CHI NHÁNH LÁNG HẠ
3.2.2. Nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng
Xu hướng hiện nay, quy mô vốn cho vay mỗi hợp đồng tín dụng, mỗi khách hàng ngày càng lớn hơn. Các dự án vay vốn có mục đích đa dạng hơn. Lĩnh vực kinh doanh phức tạp hơn. Do đó, công tác thẩm định lại càng quan trọng hơn trước, khi quyết định cho vay. Việc thẩm định dự án, phương án sản xuất kinh doanh chính là việc đưa ra những nhận định về khả năng trả nợ của dự án, phương án đó. Để chất lượng thẩm định dự án, phương án đạt chất lượng cần bố trí những cán bộ có trình độ, kinh nghiệm trong nghiệp vụ tín dụng, thường xuyên tổ chức các buổi thảo luận và khoá học về thẩm định dự án để cập nhật thông tin, cách thức thẩm định dự án.
Áp dụng công nghệ phần mềm về thẩm định dự án, trên cơ sở đó đưa ra các kết quả chính xác và nhanh chóng .
Trong quá trình thẩm định dự án cần thẩm định uy tín, khả năng tài chính của khách hàng. Trong thực tế, còn nhiều khách hàng cung cấp thông tin sai lệch, trong khi công tác thẩm định này chủ yếu dựa trên báo cáo tài chính của khách hàng. Thẩm định tài chính giúp cho ngân hàng đánh giá đúng thực trạng tài chính của khách hàng trước khi có quyết định đầu tư, chẳng hạn chỉ xét duyệt cho vay đối với các dự án khả thi và khách hàng có đủ nguồn vốn tự có tham gia như cam kết … sẽ hạn chế được rủi ro trong hoạt động tín dụng .
Để đánh giá tính hiệu quả của dự án, trong quá trình thẩm định cần đánh giá dự án trên phương án động, các tình huống có thể xảy ra, trên cơ sở đó so sánh và đánh giá độ nhạy của dự án đó để xem xét quyết định cho vay .
Thẩm định dự án đồng thời cũng là tư vấn cho khách hàng trong việc vay vốn làm sao cho đồng vốn phát huy hiệu quả cao nhất .
Thẩm định dự án không chỉ thẩm định khi cho vay mà cần tái thẩm định sau cho vay để đánh giá hiệu quả của dự án đã đầu tư, từ đó rút ra những kinh nghiệm cho việc thực hiện các dự án sau được tốt hơn.
Thẩm định hiệu quả và tính khả thi của dự án
Dự án sản xuất kinh doanh là một bài giải trình các mục tiêu kinh tế và các giải pháp kèm theo để thực hiện được mục tiêu đó
Trong một hộ gia đình ( khách hàng ) hoạt động sản xuất kinh doanh đa dạng, mỗi một hoạt động có mức thu nhập và lợi nhuận khác nhau, nhưng kết quả chung là kết quả của các hoạt động của khách hàng đó cộng lại. Vì vậy, dự án cho vay vốn phải toàn bộ hoạt động của khách hàng. Một hợp đồng một thương vụ, hay một ngành nghề cụ thể không phải là nghiên cứu tổng thể để cho vay.
Muốn đạt được yêu cầu trên cán bộ tín dụng phải nắm được toàn bộ ngành nghề và các nguồn thu nhập, chi tiêu của gia đình hộ vay. Để dự án được thực hiện được tốt thì tổ chức tín dụng giải quyết cả 3 vấn đề trong quan hệ tín dụng là giá cả, rủi ro và lòng tin. Với 3 vấn đề trên thì công việc thẩm định cần làm là:
- Một là nguồn từ quyết toán khoản vay. Là nguồn trả nợ từ chính hiệu quả của khoản vay nó phụ thuộc vào khả năng tạo ra lợi nhuận của người vay mà trực tiếp là phương án vay vốn .
- Hai là nguồn từ chính năng lực tài chính của khách hàng vay vốn. Được dùng khi dự án vay thực hiện không thành công, khi đó bản thân vốn nội sinh của doanh nghiệp, với tư cách người đi vay là nguồn thu khác của ngân hàng. Nguồn này vẫn chứa đựng sự không chắc chắn do ngân hàng cùng phải chia sẻ nguồn thu này với chủ nợ khác.
- Ba là tài sản bảo đảm ( cầm cố , thế chấp …)
+ Bảo đảm bằng tài sản : Đánh giá tính pháp lý của tài sản, thẩm định giá trị thị trường của tài sản bảo đảm, thẩm định tính lỏng của tài sản… Đối với tài sản dễ cháy nổ, dễ biến động giá cả…thì Ngân hàng cần phải bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm cho tài sản và người được hưởng bảo hiểm là Ngân hàng.
+ Bảo đảm bằng con người: Ngân hàng cần phân tích uy tín, tính cách, năng lực pháp lý, năng lực tài chính của người được bảo lãnh…
Trong cho vay cán bộ tín dụng cần kiểm tra tính chính xác và hợp lý của các số liệu được khách hàng đưa vào bảng dự trù doanh thu của dự án, phương án. Khi phân tích các chỉ tiêu tài chính ngoài các chỉ tiêu NPV, IRR, ngân hàng nên chú trọng đến việc phân tích độ nhạy của các chỉ tiêu hiệu quả. Chỉ tiêu này không chỉ giúp cho nhà thẩm định xác định được giới hạn biến động tối đa của các biến số sao cho dự án không bị thua lỗ mà còn giúp họ xác định được trong các dự án, nhân tố nào ảnh hưởng quan trọng nhất đến chỉ tiêu hiệu quả để kiểm soát chặt chẽ sự biến động của nhân tố đó trong quá trình cho vay. Việc thẩm định một cách kỹ lưỡng sẽ là cơ sở để xác định mức cho vay, thời hạn thu nợ, mức thu nợ hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động thuận lợi. Bên cạnh đó cũng phải lưu ý trong thẩm định là thẩm định về mặt kỹ thuật, công nghệ để có thể thẩm định khoản vay một cách toàn diện hơn tránh nhữn rủi ro có thế xảy ra.
Thẩm định khách hàng vay vốn
Uy tín của khách hàng phải được đề cập trong thẩm định và cụ thể hơn, nó phải có nội dung trong tờ trình của cán bộ tín dụng, với các tiêu thức cụ thể là:
Thẩm định qua hồ sơ quá khứ của khách hàng, thẩm định qua phỏng vấn trực tiếp với mục đích cần đạt rõ ràng là tìm hiểu phẩm chất, tư cách, năng lực của khách hàng trên góc độ như động cơ vay, sự liêm chính, thái độ sẵn lòng trả nợ, thẩm định danh tiếng hoặc tai tiếng, uy tín của khách hàng qua các luồng thông tin và sự giới
thiệu của khách hàng khác về khách hàng vay vốn. Mặt khác cũng phải thẩm định chiều sâu của thực trạng tài chính như năng lực quản trị, tình trạng sức khỏe người điều hành, triển vọng của lớp cán bộ kế cận
Nâng cao chất lượng thông tin phục vụ cho công tác thẩm định
Thẩm định tốt trước khi cho vay có thể tránh được rủi ro cho ngân hàng. Khó khăn lớn nhất trong quá trình thẩm định ở Chi nhánh NHNO&PTNT Láng Hạ là thiếu thông tin, thông tin chưa cập nhật. Đặc biệt là Ngân hàng đang mở rộng cho vay khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh, sự am hiểu về các khách hàng và thông tin về các khách hàng quốc doanh còn hạn chế, nhân viên tín dụng chưa có kinh nghiệm trong việc thu thập thông tin về các khách hàng này…Vì vậy, để nâng cao chất lượng thẩm định, để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ tín dụng trong việc tìm thông tin thì Ngân hàng nên thu thập và lưu trữ thông tin thành kho dữ liệu, thông tin được phân loại, sắp xếp một cách khoa học, thông tin phải cập nhật để thuận tiện cho cán bộ tín dụng có thể lấy thông tin một cách dễ dàng mà không phải mất nhiều thời gian.
Để thẩm định có tính chính xác cao thì người cán bộ tín dụng phải trung thực, làm việc khách quan. Đạt được điều ấy chính Ngân hàng phải nâng cao hơn chất lượng cuộc sống của mỗi nhân viên, đồng thời có những chính sách khen thưởng công bằng và kỷ luật thích đáng.
3.2.3. Thực hiện các biện pháp phân tán rủi ro
Hiện nay, việc chủ động tìm kiếm những khách hàng tốt, tiềm năng ở chi nhánh đã được thực hiện nhưng còn hạn chế. Điều này là do ngân hàng chưa đưa ra được những chính sách, những biện pháp hữu hiệu để khuyến khích nhân viên bộ phận tín dụng chủ động tìm kiếm khách hàng. Vì vậy, ngân hàng cần chủ động tìm kiếm nhiều khách hàng kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề có tiềm năng, năng lực kinh doanh tốt, các phương án/dự án kinh doanh khả thi, không bị động ngồi chờ khách hàng đến. Ngân hàng cần đưa ra các biện pháp để nâng cao chất lượng công tác này như: Cán bộ tín dụng chủ động tìm kiếm được nhiều khách hàng tốt thì khen thưởng, nêu gương trước tất cả cán bộ công nhân viên, xem xét đến cơ hội thăng tiến…
Cần đa dạng hoá các sản phẩm cho vay, mở rộng hơn nữa các hình thức cho vay: Mua ô tô, sữa chữa nhà, mua biệt thự…
Thiết kế sản phẩm phù hợp với từng khách hàng vay, tư vấn cho khách hàng để khách hàng có sản phẩm phù hợp với phương án/dự án sản xuất kinh doanh của khách hàng.
Trong hoạt động tín dụng có rất nhiều phương thức cho vay: Cho vay hạn mức, cho vay thấu chi, cho vay theo món, cho vay đồng tài trợ. Hiện nay, chi nhánh chủ yếu vẫn áp dụng phương thức cho vay truyền thống là cho vay theo hạn mức và cho vay theo món, cho vay đồng tài trợ là rất ít. Trên thực tế, cho vay đồng tài trợ tỏ ra rất an toàn, không có nợ quá hạn, nợ xấu. Đây là cách thức tốt vừa tạo mối quan hệ khăng khít với các ngân hàng khác, vừa để phân tán rủi ro, vừa đảm bảo thực hiện đúng các quy định của NHNN, vừa tăng cường mối quan hệ với khách hàng, đa dạng hoá được khách hàng vay.
Bên cạnh các hình thức cấp tín dụng kể trên, hình thức cấp tín dụng thông qua bảo lãnh tỏ ra hiệu quả. Hoạt động bảo lãnh không phải sử dụng đến nguồn vốn kinh doanh của ngân hàng mà vẫn thu được phí từ việc cung cấp dịch vụ này. Số dư hoạt động bảo lãnh không lớn nhưng trên thực tế hoạt động này tại chi nhánh rất ít khi gặp rủi ro, các khoản bảo lãnh bao giờ cũng được hoàn trả đầy đủ, thu nhập từ hoạt động bảo lãnh cũng gia tăng. Vì vậy, ngân hàng nên chú trọng tăng cường dịch vụ bảo lãnh cả về số lượng và chất lượng.
Tại NHNo&PTNT Láng Hạ, tỷ trọng cho vay ngoài quốc doanh nhỏ hơn nhiều so với tỷ trong cho vay quốc doanh. Vì vậy, ngân hàng cần cân đối cho vay giữa hai loại hình doanh nghiệp này. Nên mở rộng hơn nữa trong việc cho vay các doanh nghiệp ngoài quốc doanh kinh doanh có hiệu quả như các doanh nghiệp tư nhân, kinh doanh cá thể, kinh tế hộ gia đình… Hạn chế cho vay các doanh nghiệp quốc doanh kinh doanh kém hiệu quả như DNNN Trung ương/địa phương, các công ty TNHH nhà nước…
Trong 3 năm qua, tỷ trọng dư nợ cho vay ngành xây dựng trong tổng dư nợ cho vay luôn rất cao, đồng thời cũng là ngành có tỷ lệ NQH cao nhất. Vì vậy, ngân hàng cần có cơ cấu cho vay hợp lý, không tập trung cho vay vào một ngành kinh tế mà cần cho vay nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau nhằm phân tán rủi ro. Bởi vì khi tập trung vào cho vay ngành xây dựng thì có thể gặp rủi ro rất lớn khi ngành đó gặp phải bất trắc do điều kiện sản xuất kinh doanh không thuận lợi như giá nguyên vật liệu tăng, cạnh tranh gay gắt…
Cùng với sự tăng lên của quy mô dư nợ tín dụng trung-dài hạn, ngân hàng cần phải chú ý sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung-dài hạn đúng với quy định của NHNN, tránh rủi ro về chênh lệch kỳ hạn.