Lý thuyết Heckscher-Ohlin

Một phần của tài liệu mô hình phân tích ảnh hưởng của các nhân tố tới xuất khẩu thủy sản ở việt nam (Trang 26 - 29)

2.1.2.1. Nội dung Lý thuyết Heckscher-Ohlin

Lý thuyết Heckscher-Ohlin, gọi tắt là lý thuyết H-O, hay mô hình H-O, được 2 nhà kinh tế người Thụy Điển Eli Heckscher và Bertil Ohlin phát triển dựa trên lý thuyết lợi thế so sánh của David Ricardo. Ở mô hình này, ngoài 2 quốc gia, 2 mặt hàng, Heckscher và Ohlin đã bổ sung thêm 2 loại yếu tố sản xuất là tư bản và lao động (2 yếu tố nội sinh). Vì thế, ban đầu, mô hình được gọi là mô hình 2x2x2.

Các đặc điểm thị trường mà H-O đưa ra trong mô hình gồm:

 Sản xuất:

• Tính thâm dụng yếu tố sản xuất của sản phẩm là không thay đổi: Một sản phẩm sẽ thâm dụng cùng một yếu tố sản xuất tại 2 quốc gia.

• Công nghệ sản xuất như nhau tại 2 quốc gia: Nếu giá so sánh các yếu tố sản xuất là như nhau tại hai quốc gia, thì các nhà sản xuất sẽ sử dụng cùng một số lượng lao động và tư bản cho mỗi đơn vị của cùng 1 sản phẩm tại 2 quốc gia.

• Chuyên môn hoá hoàn toàn không thể xảy ra.

• Lợi suất theo quy mô không đổi trong sản xuất (constant returns to scale) : Sự gia tăng về cả lao động và tư bản trong sản xuất bất cứ sản phẩm nào sẽ dẫn tới sự gia tăng tương ứng đầu ra của sản phẩm đó

 Yếu tố sản xuất

• Tự do di chuyển trong khuôn khổ quốc gia. • Không di chuyển giữa các quốc gia.

 Thị trường

• Thị trường là cạnh tranh hoàn hảo: đối với cả sản phẩm và yếu tố sản xuất.

• Thương mại quốc tế là tự do hoàn toàn • Chi phí vận tải bằng 0.

• Thị hiếu tiêu dùng là như nhau tại 2 quốc gia, tức là hai quốc gia sẽ có các đường bàng quan đại chúng giống nhau.

Trong mô hình này, Hecksher và Ohlin đã thừa nhận rằng nguyên nhân của thương mại quốc tế là do lợi thế so sánh. Lý thuyết H-O giúp giải thích nguyên nhân cả lợi thế so sánh dựa trên phân tích các yếu tố đầu vào sản xuất. Xét 2 quốc gia 1 và 2 sản xuất mặt hàng X thâm dụng vốn, Y thâm dụng lao động, quốc gia 1 có dư thừa về lao động, quốc gia 2 dư thừa về vốn. Việc đánh giá sự dư thừa trên dựa vào so sánh giá lao động (tiền lương - w) và giá của tư bản (lãi suất - r) trên mối quan hệ cung cầu yếu tố sản xuất, giá tương đối của lao động so với tư bản ở quốc gia 1 rẻ hơn so với quốc gia 2 (w1

r1 <

w2

r2) thì quốc gia 1 có dư thừa lao động hơn quốc gia 2. Lý thuyết cho rằng quốc gia dồi dào yếu tố nào thì chuyên môn hóa sản xuất và xuât khẩu mặt hàng thâm dụng nhiều yếu tố ấy. Điều đó giải thích cho lợi thế so sánh từ việc giá thành yếu tố sản xuất rẻ hơn.

Lý thuyết Heckscher-Ohlin dự báo rằng các nước sẽ xuất khẩu những hàng hóa mà sử dụng nhiều hàm lượng những nhân tố dồi dào tại nước đó và nhập khẩu những hàng hóa mà sử dụng nhiều hàm lượng những nhân tố khan hiếm tại nước đó.

2.1.2.2. Hạn chế -Nghịch lý Leontief

Lý thuyết H-O đã có sức ảnh hưởng rất rộng trên nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, khi nghiên cứu các số liệu của Hoa Kỳ năm 1953, Wassily Leontief đã chỉ ra kết quả thực tế khác với những gì mà mô hình H-O đã dự báo. Theo H- O, Hoa kỳ là quốc gia dồi dào về vốn nên sẽ xuất khẩu những mặt hàng thâm dụng vốn, nhập khẩu những mặt hàng thâm dụng lao động. Nhưng nghiên cứu đã phát hiện ra rằng hàng hóa xuất khẩu của Hoa Kỳ lại kém thâm dụng vốn hơn hàng hóa nhập khẩu.

Hiện nay vẫn chưa có câu giải thích rõ ràng cho nghịch lý Leontief nhưng có nhiều nghiên cứu ở một số lớn các nước khác có xu hướng khẳng định sự tồn tại của nghịch lý Leontief. Giải pháp mà hiện nay người ta đưa ra để giải thích là đưa về lý thuyết lợi thế so sánh của David Ricardo để giải thích dựa trên năng suất lao động.

Một hạn chế của lý thuyết H-O là cho rằng công nghệ ở các quốc gia là như nhau trong khi thực tế không phải như vậy, đặc biệt là trong thời đại công nghệ đua tranh phát triển như hiện nay.

2.1.2.3. Áp dụng

Mặc dù những hạn chế trên, lý thuyết này cũng giúp giải thích cụ thể hơn tại sao chi phí sản xuất các mặt hàng của quốc gia này rẻ hơn quốc gia khác. Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, rẻ, trong khi nguồn lực vốn lại hạn hẹp nên có lợi thế trong phát triển các ngành nông, lâm, thủy sản.

Ở phần sau của đề tài, chúng ta sẽ phân tích cụ thể những nhân tố nào ảnh hưởng nhiều hơn đến việc sản xuất và xuất khẩu thủy sản.

Một phần của tài liệu mô hình phân tích ảnh hưởng của các nhân tố tới xuất khẩu thủy sản ở việt nam (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(70 trang)