹ thuật lẫn thương mại.
Một điều quan trọng khác trong hoạch định kế hoạch cải tạo lưới điện là tính khả thi của các đề án lớn, trong điều kiện nguồn vốn hạn hẹp, hiện nay nên đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án vừa và nhỏ nhằm sớm đưa các khu vực được cải tạo vào sử dụng. Mặt khác, cần cải tiến các thủ tục duyệt dự án, quyết toán dự án… để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án thiết kế cải tạo lưới điện, nhanh chóng hoàn thiện lưới điện ngày càng tốt hơn.
Xử lý nghiêm minh các hiện tượng xâm phạm hành lang lưới điện, câu móc điện trên đường trục. Ngoài các biện pháp xử phạt cần truy cứu trách nhiệm hành chính, hình sự đối với các trường hợp gây thiệt hại cho lưới điện cũng như gây tổn thất điện năng lớn.
Công tơ đo đếm điện là một thiết bị kỹ thuật có độ chính xác cao nhằm định lượng số điện năng tiêu thụ của khách hàng. Đối với ngành điện, chỉ số công tơ dùng để tính toán thành quả lao động sẽ thu được, còn đối với khách hàng đó sẽ là số tiền phải trả cho ngành điện. Do đó mỗi chiếc công tơ phải thể hiện tính chính xác và khách quan trong mua bán điện, muốn vậy phải tăng cường chất lượng của công tơ và công tác quản lý công tơ. Công việc đầu tiên phải làm là việc kiểm tra
chặt chẽ chất lượng công tơ trước khi đem ra vận hành trên lưới. Các công tơ đã được kiểm định đảm bảo chất lượng đều được kẹp chì niêm phong đặc biệt, do vậy cần phổ biến cho các khách hàng được biết các quy định đó và cùng kiểm tra trước khi treo lên lưới. Tổ chức thay thế kịp thời các công tơ hỏng, thiếu chính xác nhằm chống thất thoát điện năng, các khu vực có tổn thất điện năng cao cần tổ chức thay định kỳ công tơ. Đảm bảo trước hết chất lượng công tơ để rồi sau đó có thể tìm ra các nguyên nhân gây tổn thất điện năng khác và có biện pháp khắc phục.
Có các biện pháp bảo quản công tơ phù hợp với từng địa bàn nhằm chống lấy cắp điện đồng thời đảm bảo mỹ quan chung. Đối với các khu vực ngõ xóm, thôn xã có tình hình an ninh phức tạp cần cải tạo đưa công tơ ra hòm treo cột ở độ cao thích hợp đồng thời chống lấy cắp điện.
Tích cực trang bị các thiết bị máy móc hiện đại phục vụ có hiệu quả cho công tác quản lý và kinh doanh điện như xe đặc chủng sữa chữa sự cố, máy kiểm định công tơ tại chỗ và cá nhân, hệ thống mạng máy tính phục vụ điều độ lưới điện, phục vụ sản xuất hóa đơn tiền điện, thu thập và xử lý thông tin về tình hình quản lý và kinh doanh điện tại các thời điểm của kỳ kế hoạch.
Tuy vậy, tất cả các biện pháp kể trên sẽ vẫn không phát huy được hết tác dụng của nó nếu không nâng cao được trách nhiệm và trình độ quản lý của các nhân viên ngành điện. Một mặt cần không ngừng nâng cao trình độ quản lý của công nhân, kịp thời phát hiện ra các sai hỏng về công tơ và khắc phục, nhậy bén phát hiện ra các biểu hiện lấy cắp điện từ công tơ điện để xử lý, thiết lập kỷ cương trong sử dụng điện. Một mặt cần nâng cao trách nhiệm quản lý có các biện pháp khuyến khích và xử phạt rõ ràng. Kiên quyết xử lý các biểu hiện tiêu cực, thông đồng với khách hàng lấy cắp điện qua công tơ.
KẾT LUẬN
Chiến lược đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang đề ra những nhiệm vụ to lớn và nặng nề đối với các ngành kinh tế quốc dân, trong đó việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đầu tư khoa học- công nghệ, đào tạo nhân lực đang trở nên cấp thiết nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và của nền kinh tế trong xu thế mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế. Trong các ngành kinh tế- kỹ thuật thì ngành điện có một vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ đảm bảo tồn tại và phát triển trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà còn phải đi trước, cung cấp điện đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và ngày càng giầu mạnh.
Với tư cách là một doanh nghiệp nhà nước, ngành điện nói chung và Điện lực Quế Võ nói riêng có các đặc điểm kinh tế kỹ thuật riêng có của mình, ngành điện, Điện lực Quế Võ có những cách thức riêng để tổ chức quản lý và kinh doanh sản phẩm điện năng nhằm đạt đến kết quả cuối cùng là hạn chế đến mức thấp nhất thất thoát điện năng, tăng nhanh doanh thu và tối đa hóa lợi nhuận.
Với mục tiêu hoàn thiện quản lý điện nông thôn Quế Võ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa kết hợp với cải tạo, mở rộng lưới điện nông thôn và tăng cường khả năng cung cấp điện lâu dài ổn định cho nông thôn, giảm tổn thất điện, ổn định giá điện đến người tiêu dùng ở nông thôn, tiến tới xóa bỏ dần bất cập giá điện giữa nông thôn và thành thị, giảm đầu tư nguồn điện cho cả nước. Hoàn thiện quản lý điện nông thôn và nâng cao hiệu quả sử dụng của nó là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách. Hoàn thiện và phát triển hệ thống lưới điện nông thôn là tất yếu khách quan, là một trong những nội
dung quan trọng xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, góp phần thực hiện định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và kinh tế nông thôn của Đảng đã đề ra.
Với những nội dung đã trình bày, đồ án đã góp phần giải quyết các vấn đề sau: 1. Đồ án đã đánh giá một cách tổng thể hiện trạng lưới điện nông thôn phân tích xem xét đến khả năng đáp ứng yêu cầu cung cấp điện cho giai đoạn mới. Khẳng định tính tất yếu khách quan của việc hoàn thiện quản lý điện nông thôn huyện Quế Võ nói riêng và ở nước ta hiện nay nói chung.
2. Trên cơ sở dự báo nhu cầu sử dụng điện khu vực và những tồn tại trong quản lý quy hoạch, kỹ thuật, vận hành lưới điện nông thôn huyện Quế Võ. Đồ án đã đưa ra các giải pháp kỹ thuật, xác định quy mô đầu tư cho cả phần trung áp, hạ áp đáp ứng yêu cầu phát triển phụ tải trong 10÷20 năm tới, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật quy định trong thiết kế, thi công và quản lý vận hành lâu dài công trình. Phân tích thực trạng quản lý xây dựng và quản lý vận hành, phân phối, sử dụng hệ thống lưới điện nông thôn huyện Quế Võ, rút ra những mặt tích cực, những tồn tại và nguyên nhân của những tồn tại đó.
3. Đi sâu phân tích các mô hình quản lý điện nông thôn hiện tại, phân tích các mô hình quản lý điện nông thôn trong nước để đưa ra mô hình quản lý điện nông thôn một cách phù hợp nhất nhằm đảm bảo điện cho sinh hoạt và phát triển kinh tế nông thôn, đảm bảo chất lượng, ổn định giá bán đến hộ nông dân tiến tới đa dạng hóa các tổ chức kinh doanh điện nông thôn chống độc quyền kinh doanh của ngành điện.
4. Những đề xuất chính của đồ án:
- Đồ án góp phần làm rõ tính đặc thù của hệ thống lưới điện là tổ chức một quá trình tiêu thụ một sản phẩm đặc biệt, nó khác với các loại sản phẩm hàng hóa thông thường khác. Một trong những đặc thù quan trọng của việc sản xuất, chuyên tải, phân phối, tiêu thụ điện năng là quá trình đó diễn ra đồng thời không có tồn kho. Vận chuyển điện năng cũng có đặc thù riêng, khác với các loại hàng hóa thông thường khác. Tính hệ thống và tính cân đối trong sản xuất và tiêu thụ điện năng đòi hỏi rất nghiêm ngặt.
- Xây dựng hệ thống lưới điện nông thôn cũng có ý nghĩa là xây dựng quản lý một hệ thống tiêu thụ điện năng ở nông thôn, một loạt hộ tiêu dùng điện khác với khu công nghiệp và các thành phố tập trung đông dân. Kinh tế muốn phát triển, điện năng phải phát triển đi trước một bước. Sự tăng trưởng kinh tế gắn liền sự phát triển điện năng.
- Đồ án làm rõ những nội dung cơ bản của công tác quản lý trong quy hoạch, xây dựng hệ thống lưới điện, quản lý vận hành, phân phối sử dụng hệ thống lưới điện nông thôn và những yêu cầu đặc thù của quản lý mạng lưới điện nông thôn.
- Đồ án đã phân tích cụ thể thực trạng các mô hình tổ chức kinh doanh bán điện hiện nay, nêu ra những bất cập và mất bình đẳng trong kinh doanh giữa ngành điện và các tổ chức bán điện nông thôn ngoài ngành điện, đồng thời đề xuất hai tổ chức kinh doanh bán điện đó là ngành điện và công ty cổ phần điện nông thôn cấp huyện để ổn định giá bán điện ở nông thôn.
- Đồ án khẳng định vai trò quan trọng của quản lý điện nông thôn đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và kinh tế nông thôn ở nước ta. Từ đó, luận án khẳng định ý nghĩa thiết thực và tầm quan trọng tính cấp bách phải hoàn thiện công tác quản lý điện nông thôn.