Công cuộc giải phóng dân tộc

Một phần của tài liệu Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến hiện đại (Trang 161 - 165)

1. Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời

Trước sự phát triển của các cuộc đấu tranh chống Pháp và sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Yên Bái, các nhà lãnh đạo

"Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội" nhận thấy phải thành lập một chính đảng có khả năng đoàn kết toàn dân để lãnh đạo công cuộc giải phóng của dân tộc. Vào tháng 3.1929 chi bộ Cộng sản đầu tiên gồm có bảy người ra đời tại Hà Nội.

Ngày 17/6/1929 Đảng Cộng Sản Đông Dương được thành lập, báo "Búa Liềm" làm cơ quan ngôn luận cho Đảng. Sau đó Ban chấp hành trung ương của "Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội" thành lập "An Nam Cộng Sản Đảng". Đồng thời "Tân Việt Cách mạng Đảng" cũng đứng ra thành lập "Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn".

Để đoàn kết lại các lực lượng chống Pháp, ba Đảng gọn lại tại Cửu Long (gần Hồng Kông) để đi đến hợp nhất với sự chủ tọa của Nguyễn ái Quốc (2.1930). "Đảng Cộng Sản Việt Nam" ra đời cùng cương lĩnh đầu tiên của Đảng. Cương lĩnh vạch rõ hai giai đoạn của Cách mạng Việt Nam là: Cách mạng tư sản dân quyền tức là cách mạng dân tộc dân củ nhân dân và Cách mạng xã hội chủnghĩa. Cương lĩnh đồng thời khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong công cuộc cách mạng.

2. Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng trongđ nước phát triển mọi nơi và trong nhiều lĩnh vực. Đảng chủ trương tổ chức lại hàng ngũ công nhân để lãnh đạo cuộc đấu tranh. Vào năm 1930 các công đoàn bí mật được thành lập có tới 10.000 thành viên. Các cuộc đình công, bãi công nổ ra khắp nơi như cuộc bãi công của 3.000 công nhân đồn điền cao su Phú Riềng, cuộc bãi công của 4.000 công nhân nhà máy sợi Nam Định, của công nhân nhà máy diêm Bến Thủy, hãng dầu Nhà Bè (Sài Gòn), nhà máy xi măng Hải Phòng...

Cuộc đầu tranh của nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh là điểm cao của phong trào cách mạng trong giai đoạn này. Ngày 1/5/1930 công nhân và nông dân lân cận thị xã Vinh rầm rộ biểu tình, nêu khẩu hiệu đòi thi hành luật lao động, bớt giờ làm, tăng tiền lương. Đoàn biểu tình bị quân Pháp xả súng bắn làm 7 người chết, 18 người bị thương. Sự đàn áp này không dập tắt được phong trào mà trái lại, các cuộc biểu tình với cờ búa liềm nổ ra liên tiếp dưới quy mô càng ngày càng lớn.

Phong trào phát triển cực độ vào tháng chín. Ngày 12.9 gần thị xã Vinh, 20.000 nông dân biểu tình và bị đàn áp dã man bằng máy bay ném bom. 217 người chết và 126 người bị thương. Nhân dân liền vũ trang nổi dậy,

phá huyện l? nhà ga, bưu điện, nhà giam, tự đứng ra lập chính quyền cách mạng. Chính quyền cách mạng thi hành ngay các chủ trương dân sinh dân chủ của Đảng, bãi bỏ hệ thống thuế của thực dân, lấy ruộng công chia cho nông dân, giảm tô, xóa nợ, khuyến khích việc học chữ Quốc ngữ...

Trong suốt thời gian tồn tại ngắn ngủi của mình, Xô Viết Nghệ Tĩnh đã phải đối phó với sự chống trả của thực dân Pháp. Chúng lập đồn bót, xua quân đi bắn giết dân chúng, đốt phá làng mạc... Nhiều tổ chức của Đảng bị phá vỡ. Phong trào lắng xuống vào giữa năm 1931. Mặc dù bị tan rã, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là điểm cao của cách mạng và là tiền đề cho cuộc Cách Mạng Tháng Tám sau này.

Thời kỳ sau Xô Viết Nghệ Tĩnh, phong trào cách mạng gặp phải sự khủng bố cực điểm của thực dân Pháp. Con số người bị bắt, bị đày lên rất cao, các nhà tù đều chật ních các người yêu nước. Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng bị bắt, bị tra tấn đến chết (4.1931). Đứng trước tình thế khó khăn ấy, Đảng vẫn kiên trì hoạt động với sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân khắp nước. Nhờ thế phong trào đấu tranh vẫn được tiếp tục dưới nhiều hình thực khác nhau. Các cuộc bãi công, bãi thị, bãi khóa vẫn tiếp tục nổ ra, đặc biệt vào ngày Quốc tế Lao động năm 1938, một cuộc biểu tình khổng lồ hơn hai vạn rưỡi người nổ ra ở quảng trường nhà Đấu Xảo Hà Nội đòi được tự do lập hội, đòi thi hành luật lao động.

3. Khởi nghĩa Bắc Sơn (9.1940)

Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ vào tháng 9/1939, nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng, nhà nước Pháp đầu hàng. Trong khi ấy tại châu á Phát xít Nhật bành trướng thế lực của mình, muốn hất cẳng Pháp ra khỏi Đông Dương.

Phát xít Nhật cho quân đánh vào Lạng Sơn (9/1940). Nhân dịp quân Pháp đang bối rối, nhân dân Bắc Sơn cướp khí giới của quân Pháp, đứng lên thành lập chính quyền cách mạng tại Bắc Sơn. Chính quyền cách mạng tịch thu của cải của thực dân Pháp đem chia cho người nghèo. Quần chúng gia nhập lực lựng quân đội rất đông và thành lập được đội quân du kích Bắc Sơn. Nhưng thực dân Pháp thỏa hiệp cùng Nhật, củng cố lực lượng. Thực dân Pháp được Nhật trao lại Lạng Sơn, thẳng tay đàn áp, giết chết hàng loạt người dân. Tuy thế đội du kích Bắc Sơn vẫn tồn tại để rồi sau đó hợp với các đội du kích khác mà trở thành đội du kích đầu tiên của Việt Minh.

4. Khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940)

Thực dân Pháp xung đột với quân phiệt Xiêm tại biên giới Lào - Campuchia, bèn bắt binh lính Việt Nam đi đánh trận thay cho chúng ở mặt trận này. Đảng bộ Nam Kỳ quyết định cho khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa nổ ra vào đêm 23/11/1940, triệt hạ được nhiều đồn bót, thành lập được chính quyền nhân dân, lan rộng đến 8 tỉnh Nam Bộ. Thực dân Pháp lại đàn áp dã man, triệt hạ làng xóm, bắn và giết chết hơn 20.000 người. Một số cán bộ chủ chốt của Đảng là Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ bị bắt và bị xử bắn.

5. Mặt trận Việt Minh

Trong thời kỳ thế chiến thứ hai, nhân dân Việt Nam vừa bị Pháp đô hộ, vừa bị Nhật bóc lột, đó là tình trạng mà các nhà viết sử thường gọi là "một cổ hai tròng". Trước tình hình khẩn trương đó, Nguyễn ái Quốc về nước triệu tập hội nghị Trung ương Đảng tại Pác Bó để hạ quyết tâm giải phóng cho được các dân tộc Đông Dương khỏi ách Pháp Nhật. Việt Nam Độc Lập Đồng Minh (tức là Việt Minh) được thành lập (1941). Đội Cứu Quốc Quân của Mặt trận Việt Minh phát động chiến tranh du kích toàn quốc. Hội cứu quốc được thành lập ở nhiều nơi. Các tờ báo của Đảng như tờ Giải Phóng, Cứu Quốc, Việt Nam Độc lập... phổ biến chủ trương chống Pháp Nhật, thu hút đông đảo quần chúng tham gia chiến đấu. Mặt trận Việt Minh đã tạo được chân rết trên khắp lãnh thổ.

Ngày 22/12/1944 Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân ra đời dưới chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với võ trang.

Khu Giải phóng Việt Bắc ra đời vào ngày 4/6/1945 đánh dấu một bước phát triển mới. Đó là căn cứ địa chính của phong trào giải phóng dân tộc, nối các lực lượng của các tỉnh miền thượng du Bắc Việt với các tỉnh miền trung du.

6. Cách Mạng Tháng Tám

Tháng 5/1945 Phát xít Đức thua trận. Nhật đầu hàng quân đồng minh vô điều kiện. Tình hình biến chuyển có lợi cho cách mạng Việt Nam. Đảng họp hội nghị toàn quốc vào ngày 13/8/1945 ở Tân Trào (Tuyên Quang) quyết định Tổng khởi nghĩa. Sau đó, Quốc dân Đại hội được triệu tập, cũng họp ở đây. Đại hội tán thành quyết định Tổng khởi nghĩa và cử ra "ủy Ban Dân Tộc Giải Phóng Việt Nam" (tức Chính Phủ Lâm Thời của nước Việt Nam DÂn Chủ Cộng Hòa sau này). Lãnh tụ Hồ Chí Minh được bầu làm chủ tịch. Người viết "Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa" gửi đến toàn dân.

Ngày 16/8 mở đầu công cuộc tổng khởi nghĩa, đội quân giải phóng do Võ Nguyên Giáp chỉ huy tiến về giải phóng Thái Nguyên. Các địa phương khác như Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh... nối tiếp nhau được giải phóng. Ngày 17/8, cuộc biểu tình ủng hộ Việt Minh nổ ra tại Hà Nội. Tiếp sau đó là Huế và Sài Gòn. Chỉ trong vòng 15 ngày cuộc khởi nghĩa phát triển trên phạm vi toàn quốc.

Ngày 2/9, tại quảng trường Ba Đình - Hà Nội, trước hơn 50 vạn nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản "Tuyên ngôn độc lập", khai sinh ra nước Việt Nam mới, nước Việt Nam DÂn Chủ Cộng Hòa. Bản Tuyên Ngôn bắt đầu bằng câu: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền sung sướng và quyền tự do".

Để dành được thắng lợi trên, dân tộc Việt Nam đã hy sinh không bờ bến từ thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, đã dùng nhiều biện pháp từ ôn hòa đến bạo lực. Cuối cùng dưới sự lãnh đạo của một chính đảng có sức đoàn kết toàn dân, Việt Nam đã thoát được ách đô hộ, trở lại một nước độc lập tự chủ.

Một phần của tài liệu Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến hiện đại (Trang 161 - 165)