Các rào cản phi thuế quan

Một phần của tài liệu mô hình phân tích ảnh hưởng của các nhân tố tới xuất khẩu thủy sản ở việt nam (Trang 63 - 66)

Như đã phân tích ở chương III, xuất khẩu thủy sản Việt Nam hiện nay phải đương đầu với rào cản thương mại lớn nhất chính là những rào cản phi thuế, do đặc thù của nhóm hàng thực phẩm và xu hướng thay thế dần rào cản thuế quan bằng rào cản phi thuế trên thế giới. Đặc biệt, khi tập trung xuất khẩu vào các thị trường có GDP cao, khoảng cách kinh tế so với Việt Nam lớn, những rào cản này xuất hiện càng nhiều và khó vượt qua. Sau đây chúng tôi phân tích hai rào cản điển hình: quy định chống bán phá giá và hàng rào kỹ thuật.

 Trên các thị trường của các nước lớn, Việt Nam gặp phải vấn đề bị kiện bán phá giá thủy sản, đặc biệt là từ thị trường Mỹ. Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những năm 1994 - 2010, có 36 vụ kiện tranh chấp bán phá giá liên quan Việt Nam. Trong đó, vụ kiện chống bán phá giá cá tra, basa của Mỹ đối với Việt Nam tháng 6/2002 được đánh giá là lớn nhất từ trước đến nay về quy mô và mức độ tác động. Năm 2013, 2014, Việt Nam lại đang phải đối mặt với một vụ kiện bán phá giá mới từ Mỹ vào năm 2012. Trong đó, Bộ Thương Mại Mỹ (DOC) luôn tìm mọi cách để gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Điều này đã gây thiệt hại không nhỏ gồm chi phí kiện tụng, thuế trừng phạt bán phá giá, chi phí thời gian,… cho ngành thủy sản Việt Nam khi mà cá Basa đang là một trong những sản phẩm chủ lực của ngành. Do đó, giải quyết được vấn đề kiện bán phá giá sẽ mang lại tác động hiệu quả cho ngành thủy sản Việt Nam.

Một mặt hàng bị xem là bán phá giá khi bán với giá thấp hơn chi phí sản xuất và việc bán giá thấp này gây thiệt hại cho nền sản xuất nội địa. Để chứng minh một mặt hàng bán phá giá, quốc gia khởi kiện cần tìm một quốc gia thứ ba tương tự Việt Nam để xác minh các chi phí sản xuất. Tuy nhiên, trong vụ kiện bán phá giá cá Basa vào Mỹ năm 2012, Mỹ lại chọn Indonesia để so sánh (thay cho Bangladesh trong vụ kiện năm 2002) trong khi Indonesia có nền công nghiệp sản xuất và chế biến cá Basa khác xa Việt Nam.

Như vậy, để giải quyết vấn đề này, chúng ta có thể thay đổi cách chế biến sản phẩm, tạo ra kiểu chế biến mới, ví dụ như thay vì xuất khẩu cá fillet, chúng ta sốt cà chua trước khi đóng gói xuất khẩu. Khi đó, không có quốc gia thứ ba nào có thể được đưa ra để so sánh, hơn nữa chúng ta còn có lợi thế về sản phẩm mới.

 Gần đây, hàng thủy sản Việt Nam bị cảnh báo về nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm trong quá trình nuôi trồng thủy sản, một số lô hàng bị trả lại do không đáp ứng tiêu chuẩn. Hiện tại, Ủy ban Luật Thực phẩm quốc tế (CODEX) chưa ban hành đầy đủ các quy định về hóa chất, kháng sinh cấm; hóa chất, kháng sinh được phép sử dụng nhưng phải đảm bảo mức tồn dư tối đa cho phép. Do vậy, các quốc gia đang có những quy định rất khác nhau. Mặt khác, việc khai thác, nuôi trồng thủy sản ở nước ta vẫn là quy mô nhỏ, manh mún, thiếu liên kết giữa các hộ nhỏ lẻ với nhau, thiếu sự gắn kết với đại lý thu gom, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Trong hội thảo “Xu hướng quản lý Chất lượng Thủy sản theo chuỗi sản xuất” diễn ra vào ngày 12/6/2013 tại Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã đưa ra các kiến nghị sau:

(1) Nhà nước cần tăng cường kiểm soát theo chuỗi sản xuất, chú trọng vào các khâu trước chế biến như tàu cá, cơ sở sản xuất giống, chợ cá,

cảng cá, vùng nuôi… như xu hướng hiện đại mà nhiều nước trên thế giới đang thực hiện;

(2) Xây dựng “Chương trình giám sát sản phẩm (Product surveillance program)” với các tiếp cận là lấy mẫu kiểm nghiệm để thẩm tra theo tần suất thời gian: 3 tháng 1 lần đối với doanh nghiệp đạt loại A, 2 tháng 1 lần với doanh nghiệp đạt loại B… chứ không phải theo tần suất lô hàng như hiện nay.

(3) Không áp dụng mang tính trừng phạt bất hợp lý như buộc doanh nghiệp phải “ngưng xuất khẩu” nếu có quá 3 lô hàng cùng nhóm sản phẩm trong 6 tháng liên tiếp bị cơ quan thẩm quyền cảnh báo về chất lượng an toàn thực phẩm.

(4) Không lấy mẫu kiểm nghiệm theo lô hàng xuất khẩu làm điều kiện để cấp chứng thư mà thay bằng kết quả của quá trình kiểm tra điều kiện sản xuất và chương trình thẩm tra sản phẩm.

(5) Đề nghị cơ quan soạn thảo dự thảo thay thế TT55 áp dụng đúng quy định tại Điều 48 của Luật An toàn thực phẩm về việc cơ quan ra quyết định kiểm tra, thanh tra sẽ phải chịu chi phí cho việc lấy mẫu, kiểm nghiệm và kiểm tra.

Mặc dù có vẫn gặp nhiều ý kiến bác bỏ từ Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nhưng đây là những ý kiến hợp lý và cần thiết để giải quyết vấn đề về kiểm tra, kiểm nghiệm kháng sinh và các chất độc hại trong sản phẩm thủy sản. Đồng thời những ý kiến này giúp giải quyết tình trạng kiểm nghiệm tại khâu xuất khẩu gây mất nhiều thời gian, chi phí mà lại không hiệu quả, vẫn bị gắn mác cảnh báo cao, làm cho doanh nghiệp trong nước bị giảm sức cạnh tranh.

Một phần của tài liệu mô hình phân tích ảnh hưởng của các nhân tố tới xuất khẩu thủy sản ở việt nam (Trang 63 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(70 trang)