Phong trào yêu nước.

Một phần của tài liệu Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến hiện đại (Trang 155 - 158)

1. Phong trào Cần Vương.

Hòa ước Giáp Thân 1884 mở đầu một giai đoạn rối loạn cho Triều đình Huế. Sau khi vua Hiệp Hòa bị lật đổ rồi bị giết chết, Kiến Phúc lên thay nhưng chỉ sáu tháng lại chết. Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa Ưng Lịch, mới 13 tuổi lên làm vua, tức là vua Hàm Nghi.

Mâu thuẫn ngoại giao giữa Triều đình Huế và phía Pháp nổ ra khi Toàn quyền De Courcy đòi làm lễ phong vương cho vua Hàm Nghi và đòi phải được cùng đoàn tùy tùng đi qua cổng chính là cổng chỉ dành riêng cho các vua Nguyễn (7.1885). Triều đình Huế không chấp nhận và cho quân tấn công vào tòa Khâm sứ, trại lính Pháp ở Huế. Cuộc tấn công thất bại. Vua Hàm nghi phải xuất bôn. Tôn Thất Thuyết đưa vua ra Quảng Trị rồi đến Nghệ An và đóng bản doanh tại đấy. Từ bản doanh, vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, kêu gọi nhân dân khắp nơi nổi lên chống Pháp. Thực dân Pháp đưa quân đi càn quét núi rừng Quảng Bình, Nghệ An hòng bắt vua cho được. Đồng thời, tại Huế, thực dân Pháp đưa Đồng Khánh lên làm vua. Đồng Khánh phải thân hành sang Khâm sứ Pháp để làm lễ thụ phong.

Đến tháng 11.1886 quân Pháp mua chuộc được Trương Quang Ngọc, chỉ đạo đội quân người Mường có nhiệm vụ bảo vệ vua. Trương Quang Ngọc bắt vua dâng cho Pháp. Vua bị thực dân Pháp bắt đi đày ở Algérie.

Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi được sự hưởng ứng mạnh mẽ khắp nơi, nhất là trong giới sĩ phu và ngay cả sau khi vua đã bị bắt đi đày rồi. Ở Trung Kỳ, tiêu biểu cho phong trào Cần Vương là cuộc khởi nghĩa của Mai Xuân Thưởng (1860-1887). Vốn là người thi đậu cử nhân, Mai Xuân Thưởng quy tụ được nhiều nhà nho tên tuổi ở Quảng Ngãi, Bình Định. Họ cùng nhau lập căn cứ ở Bình Định. Nghĩa quân của Mai Xuân Thưởng chống chọi của quân Pháp trong ba năm ròng. Quân Pháp nhiều lần viết thư dụ hàng nhưng đều bị ông từ chối. Cuối cùng quân Pháp điều Trần Bá Lộc, một kẻ cộng tác đắc lực với Pháp, từ Nam Kỳ ra đương đầu cùng nghĩa quân khởi nghĩa. Sau nhiều lần giao tranh đều thất bại, Trần Bá Lộc đành dùng lại biện pháp mà quân Pháp đã dùng với Nguyễn Trung Trực: cho bắt mẹ của Mai Xuân Thưởng để buộc ông phải ra hàng. Mai Xuân Thưởng ra nộp mình để cứu mẹ. Ông không chấp nhận việc quy hàng và bị đưa ra hành quyết tại quê nhà (Bình Định).

Một cuộc nổi dậy hưởng ứng chiếu Cần Vương tại Thanh Hóa là của Đinh Công Tráng (?-1887).Đinh Công Tráng nguyên là tùy tướng của Hoàng Tá Viêm. Khi vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, ông cùng các nho sĩ nổi tiếng như Đốc học Phạm Bành, Tiến sĩ Tống Duy Tân... xây dựng căn cứ

địa Ba Đình tại Thanh Hóa. Nghĩa quân thường đi đánh phá các đồn bót của quân Pháp. Sau ba năm chiến đấu, căn cứ của nghĩa quân bị quân Pháp phá được. Trên đường rút lên núi, Đinh Công Tráng bị tử thương.

Ở Hà Tĩnh, cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng (1847-1895) và Cao Thắng (1864-1893) cũng đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử dân tộc. Phan Đình Phùng đã bái yết vua Hàm Nghi sau khi vua xuất bôn và nhận nhiệm vụ lãnh đạo phong trào Cần Vương tại Nghệ An, Hà Tĩnh. Ông xây dựng đồn trại, lập xưởng công binh chế tạo vũ khí. Quân Pháp với sự giúp sức đắc lực của Hoàng Cao Khải, nhiều lần dụ ông ra hàng nhưng không được bèn cho quật mồ tổ tiên ông. Cuộc chiến đấu của Phan Đình Phùng kéo dài đến hơn 10 năm. Trong một lần bị bao vây, ông bị bệnh kiết(?) và chết.

Quân Pháp lại phải đối phó với phong trào Cần Vương ở Bắc Kỳ. Nguyễn Thiện Thuật (1844-1926) lập chiến khu ở Bãi Sậy, dùng chiến thuật du kích tấn công tiêu diệt các toán quân tuần tiễu, các đồn bót của Pháp. QUân Pháp bị thiệt hại nhiều trận nặng nề, dồn lực lượng càn quét nhiều lần không được, đành phải đưa Hoàng Cao Khải ra trấn áp và dụ hàng. Lực lượng nghĩa quân bị thiệt hại nặng. Nguyễn Thiện Thuật giao quyền chỉ huy lại cho em, lên đường sang Trung Quốc tìm Tôn Thất Thuyết để bàn cách phục hưng. Nhưng việc không thành. ông đành nương náu tại đấy.

Một cuộc khởi nghĩa lừng lẫy khác là tại Yên Thế do Hoàng Hoa Thám chỉ huy (1858-1913) chỉ huy. Cuộc khởi nghĩa này làm tiêu hao lực lượng của quân Pháp, không để chúng yên ổn áp dụng chính sách cai trị của mình tại Bắc Ninh, Thái Nguyên. Quân Pháp phải ra sức đàn áp đến năm 1913 mới diệt được.

2. Phong trào yêu nước vào đầu thế kỷ 20

Qua đầu thế kỷ 20, phong trào yêu nước của dân tộc Việt Nam không còn mang thuần màu sắc quân sự nữa. Các cuộc đấu tranh chính trị bắt đầu xuất hiện mà điển hình là phong trào Đông Du do Phan Bội Châu cầm đầu.

Là một nho sĩ nổi tiếng, Phan Bội Châu tập hợp lại các sĩ phu của phong trào Cần Vương sau khi phong trào này thất bại và thành lập một tổ chức mới là phong trào Duy Tân. Phong trào Duy T ân chủ trương đưa người ra nước ngoài mà cụ thể là nước Nhật để học hỏi những tiến bộ của thời đại, chuẩn bị cho lực lượng về sau. Kỳ Ngoại hầu Cường Để được đưa sang Nhật để móc nối trước với nhà cầm quyền Nhật Bản. Vào năm 1908, 200

thanh niên được gửi sang đấy. Nhưng Nhật không sẵn lòng giúp. Phan Bội Châu và Cường Để phải sang trốn tránh ở Trung Quốc.

Ở trong nước, các sĩ phu chuyển hướng khác. Dưới sự chỉ đạo của Lương Văn Can, trường Đông Kinh Nghĩa Thục được thành lập với mục đích truyền bá các tư tưởng tân tiến, đề xướng phong trào tân học với mục đích đào tạo những thanh niên ưu tú để thực hiện công cuộc đòi lại chủ quyền quốc gia. Dù hoạt động chỉ được một năm, nhưng Đông Kinh Nghĩa Thục đã đánh dấu việc chuyển hướng quan trọng của giới trí thức Việt Nam.

Khác với chủ trương muốn dùng bạo lực để chống Pháp của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh (1872-1926) chủ trương cứu nước bằng đường lối cải lương, mở mang dân trí và tranh thủ đòi hỏi ở chính quyền quyền dân sinh dân chủ. Ông bị Pháp bắt và đày đi Côn Đảo vào năm 1908. Do hội Nhân quyền Quốc tế can thiệp, ông được thả ra và bị quản thúc tại Mỹ Tho. Năm 1914, Phan Chu Trinh lại bị bắt vì bị nghi ngờ là đã liên lạc với Cường Để. Năm 1922, ông sang Pháp tiếp tục hoạt động của mình. Sau đó lại về nước và mất năm 1926. Đám tang của ông được các nhà yêu nước tổ chức khắp cả ba kỳ.

Giai đoạn sau thế chiến thứ nhất (1919-1945)

Một phần của tài liệu Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến hiện đại (Trang 155 - 158)