Thẩm quyền, thủ tục giải quyết khiếu nại về đất đai

Một phần của tài liệu Giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực đất đai - qua thực tiễn tỉnh Thái Nguyên (Trang 43)

1.3.4.1. Giải quyết khiếu nại lần đầu

Thứ nhất, về thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu trong lĩnh vực đất đai.

Nguyên tắc xác định thẩm quyền: khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cán bộ, công thuộc quyền quản lý của cơ quan hành chính nhà nước nào thì thủ trưởng cơ quan đó có thẩm quyền giải quyết giải quyết lần đầu; khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của thủ trưởng cơ quan hành chính nào thì chính người đó có trách nhiệm giải quyết.

- Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã), thủ trưởng cơ quan thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý đất đai của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp.

- Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý đất đai của mình.

- Thủ trưởng cơ quan thuộc Sở và cấp tương đương có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý đất đai của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp.

- Giám đốc Sở và cấp tương đương giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý đất đai của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp;

- Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh) có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý đất đai của mình;

- Thủ trưởng cơ quan thuộc Bộ và cấp tương đương có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý đất đai của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp.

- Bộ trưởng và cấp tương đương có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý đất đai của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp.

Thứ hai, về trình tự, thủ tục (hay quy trình) giải quyết khiếu nại lần đầu trong lĩnh vực đất đai, gồm các bước sau:

Bước 1: Tiếp nhận và thụ lý đơn khiếu nại.

Người khiếu nại phải gửi đơn và các tài liệu liên quan (nếu có) đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Trong trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì cán bộ tiếp công dân có trách nhiệm hướng dẫn người khiếu nại viết thành đơn hoặc ghi lại nội dung khiếu nại, có chữ ký của người khiếu nại. Trong trường hợp việc khiếu nại được thực hiện thông qua người đại diện thì người đại diện phải có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của việc đại diện (giấy ủy quyền theo quy định của pháp luật).

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn thuộc thẩm quyền giải quyết, cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đất đai hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ giải quyết khiếu nại tham mưu ra quyết định thụ lý để giải quyết; trường hợp không thụ lý để giải quyết thì có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

Bước 2: Xác minh, kết luận nội dung khiếu nại.

Khi chưa có cơ sở kết luận nội dung khiếu nại thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tự mình tiến hành xác minh, kết luận nội dung khiếu nại hoặc giao cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại, kiến nghị giải quyết khiếu nại

Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại.

Người giải quyết khiếu nại thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan biết thời gian, địa điểm, nội dung việc gặp gỡ, đối thoại.

đối thoại; người tham gia đối thoại có quyền phát biếu ý kiến, đưa ra những bằng chứng liên quan đến vụ việc khiếu nại và yêu cầu của mình.

Việc gặp gỡ, đối thoại được lập thành biên bản; biên bản ghi rõ ý kiến của những người tham gia; tóm tắt kết quả về những nội dung đã đối thoại, có chữ ký của người tham gia; trường hợp người tham gia đối thoại không ký xác nhận thì phải ghi rõ lý do.

Bước 3: Ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.

Người giải quyết khiếu nại đất đai ra quyết định giải quyết khiếu nại bằng văn bản và gửi quyết định cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan quản lý cấp trên, công khai quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định. Quyết định giải quyết khiếu nại phải chứa đựng các nội dung theo yêu cầu của khoản 2 Điều 31 Luật Khiếu nại năm 2011, trong đó phải kết luận nội dung khiếu nại, quyết định giữ nguyên, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại.

Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành mà người khiếu nại không khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.

Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu xét thấy việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại sẽ gây hậu quả khó khắc phục, thì người giải quyết khiếu nại phải ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định đó. Thời hạn tạm đình chỉ không vượt quá thời gian còn lại của thời hạn giải quyết. Quyết định tạm đình chỉ phải được gửi cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan và những người có trách nhiệm thi hành khác. Khi xét thấy lý do của việc tạm đình chỉ không còn thì phải hủy bỏ ngay quyết định tạm đình chỉ đó.

1.3.4.2. Giải quyết khiếu nại lần hai trong lĩnh vực đất đai

Thứ nhất, về thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai trong lĩnh vực đất đai.

Nguyên tắc xác định thẩm quyền: trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu.

Trên cơ sở đó, những người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai trong lĩnh vực đất đai được xác định như sau:

- Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý đất đai mà Chủ tịch UBND cấp xã, thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cấp huyện đã giải quyết nhưng còn có khiếu nại hoặc đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.

- Giám đốc Sở và cấp tương đương có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý đất đai của Thủ trưởng cơ quan thuộc sở đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.

- Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính hành vi hành chính trong quản lý đất đai của Chủ tịch UBND cấp huyện, Giám đốc Sở và cấp tương đương đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết;

- Bộ trưởng có thẩm quyền:

+ Giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý đất đai của Thủ trưởng cơ quan thuộc Bộ đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn

+ Giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý đất đai của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nội dung thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của bộ đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.

Thứ hai, trình tự, thủ tục (hay quy trình) giải quyết khiếu nại lần hai, gồm các bước sau:

Bước 1: Tiếp nhận và thụ lý đơn khiếu nại.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đã chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết; trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do.

Bước 2: Xác minh, kết luận nội dung khiếu nại.

Đối với vụ việc khiếu nại phức tạp, nếu thấy cần thiết, người giải quyết khiếu nại lần hai thành lập Hội đồng tư vấn để tham khảo ý kiến giải quyết khiếu nại.

Quy trình xác minh, làm rõ các nội dung khiếu nại giống như giải quyết khiếu nại lần đầu. Tuy nhiên, để làm rõ các vấn đề trong đơn khiếu nại, Luật Khiếu nại năm 2011 quy định việc đối thoại giữa các bên liên quan là yêu cầu bắt buộc trong quy trình giải quyết khiếu nại lần hai.

Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại tiến hành đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại, hướng giải quyết khiếu nại.

Bước 3: Ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần hai.

Kết quả của quá trình xác minh, làm rõ nội dung khiếu nại, trong thời hạn không quá 45 ngày (trừ trường hợp đặc biệt), người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai phải ra quyết định giải quyết khiếu nại lần hai.

Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai phải bao gồm các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật Khiếu nại năm 2011, trong đó phải kết luận nội dung khiếu nại là đúng, đúng một phần hoặc sai toàn bộ. Trường hợp khiếu nại là đúng hoặc đúng một phần thì yêu cầu người có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại sửa đổi, hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại. Trường hợp kết luận nội dung khiếu nại là sai toàn bộ thì yêu cầu người khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan thực hiện nghiêm chỉnh quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần hai phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến.

Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày.

Kết luận chương 1

Quyền khiếu nại là một trong những quyền cơ bản của công dân, được Hiến pháp và pháp luật quy định, được nhà nước bảo đảm. Khiếu nại về đất đai là một trong những phương tiện pháp lý hữu hiệu mà người sử dụng đất có thể sử dụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Thông qua việc thực

hiện quyền khiếu nại về đất đai, người dân tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước về đất đai, giúp cho cơ quan nhà nước kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật, những hạn chế của quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý đất đai, cũng như những bất cập trong chính sách, pháp luật và trong tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý đất đai, từ đó có biện pháp xử lý, kịp thời điều chỉnh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai.

Giải quyết khiếu nại về đất đai là hoạt động áp dụng pháp luật, đồng thời là một nội dung thuộc về hoạt động quản lý nhà nước. Hoạt động giải quyết khiếu nại đất đai phải tuân theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Thực hiện có hiệu quả hoạt động giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực đất đai sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, kịp thời bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, qua đó góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của nhà nước.

Chương 2

THỰC TRẠNG GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI VỀ ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN TRONG THỜI GIAN QUA

Một phần của tài liệu Giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực đất đai - qua thực tiễn tỉnh Thái Nguyên (Trang 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)