4.1. Phương pháp nghiên cứu:
Phương pháp nghiên cứu của chúng tôi sử dụng hai loại thiết kế nghiên cứu là mô tả cắt ngang và nghiên cứu can thiệp. Hai thiết kế này liên quan mật thiết với nhau, trong nghiên cứu cắt ngang của chúng tôi nhằm xác định tỷ lệ sâu răng, sâu hố, rãnh răng. Kết quả nghiên mô tả cắt ngang đồng thời cũng xác định những học sinh không bị sâu hố, rãnh răng số 6 của hàm dưới và từ đó để lựa chọn những học sinh vào nhóm can thiệp và nhóm đối chứng. Nghiên cứu can thiệp nhằm đánh giá hiệu quả của hoạt động trám bít hố, rãnh răng số 6 hàm dưới bằng GIC Fuj VII trên hai khía cạnh: sự tồn tại của miếng trám theo thời gian và hiệu quả dự phòng sâu hố, rãnh mặt nhai của răng số 6 hàm dưới.
Trong các loại nghiên cứu thì nghiên cứu can thiệp là một thiết kế nghiên cứu bằng chứng đáng tin cậy và có giá trị nhất so với phương pháp nghiên cứu mô tả và nghiên cứu phân tích [22]. Trong nghiên cứu can thiệp của chúng tôi có sự so sánh của của hai nhóm đối chứng (không trám bít hố, rãnh của răng 6 hàm dưới) và can thiệp có trám bít hố, rãnh răng 6 hàm dưới (bằng Fuji VII).
Thiết kế can thiệp đã được các tác giả trong nước áp dụng trong nghiên cứu đánh giá hiệu quả của hoạt động can thiệp có những ưu điểm, song bên cạnh đó có những nhược điểm nhất định như tốn kém và cần có thời gian dài đủ để theo dõi hiệu quả [22]. Trong nghiên cứu của chúng tôi, thực hiện kỹ thuật trám bít hố, rãnh răng là một kỹ thuật đơn giản, giá thành hợp lý với các đối tượng, dễ thực hiện trong học sinh của các trường Tiểu học, đồng thời không cần các phương tiện kỹ thuật hiện đại và bất cứ một Bác sỹ chuyên khoa Răng Hàm Mặt nào cũng có thể thực hiện được. Đồng thời nghiên cứu này được thực hiện trên một số lượng lớn học sinh trong một thời gian nhất định, do vậy dễ tiếp cận và theo dõi. Do vậy nghiên cứu của chúng tôi đã khắc phục được phần lớn những hạn chế của nghiên cứu can thiệp.
Cỡ mẫu nghiên cứu của luận văn là 577 học sinh, trong đó có là 447 học sinh đã mọc răng số 6. Nhóm can thiệp có 129 học sinh (247 răng) và nhóm đối
chứng có 318 học sinh (570 răng). Như vậy tỷ lệ nhóm can thiệp và nhóm chứng xấp xỉ là 1:2 theo đúng dự kiến ban đầu, như vậy nghiên cứu này hoàn toàn đủ tính tin cậy.
Thực hiện việc khám răng, trám bít hố, rãnh và theo dõi sự tồn tại của miếng trám trong thời gian 9 tháng do một nhóm gồm 03 bác sỹ chuyên khoa RHM và 04 Điều dưỡng Nha khoa đã được đào tạo kỹ lưỡng về phương pháp nghiên cứu, khám lâm sàng và các kỹ thuật trám bít hố, rãnh răng. Do vậy nghiên cứu đã hạn chế được sai số trong quá trình nghiên cứu.