đào tạo, gắn kết đào tạo với sử dụng
3.4.2.1 Đổi mới nội dung chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội
Chương trình đào tạo là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng đào tạo, hiệu quả đào tạo. Một chương trình đào tạo đáp ứng các yêu cầu: mục tiêu giáo dục nghề nghiệp, quy định chuẩn kiến thức đầu ra, cấu trúc nội dung chương trình giáo dục nghề nghiệp; phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục đủ linh hoạt cho nhà trường và người học thực hiện, phù hợp với nhu cầu của người sử dụng lao động, phù hợp với xu thế phát triển nghề nghiệp là một trong những điều kiện tiên quyết nâng cao chất lượng đào tạo, hiệu quả đào tạo.
Để chuẩn kiến thức, kỹ năng tay nghề đầu ra của chương trình đào tạo đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động và phù hợp với xu thế phát triển kỹ thuật công nghệ thì chương trình đào tạo phải luôn được cập nhật, bổ sung, đổi mới, phát triển phù hợp với nhu cầu xã hội.
Các giải pháp đổi mới, phát triển chương trình đào tạo:
* Thường xuyên tổ chức khảo sát; phân tích; đánh giá về thị trường lao động, về yêu cầu sử dụng thuyền viên phương tiện thủy nội địa của doanh nghiệp vận tải đường thủy nội địa, về sự phát triển kỹ thuật công nghệ của ngành vận tải đường thủy nội địa, để từ đó xác định chuẩn kiến thức; kỹ năng đầu ra, trên cơ sở đó nhà trường tổ chức điều chỉnh đổi mới chương trình đào tạo phù hợp.
* Định kỳ tổ chức thực hiện quy trình rà soát lại chương trình đào tạo thông qua khảo sát ý kiến của giáo viên tham gia giảng dạy, của các chuyên gia, của các doanh nghiệp. Trên cơ sở kết quả khảo sát, nhà trường tổ chức điều chỉnh đổi mới chương trình đào tạo phù hợp.
* Định kỳ hợp tác với các doanh nghiệp vận tải đường thủy nội địa tổ chức khảo sát và đánh giá mức độ phù hợp giữa chương trình đào tạo, thực tế công tác đào tạo của nhà trường với yêu cầu sử dụng nguồn nhân lực của doanh nghiệp, trên
cơ sở ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, nhà trường tổ chức điều chỉnh, đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp đào tạo phù hợp.
* Thường xuyên cập nhật các yêu cầu của các doanh nghiệp, cập nhật những đổi mới, phát triển kỹ thuật công nghệ thuộc lĩnh vực vận tải đường thủy để tổ chức điều chỉnh đổi mới chương trình đào tạo phù hợp, kịp thời nhằm đảm bảo tính thời sự của những kinh nghiệm, những kiến thức và kỹ năng trang bị cho người học.
* Phát triển chương trình đào tạo theo hướng mở, nhằm tạo điều kiện để thường xuyên cập nhật tri thức, kỹ năng mới và khuyến khích sự sáng tạo của giáo viên.
3.4.2.2 Đổi mới phương pháp đào tạo theo năng lực thực hiện
Đào tạo theo năng lực là quá trình đào tạo chú trọng yêu cầu phát triển năng lực thực hành nghề , giảm bớt các tri thức hàn lâm. Tăng cường năng lực thực hành nghề để người học hình thành những năng lực thực hiện các công việc, nhiệm vụ chuyên môn của nghề và thích ứng nhanh với những yêu cầu thay đổi trong lao động nghề nghiệp. Phương pháp đào tạo này là bước đổi mới trong đào tạo nghề, đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng mục tiêu đào tạo nghề tiếp cận với khu vực và quốc tế.
Các giải pháp tổ chức đào tạo theo năng lực thực hiện :
* Xây dựng chương trình đào tạo nghề theo năng lực thực hiện (chương trình mô đun): dạy nghề ngắn hạn, dạy kỹ năng thực hiện công việc nhằm đáp ứng xu hướng của chương trình đào tạo hiện nay là hướng tới người học, hình thành năng lực hành nghề cụ thể cho người học.
* Tổ chức dạy nghề theo chương trình mô đun bằng phương pháp dạy học tích hợp ( dạy học tích hợp là quá trình dạy học mà ở đó các nội dung, hoạt động dạy kiến thức, kỹ năng, thái độ được tích hợp với nhau trong cùng một nội dung và hoạt động dạy học nhằm hình thành và phát triển năng lực thực hiện hoạt động nghề nghiệp cho người học ).
* Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên về chuyên môn đề đảm bảo dạy được cả lý thuyết và thực hành, về nghiệp vụ sư phạm dạy học tích hợp.
* Tổ chức đủ điều kiện cơ sở vật chất cho dạy học tích hợp. Dạy tích hợp được tiến hành dạy lý thuyết và thực hành trong cùng một không gian, cùng thời gian do một giáo viên đảm nhiệm, do đó phòng học phải đáp ứng điều kiện dạy được cả lý thuyết và thực hành : phòng học phải có chỗ để học lý thuyết đồng thời cũng phải có chỗ để bố trí máy móc thiết bị học thực hành.
3.4.2.3 Tăng cường hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo, đánh giá và sử dụng đội ngũ thuyền trưởng phương tiện thủy nội địa
Mối quan hệ hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng trong đào tạo, đánh giá và sử dụng đội ngũ thuyền trưởng phương tiện thủy nội địa. Tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác này là nó mang lại hiệu quả, lợi ích cho cả hai phía trong đào tạo và sử dụng đội ngũ thuyền trưởng phương tiện thủy nội địa. Phía doanh nghiệp sẽ đóng vai trò là những nhà cung cấp thông tin để cơ sở đào tạo nắm bắt được nhu cầu của thị trường lao động. Hoạt động đào tạo của cơ sở đào tạo luôn hướng tới nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường lao động thông qua nguồn thông tin tư doanh nghiệp cung cấp, và cơ sở đào tạo đảm bảo cung cấp thuyền trưởng phương tiện thủy nội địa qua đào tạo đáp ứng đúng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, nhu cầu thị trường lao động.
Thực hiện tốt mối quan hệ hợp tác này sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và triển vọng việc làm cho người học, nâng cao chất lượng phát triển đội ngũ thuyền trưởng phương tiện thủy nội địa.
Các giải pháp tăng cường hợp tác và nâng cao hiệu quả hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo, đánh giá và sử dụng đội ngũ thuyền trưởng phương tiện thủy nội địa:
* Cơ sở đào tạo phải tổ chức thông qua các cơ quan như Liên đoàn Lao động; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giao thông vận tải Tỉnh, Thành phố để xây dựng mối quan hệ với các doanh nghiệp.
* Tăng cường mối quan hệ giữa cựu học sinh sinh viên với nhà trường, tạo cơ chế để cựu học sinh sinh viên đang làm việc tại các doanh nghiệp liên hệ thường xuyên với nhà trường. Đây là cầu nối vững chắc giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp có hiệu quả, thiết thực và phát triển.
* Cơ sở đào tạo mời các doanh nghiệp vận tải đường thủy nội địa cùng phối hợp tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu đổi mới kỹ thuật công nghệ của ngành vận tải đường thủy nội địa, nhu cầu thị trường lao động, yêu cầu nguồn nhân lực cho phát triển của doanh nghiệp để cùng xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề, thiết kế chương trình đào tạo và cùng tham gia vào quá trình giảng dạy, đánh giá kết quả học tập của học sinh sinh viên. Đây là hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và giúp học sinh sinh viên thích ứng tốt với đòi hỏi của thị trường lao động khi ra làm việc.
* Cơ sở đào tạo phối hợp với doanh nghiệp vận tải đường thủy nội địa tăng cường tổ chức cho học sinh sinh viên tiếp cận môi trường làm việc của doanh nghiệp từ khi còn đang học thông qua các đợt thực tập thực tế trên các con tàu hoạt động sản xuất tại doanh nghiệp.
* Tổ chức hội thảo về đào tạo, phát triển đội ngũ thuyền trưởng phương tiện thủy nội địa và mời các thuyền trưởng giỏi, nhiều kinh nghiệm tại các doanh nghiệp vận tải đường thủy nội địa tham gia.