Mô hình hấp dẫn trong thương mại (gravity)

Một phần của tài liệu mô hình phân tích ảnh hưởng của các nhân tố tới xuất khẩu thủy sản ở việt nam (Trang 31 - 40)

Bên cạnh việc sử dụng các mô hình lý thuyết thương mại, gần đây nhiều nhà nghiên cứu thường sử dụng một mô hình thực nghiệm để phân tích và lượng hóa dòng chảy thương mại quốc tế, có tên là Mô hình hấp dẫn trong thương mại (Gravity Model). Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì mô hình này có dạng giống với công thức định luật vạn vật hấp dẫn trong Vật lý của Newton.

Đã có một số nhà nghiên cứu chứng minh rằng mô hình hấp dẫn trong thương mại có căn cứ lý thuyết chứ không phải chỉ bắt chước một cách hình thức công thức trong Vật lý.

Linneman (1996) là tác giả đầu tiên lý giải mô hình hấp dẫn bằng lý thuyết, cụ thể là cân bằng cung cầu xuất nhập khẩu. Sau đó, những nghiên cứu của Bergstrand (1958) và đặc biệt là Anderson và Van Wincoop (2003) đã thành công trong việc phát triển lý thuyết kinh tế vi mô để giải thích công thức hấp dẫn thương mại. Những nghiên cứu này xây dựng hàm cầu trên cơ sở tối đa hóa hàm lợi ích của người tiêu dùng (với điều kiện độ co dãn thay thế không đổi – CES) và hàm cung dựa trên sự tối đa hóa lợi nhuận của hãng sản xuất. Sau đó cân bằng cung cầu được thiết lập và ta thu được công thức của mô hình hấp dẫn.

Bên cạnh đó, một số tác giả khác lại xây dựng mô hình hấp dẫn bằng việc phát triển những lý thuyết thương mại quốc tế: mô hình thương mại dựa trên sự khác biệt về công nghệ của Ricardo, thương mại do sự khác biệt về mức độ dồi dào các yếu tố sản xuất trong mô hình của Heckscher – Ohlin, mô hình thương mại mới dựa trên lợi thế kinh tế theo quy mô,…

Mô hình hấp dẫn trong thương mại được áp dụng lần đầu trong kinh tế bởi Timbergen vào năm 1962 và có nhiều sự thay đổi, bổ sung bởi các nhà nghiên cứu sau này. Các mô hình có dạng chung như sau:

EXPij = AYia2Yja3Dija4 Với:

EXPij: kim ngạch xuất khẩu từ nước i sang nước j

A: hằng số hấp dẫn

Yi: nhóm các yếu tố ảnh hưởng đến cung của nước xuất khẩu i

Yj: nhóm các yếu tố ảnh hưởng đến cầu của nước nhập khẩu j

Dij: nhóm các yếu tố cản trở, hấp dẫn khác

Dạng log-log của mô hình:

ln EXPij = a1 + a2 ln Yi+ a3ln Yj+ a4 ln Dij

Các nhóm này được tóm tắt trong sơ đồ sau:

Hình 11: Các yếu tố ảnh hưởng đến luồng thương mại quốc tế

(Nguồn: Đào Ngọc Tiến (2008)) Sau đây chúng ta sẽ phân tích chi tiết các nhóm yếu tố này

2.2.1.1. Các yếu tố ảnh hưởng đến cung

GDP nước xuất khẩu: Mô hình gravity đầu tiên của Timbergen và rất nhiều

nghiên cứu sau này sử dụng biến GDP của nước xuất khẩu để đại diện cho khả năng cung xuất khẩu. GDP thể hiện tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ mà

quốc gia sản xuất được, nên một mức GDP càng cao đồng nghĩa với sự dồi dào hơn trong sản lượng của nước đó, và lượng hàng hóa, dịch vụ sẵn sàng để cung cấp tăng lên, và ngược lại. Do vậy biến GDP nhìn chung có tác động cùng chiều tới xuất khẩu của quốc gia đó. Một số ý kiến ngược lại cho rằng GDP của quốc gia càng cao thì khả năng chi trả cho hàng hóa càng lớn, nhu cầu về hàng hóa trong nước tăng lên dẫn đến việc xuất khẩu ra nước ngoài giảm, tác động của GDP tới xuất khẩu trong trường hợp này lại là ngược chiều.

Mức độ tác động của GDP tới xuất khẩu theo 2 chiều hướng trên mạnh hay yếu còn phụ thuộc vào mục tiêu sản xuất của quốc gia. Nếu quốc gia sản xuất hướng đến xuất khẩu thì GDP tăng đồng nghĩa với sản lượng hàng dành cho xuất khẩu tăng và kéo theo đó là sự tăng lên của kim ngạch xuất khẩu. Ngược lại nếu nền kinh tế tập trung sản xuất để thỏa mãn nhu cầu trong nước thì kim ngạch xuất khẩu chịu ảnh hưởng không đáng kể, thậm chí có thể giảm khi GDP tăng.

Tổng giá trị/sản lượng của một ngành/mặt hàng xuất khẩu: Khi nghiên

cứu xuất khẩu của một nhóm hàng, mặt hàng cụ thể của một quốc gia, biến số này có thể sử dụng thay cho GDP của nước xuất khẩu, vì GDP có thể không phản ánh đúng sự thay đổi của một nhóm/mặt hàng cụ thể do chỉ thể hiện tổng giá trị của tất cả các sản phẩm quốc nội. Ngoài ra biến số này chỉ thể hiện lượng cung, không hàm chứa cầu trong nó như biến GDP nên tránh được ảnh hưởng 2 chiều.

Dân số nước xuất khẩu: Tác động của dân số của một quốc gia tới kim ngạch xuất khẩu của nước đó có thể được lý giải như sau: dân số càng đông thì quốc gia càng có khả năng sản xuất ra nhiều hàng hóa, lượng cung của nước đó tăng do vậy sự tác động tới kim ngạch xuất khẩu là cùng chiều. Tuy nhiên có một số lập luận khác cho rằng dân số nước xuất khẩu còn có thể có

những tác động ngược chiều trong một số trường hợp, tùy thuộc vào các nhân tố sau:

 Cầu của thị trường trong nước: tương tự như GDP, dân số cũng là biến số thể hiện cả 2 mặt: khả năng sản xuất và mức cầu. Dân số đông dẫn đến cầu hàng hóa trong nước cũng lớn và hàng hóa sản xuất ra có thể phải dành để đáp ứng nhu cầu đó trước khi xuất khẩu, do đó kim ngạch xuất khẩu có thể giảm.

 Cơ cấu dân số: Một quốc gia có dân số đông nhưng cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động thấp thì vẫn có thể không có lợi thế về lao động dồi dào trong việc sản xuất, sản lượng có thể không cao như kì vọng.

 Tính kinh tế theo quy mô lao động: Ngay cả khi lao động của nước xuất khẩu dồi dào thì tác động tới kim ngạch xuất khẩu cũng có thể mang dấu âm nếu như nền sản xuất có tính kinh tế theo quy mô lao động giảm dần (tức là năng suất lao động giảm dần khi số lượng lao động tăng), bởi vì khi đó tốc độ tăng của sản lượng sẽ chậm hơn tốc độ tăng dân số, cũng đồng nghĩa với chậm hơn tốc độ tăng nhu cầu trong nước. Do đó sản lượng hàng hóa dịch vụ sẵn sàng để xuất khẩu sẽ giảm và kim ngạch cũng giảm theo.

GDP bình quân đầu người nước xuất khẩu: Một số nhà nghiên cứu sử

dụng biến số này để thể hiện khả năng cung cấp hàng hóa xuất khẩu của quốc gia, với lập luận rằng GDP bình quân thể hiện năng suất lao động của nước xuất khẩu, mà nhân tố này lại tác động cùng chiều lên sản lượng hàng hóa sản xuất được, do đó có tác động tương tự lên kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên việc sử dụng biến số này có thể mắc phải sai lầm khi xét các quốc gia với quy mô dân số có sự khác biệt lớn. Một quốc gia tuy có thể có năng suất lao động cao hơn nhiều, nhưng quy mô lao động, dân số nhỏ, vẫn có kim ngạch xuất khẩu nhỏ hơn nhiều so với các quốc gia đông dân khác (giả sử tỷ trọng xuất khẩu trong GDP không khác nhau nhiều). Trong trường hợp này, rõ ràng năng

suất lao động hay GDP bình quân đầu người không có vai trò giải thích cho xuất khẩu của quốc gia.

2.2.1.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến cầu

GDP nước nhập khẩu: GDP thể hiện tổng thu nhập của người dân một quốc gia, nên mức GDP cao cho thấy khả năng chi trả cho hàng hóa dịch vụ của người dân nước nhập khẩu tốt hơn, mức cầu của thị trường nước đó cao, kéo theo kim ngạch nhập khẩu được kì vọng cũng tăng lên. Tuy nhiên xét trên góc độ khác, GDP của quốc gia có thể tác động ngược chiều đối với kim ngạch nhập khẩu, bởi vì GDP cao thể hiện sức sản xuất cao hơn của quốc gia, sản xuất trong nước có thể đáp ứng tốt nhu cầu trong nước nên không cần thiết phải nhập khẩu nữa, kim ngạch nhập khẩu có thể giảm. Tóm lại, GDP nước nhập khẩu có thể ảnh hưởng tới kim ngạch nhập khẩu theo 2 hướng ngược nhau.

Cũng tương tự như biến GDP của nước xuất khẩu, sự tác động của GDP nước nhập khẩu tới kim ngạch nhập khẩu theo 2 chiều hướng mạnh hay yếu phụ thuộc vào cơ cấu hàng hóa sản xuất của nước đó. Cụ thể, nếu sản xuất trong nước không tập trung vào thị trường nội địa thì GDP tác động cùng chiều lên kim ngạch nhập khẩu và ngược lại.

GDP bình quân đầu người nước nhập khẩu: nhân tố này thể hiện khả năng chi trả của mỗi người dân, hay mức sống của nước nhập khẩu, nên cũng có thể hiện phần nào cầu của nước đó. Tuy nhiên, tương tự như biến “GDP bình quân của nước xuất khẩu”, biến số này trong nhiều trường hợp không giải thích được cho quy mô luồng thương mại quốc tế nên đây không phải biến số tốt cho mô hình.

Tổng mức tiêu thụ nhóm/mặt hàng nhập khẩu: tương tự như trong phần Các yếu tố ảnh hưởng đến cung, tổng mức tiêu thụ nhóm/mặt hàng nhập khẩu

được sử dụng khi nghiên cứu xuất nhập khẩu một nhóm/mặt hàng cụ thể, và cũng hạn chế được nhược điểm của biến GDP nước nhập khẩu.

Dân số nước nhập khẩu: tương tự như biến “Dân số nước xuất khẩu”, dân số của quốc gia cũng có những tác động đến kim ngạch nhập khẩu của nước đó nhưng tác động này không rõ ràng. Dân số có sự ảnh hưởng đến cả 2 mặt cung và cầu của nền kinh tế, dẫn đến tác động theo cả 2 chiều hướng thuận và nghịch tới xuất khẩu và khó có thể trở thành biến hồi quy tốt cho mô hình.

2.2.1.3. Các yếu tố cản trở, hấp dẫn khác

“Khoảng cách” giữa các quốc gia: Trong những nghiên cứu sử dụng mô hình gravity đầu tiên, khoảng cách giữa các quốc gia được hiểu theo nghĩa đen là khoảng cách địa lý. Các nhà nghiên cứu sau mở rộng khái niệm “khoảng cách” và thêm vào những biến mới như “khoảng cách” về trình độ phát triển kinh tế, khác biệt văn hóa, chính trị… giữa các quốc gia.

 Khoảng cách địa lý có thể được xem là một yếu tố cản trở việc xuất nhập khẩu giữa các quốc gia. Hai nước càng xa nhau thì các chi phí thương mại (cước phí vận chuyển, rủi ro trong vận chuyển, thời gian vận chuyển,…) càng lớn, dẫn đến luồng thương mại giữa hai nước bị cản trở và có thể giảm sút. Như vậy tác động của khoảng cách địa lý tới xuất nhập khẩu được kỳ vọng là ngược chiều.

 “Khoảng cách” trình độ phát triển kinh tế: Yếu tố này ảnh hưởng đến các nhóm hàng hóa sản xuất và tiêu dùng của nước xuất khẩu và nhập khẩu. Nếu hai quốc gia không có khác biệt nhiều về kinh tế thì các mặt hàng sản xuất và tiêu dùng cũng tương đồng nhau, do đó dễ dàng có sự trao đổi thương mại giữa các nước này. Ngược lại, hai quốc gia có trình độ phát triển kinh tế chênh lệch lớn có thể có cung và cầu quá khác biệt nhau: nước phát triển sản xuất những hàng hóa vượt quá khả năng chi trả của nước kém phát triển, ngược lại hàng hóa của nước kém phát

triển lại có thể là hàng hóa thứ cấp đối với nước phát triển hoặc khống đáp ứng được các tiêu chuẩn kĩ thuật,… Do đó cung cầu của các nước đó khó có thể gặp nhau và luồng thương mại giữa chúng là hạn chế. Tuy nhiên, theo lập luận của những lý thuyết thương mại cổ điển, cụ thể là lý thuyết của Hecksher-Ohlin, thương mại được hình thành giữa các nước khác biệt về độ dồi dào các yếu tố sản xuất. Theo đó, những quốc gia càng khác biệt về trình độ phát triển kinh tế thì càng có nhiều sự khác biệt về độ dồi dào các yếu tố sản xuất và các luồng thương mại sẽ càng mạnh mẽ. Ngược lại, những quốc gia có ít sự khác biệt về kinh tế thì hoạt động xuất nhập khẩu sẽ ít hơn.

Tóm lại, những lập luận định tính khó có thể xác định rõ chiều hướng tác động của yếu tố “khoảng cách” kinh tế tới luồng thương mại giữa các quốc gia mà cần có những nghiên cứu định lượng cụ thể.

Chính sách thương mại của quốc gia: Các chính sách liên quan đến thương mại của các quốc gia có thể có tác động thúc đẩy hoặc cản trở luồng thương mại song phương của quốc gia đó. Theo những nghiên cứu mà nhóm tác giả tìm hiểu, nhân tố này thường được đưa vào mô hình gravity dưới các dạng sau:

 Việc tham gia vào các tổ chức kinh tế, thương mại hoặc ký kết các hiệp định thương mại: Như chúng ta đã biết, các quốc gia trên thế giới hiện nay đều dựng nên những rào cản đối với các luồng thương mại từ bên ngoài, dù số lượng ít hay nhiều, mức độ tinh vi hay không. Việc tham gia vào các tổ chức kinh tế, thương mại (WTO, ASEAN,…), các khu vực thương mại tự do (FTA) hoặc ký kết các hiệp định thương mại có thể làm giảm bớt các rào cản này, vì các cam kết, hiệp định đều chủ yếu gồm những điều khoản thúc đẩy thương mại (giảm thuế, giảm mức độ khắt khe của các hàng rào kĩ thuật,…). Do đó luồng hàng hóa giữa các nước trong cùng tổ chức, khu vực thương mại hoặc có ký kết hiệp định

có khả năng được tăng cường. Ngược lại, những quốc gia không tham gia vào các tổ chức, hiệp định này sẽ bị hạn chế hơn trong việc xuất nhập khẩu với các nước khác.

 Tỷ giá hối đoái: Tỷ giá có tác động đến cả 2 phía cung của nước xuất khẩu và cầu của nước nhập khẩu, kéo theo sự tác động lên khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giữa các nước. Xét quốc gia nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, khi đồng nội tệ của quốc gia này tăng giá so với ngoại tệ của các đối tác xuất khẩu đến nó, thì giá của hàng hóa nhập khẩu tính theo đồng nội tệ trở nên rẻ tương đối so với trước, cầu hàng nhập khẩu tăng lên dẫn đến luồng thương mại với nước ngoài tăng lên, và hiệu ứng sẽ ngược lại khi đồng nội tệ của nước này giảm giá. Ở khía cạnh khác, khi xét quốc gia xuất khẩu, khi giá của đồng nội tệ tăng so với ngoại tệ của các quốc gia xuất khẩu nguyên vật liệu đầu vào sản xuất cho quốc gia này, thì chi phí sản xuất tính theo nội tệ giảm xuống, cung tăng lên và khối lượng hàng xuất khẩu cũng có xu hướng tăng theo.

Khi xét đến xuất khẩu (hay nhập khẩu) của một quốc gia, thì các quốc gia đối tác nước ngoài có thể đóng vai trò thị trường cung cấp đầu vào hay thị trường tiêu thụ đầu ra của nước đang xét, do đó tác động của yếu tố tỷ giá khá phức tạp, có thể theo 2 chiều hướng ngược nhau.

Tóm lại, có nhiều yếu tố ảnh hưởng luồng thương mại quốc tế (ảnh hưởng đến cung, cầu, các yếu tố khác) và theo những lập luận định tính, các yếu tố này đều có thể có những tác động thuận hoặc nghịch chiều tùy thuộc vào những hoàn cảnh cụ thể khác nhau. Sau đây chúng ta sẽ xem xét một số nghiên cứu thực nghiệm để làm rõ hơn những tác động này.

Một phần của tài liệu mô hình phân tích ảnh hưởng của các nhân tố tới xuất khẩu thủy sản ở việt nam (Trang 31 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(70 trang)