Một số nghiên cứu áp dụng mô hình Gravity và các nhóm ngành liên

Một phần của tài liệu mô hình phân tích ảnh hưởng của các nhân tố tới xuất khẩu thủy sản ở việt nam (Trang 40 - 44)

liên quan

2.2.2.1. Tổng quan các nghiên cứu thực nghiệm sử dụng mô hình Gravity

Các nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh một cách định lượng sự tác động cùng chiều hay ngược chiều của các nhân tố đã nêu ở mục 2.2.1 tới luồng thương mại quốc tế.

 Đối với nhân tố GDP của nước xuất khẩu và nhập khẩu, hầu hết các mô hình thực nghiệm đều chỉ ra nó có tác động cùng chiều đối với lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giữa các nước. Có thể kể ra các ví dụ sau: nghiên cứu của Céline Carrere (2003) cho hơn 130 nước; nghiên cứu của H. Mikael Sandberg (2004) cho các nước trong Khu thương mại tự do Châu Mỹ (FTAA); nghiên cứu của Tiiu Paas (2000) về xuất khẩu của Estonia,…

 GDP bình quân đầu người của nước xuất khẩu và nhập khẩu được sử dụng trong mô hình của Từ Thúy Anh và Đào Nguyên Thắng khi giải thích thương mại giữa Việt Nam và các đối tác, và của H. Mikael Sandberg (2004) đối với khu vực Tây Bán cầu. Kết quả thu được là biến số này có ý nghĩa thống kê và tác động cùng chiều lên luồng thương mại, tuy nhiên theo như lập luận ở phần trước, những kết quả này chỉ có ý nghĩa định lượng chứ không có ý nghĩa lắm trong việc giải thích một cách định tính.

 Dân số nước xuất khẩu, như đã lập luận ở phần trước, có thể có tác động thuận hoặc nghịch chiều tới luồng thương mại giữa các quốc gia. Điều này cũng đã được kiểm chứng bởi một số nghiên cứu thực nghiệm, chẳng hạn nghiên cứu của H. Mikael Sandberg (2004) chỉ ra tác động cùng chiều của nhân tố này trong hoạt động thương mại ở Tây

Bán cầu, trong khi đó Inmaculada Martínez-Zarzoso và Felicitas Nowak-Lehmann D. (2003) lại có kết luận ngược lại khi nghiên cứu mẫu gồm 15 nước EU (*) và 5 nước Mercosur (**).

Điều tương tự cũng xảy ra với nhân tố Dân số nước nhập khẩu. Tác động cùng chiều tới thương mại được chứng minh trong nghiên cứu của nghiên cứu của Đào Ngọc Tiến (2009), của Đỗ Thái Trí (2006) cho Việt Nam, trong khi đó nghiên cứu của Inmaculada Martínez-Zarzoso và Felicitas Nowak- Lehmann D. lại cho cả hai kết quả: dân số nước nhập khẩu vừa có tác động thuận và nghịch chiều khi áp dụng các phương pháp ước lượng khác nhau. Việc phân tích các nghiên cứu trên chứng tỏ rằng ảnh hưởng của yếu tố dân số đến thương mại là không rõ ràng.

 Yếu tố khoảng cách địa lý: Nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã chứng tỏ yếu tố này có tác động ngược chiều đến xuất khẩu như nghiên cứu của Céline Carrere (2003), của K. Doanh Nguyen và Yoon Heo (2009), của Tiiu Paas (2000), …

 Khoảng cách kinh tế có thể tác động cùng chiều tới thương mại quốc tế, thể hiện ở các kết quả của Egger (2000), Di Mauro (2000), Freund (2000),… hoặc ngược chiều theo nghiên cứu của Inmaculada Martínez- Zarzoso và Felicitas Nowak-Lehmann D. (2003)

 Theo các nghiên cứu thực nghiệm, việc tham gia vào các tổ chức kinh tế, thương mại có thể gây ra tác động tích cực hoặc tiêu cực tới xuất nhập khẩu. Nghiên cứu của Céline Carrere (2003) chỉ ra xuất khẩu của quốc gia sẽ được thúc đẩy khi tham gia vào NAFTA, ASEAN hay CACM nhưng lại bị hạn chế nếu như tham gia MECOSUR. Hoặc đối với trường hợp Việt Nam, nghiên cứu của Từ Thúy Anh và Đào Nguyên Thắng (2008) cho rằng xuất khẩu của Việt Nam được cải thiện tích cực khi tham gia ASEAN và AFTA, trong khi K. Doanh Nguyen

và Yoon Heo (2009) chỉ ra điều ngược lại: các khối này có tác động tiêu cực tới xuất khẩu nước ta.

2.2.2.2. Một số nghiên cứu thực nghiệm áp dụng mô hình Gravity cho Việt Nam

Trong luận án năm 2006 của mình, Đỗ Thái Trí đã sử dụng mô hình Gravity để phân tích định lượng thương mại giữa Việt Nam và 23 nước Châu Âu thuộc OECD (*). Mẫu dữ liệu được sử dụng là dạng bảng, trong khoảng thời gian từ năm 1993 tới 2004. Tác giả đã chạy mô hình bằng 3 phương pháp khác nhau: phương pháp hồi quy kết hợp (pool estimation), ảnh hưởng ngẫu nhiên (random effect) và ảnh hưởng cố định (fixed effect), tuy nhiên các kiểm định chỉ ra phương pháp cuối cùng là lựa chọn tốt hơn cả. Kết quả thu được từ mô hình là: Các biến khoảng cách địa lý và biến giả lịch sử (thể hiện việc xâm chiếm Việt Nam làm thuộc địa của các nước Châu Âu) dường như không có tác động tới thương mại, còn các biến GDP, dân số và tỷ giá hối đoái lại có mức ý nghĩa cao trong việc giải thích cho thương mại giữa Việt Nam và EC23. Trong đó GDP và dân số có tác động cùng chiều, còn tỷ giá hối đoái tác động theo chiều ngược lại.

Một nghiên cứu khác sử dụng mô hình Gravity để phân tích thương mại của Việt Nam là của tác giả Nguyễn Bắc Xuân. Cụ thể, tác giả sử dụng mẫu số liệu gồm 15 đối tác thương mại chính của Việt Nam (**), khoảng thời gian nghiên cứu từ năm 1986 đến 2006. Nghiên cứu này xem xét hai mô hình gravity: tĩnh (không có biến trễ) và động (có biến trễ) và sử dụng phương pháp ảnh hưởng ngẫu nhiên (Random Effects Estimation). Cả hai mô hình đều cho kết quả khá giống nhau: tất cả các hệ số của các biến trong mô hình đều có ý nghĩa thống kê, trong đó biến GDP của Việt Nam, GDP của 15 đối tác nhập khẩu và biến tỷ giá hối đoái có tác động thuận chiều lên thương mại,

còn biến khoảng cách địa lý và biến giả ASEAN (thể hiện việc tham gia ASEAN hay không của các nước đối tác) có tác động nghịch chiều.

Tóm lại, theo tìm hiểu của nhóm tác giả chúng tôi, những nghiên cứu sử dụng mô hình Gravity cho Việt Nam đều cho những kết quả phù hợp với lý thuyết cũng như các nghiên cứu thực nghiệm khác trên thế giới. Tuy nhiên, các nghiên cứu này chủ yếu xét tổng giá trị thương mại mà không tập trung vào một ngành hàng nào cụ thể. Vì vậy, nhóm chúng tôi chọn ngành thủy sản của Việt Nam làm hướng đi cho đề tài của mình.

Chương III: Xây dựng mô hình phân tích các nhân tố ảnh hưởng tới xuất

Một phần của tài liệu mô hình phân tích ảnh hưởng của các nhân tố tới xuất khẩu thủy sản ở việt nam (Trang 40 - 44)