III. Số liệu thống kê kinh tế và hoạt động
G. Các ngành công nghiệp chủ yếu
Phần lớn sức mạnh kinh tế của Nhật Bản nằm trong ngành cơ khí chế tạo. Xe hơi là một trong những sản phẩm nổi tiếng nhất. Mỗi năm Nhật Bản sản xuất trên dưới 10 triệu chiếc xe hơi các loại, trong đó xuất khẩu khoảng một nửa. Ngoài số xe sản xuất trong nước, ôtô của các công ty Nhật còn được lắp ráp và chế tạo tại các nhà máy ở nước ngoài với mức độ nội địa hóa tuỳ thuộc vào trình độ công nghiệp và chính sách của nước sở tại. Ngoài xe con Nhật Bản cũng sản xuất và xuất khẩu nhiều xe tải, xe buýt, và các phương tiện vận tải khác. Đóng tàu cũng là ngành công nghiệp hàng đầu nhưng gần đây do sự phát triển của các nước khác, Nhật Bản phải giành dật rất vất vả các hợp đồng đóng tàu mà vẫn không đủ việc làm. Nhật Bản cũng rất nổi tiếng về ngành điện tử và thiết bị điện. Các sản phẩm được ưa chuộng gồm: các thiết bị nghe nhìn như radio, catset, đầu video, LCD, DVD, máy ảnh, máy quay video… Nhật xuất khẩu nhiều thiết bị điện tử chính xác dùng trong ngành cơ khí chế tạo trên khắp thế giới, trong đó số người máy công nghiệp luôn chiếm phần lớn thị phần của thế giới.
Nhật Bản còn sản xuất và xuất khẩu nhiều máy móc khác như máy văn phòng, máy tính… Thép, kim loại, các sản phẩm kim loại, hóa chất cũng là những sản phẩm mạnh của công nghiệp chế tạo Nhật Bản.
Hiện nay công nghiệp robot của Nhật đã rất quen thuộc với các nước trên thế giới.Nhật Bản còn xuất khẩu robot sang nhiều nước khác. Năm 1995, do nhu cầu trong nước giảm, xuất khẩu chiếm tới 48% tổng sản lượng. Con số xuất khẩu có lẽ sẽ khoảng 25% vào năm 2000 và 19% vào năm 2005. Hiện tại 40% robot xuất khẩu của Nhật Bản là sang Mỹ, chủ yếu cho 3 hãng sản xuất ôtô lớn, ngoài ra dùng trong các ngành điện tử và điện dân dụng. Tại châu Á, robot Nhật Bản được xuất sang Hàn Quốc, Đài Loan, Xinhgapo, Trung Quốc, Malaixia, Hong Kong, Indonesia, v,v… Xuất khẩu sang Việt Nam bắt đầu vào năm 1995 với 1 robot hàn. Năm 1996, số lượng xuất khẩu sang Việt Nam tăng lên 18 robot - trong đó 13 robot cho ngành lắp ráp và 5 robot để chế tạo khuôn, và trong năm 97 lên tới 39 chiếc (23 robot lắp ráp, 14 robot tạo khuôn, 1 robot hàn và 1 robot đúc)
Sản xuất robot công nghiệp tại Nhật Bản đạt kim ngạch hơn 300 tỉ yen vào năm 1985 rồi lên tới hơn 600 tỉ yen vào năm 1991. Do suy thoái kinh tế, kim ngạch giảm xuống còn 400 tỉ yen vào năm 1993. Trong tương lai, có lẽ nhu cầu robot công nghiệp sẽ gia tăng đáng kể trong các ngành phi sản xuất, ví như năng lượng hạt nhân, phát triển đại dương, kỹ thuật dân sự, cũng như trong các ngành dịch vụ như y tế, giao thông vận tải, nhà hàng-khách sạn, hoặc giáo dục và các hoạt động xã hội cũng như cá nhân khác.