3.1.4.1 Nguyên nhân khách quan
Theo như báo cáo TMĐT năm 2011, hai trở ngại có điểm số cao nhất là các trở ngại về “Môi trường mạng xã hội và những tập quán kinh doanh” và “Nhận thức của
người dân về TMĐT, về mạng xã hội vẫn còn thấp”. Các năm trước, khi mức độ đầu tư vào CNTT và TMĐT của doanh nghiệp chưa cao, DN tự nhận thấy các vấn đề mang tính kỹ thuật như an ninh mạng, hệ thống thanh toán là các trở ngại cao nhất. Song khi các trở ngại này phần nào đã được doanh nghiệp nỗ lực cải thiện, việc môi trường kinh doanh và nhận thức của người dân không theo kịp sự ứng dụng của công nghệ mới lại trở thành những cản trở cho hiệu quả của việc ứng dụng TMĐT.
Các trở ngại về an ninh mạng, hệ thống thanh toán và môi trường pháp lý đã tồn tại suốt các năm qua. Tại một số thời điểm các trở ngại này có điểm số rất cao, thậm chí đứng đầu trong các trở ngại. Tuy nhiên với nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như DN, điểm số của các trở ngại này đã giảm xuống mức trung bình.
Tại Việt Nam, các công ty quảng cáo và dịch vụ Marketing phần lớn vẫn chưa bắt kịp các thay đổi về công nghệ, các công ty hoạt động về CNTT thì có rất ít kiến thức về nghiệp vụ Marketing, trong khi DN thì không hiểu rõ mình muốn gì với Marketing TMĐT, nên việc triển khai ứng dụng vẫn còn nhiều trở ngại.
Bên cạnh những trở ngại trên, Marketing qua mạng xã hội cũng có những hạn chế nhất định của mình:
- Thứ nhất, không phải tất cả khách hàng mục tiêu của Công ty đều online hay thường xuyên lướt web.
- Thứ hai, về phương diện kỹ thuật, Marketing qua mạng xã hội đòi hỏi khách hàng phải sử dụng các kỹ thuật mới và không phải tất cả mọi đối tượng khách hàng có thể sử dụng chúng. Ngoài ra, nếu Công ty xây dựng website lớn và phức tạp để quảng bá sản phẩm, nhiều khách hàng sẽ gặp khó khăn khi sử dụng website cũng như tải thông tin về với đường truyền chậm hay vào các thiết bị di động.
- Thứ ba, mức độ tin cậy của thông tin trên mạng rất khác nhau, ai cũng có thể cung cấp thông tin lên mạng, nên khả năng kiểm soát dư luận mạng là rất khó khăn.
- Thứ tư, Marketing TMĐT và Marketing mạng xã hội luôn gắn với yếu tố công nghệ thông tin, sự thay đổi nhanh chóng của yếu tố này thường làm cho các công ty khó nắm bắt, kể cả những công ty cung cấp dịch vụ quảng cáo.
3.1.4.2 Nguyên nhân chủ quan
Nhận thức của ban lãnh đạo Công ty
- Thứ nhất, muốn ứng dụng Marketing TMĐT và Marketing mạng xã hội thành công cần phải có chiến lược, có lộ trình và giải pháp cụ thể. Trong khi đó, chỉ có 20% số
người được phỏng vấn trả lời rằng Công ty đã có kế hoạch bài bản trong việc triển khai Marketing TMĐT và Marketing qua mạng xã hội. Điều này cho thấy công ty dù đã có định hướng rõ ràng về những chiến lược cho hoạt động Marketing mạng xã hội nhưng lại chưa nhận thấy vai trò quan trọng của việc cụ thể hóa định hướng đó thành văn bản, chính sách chỉ dẫn hành động triển khai.
- Thứ hai, Marketing TMĐT và Marketing mạng xã hội cũng đòi hỏi phải có cách nhìn nhận khác hơn, trí tuệ hơn và khó khăn hơn (không theo lối tư duy cũ), việc ứng dụng và phát triển Marketing TMĐT và Marketing mạng xã hội đòi hỏi sự nhận thức sâu rộng trong xã hội và môi trường làm việc cũng như quản lý. Trong ban lãnh đạo Công ty vẫn chưa thực sự nắm bắt được hết những yêu cầu thiết yếu để có thể triển khai Marketing TMĐT và Marketing mạng xã hội.
- Thứ ba, Ban lãnh đạo Công ty vẫn chưa thực sự nỗ lực thúc đẩy Marketing TMĐT và Marketing mạng xã hội phát triển. Hiện tại, Công ty chỉ sử dụng các công cụ Marketing TMĐT để phần nào hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh truyền thống. Nguồn nhân lực Marketing TMĐT và Marketing mạng xã hội:
Kết quả điều tra phỏng vấn cho thấy, doanh nghiệp chưa có nhân viên hiểu biết chuyên sâu về Marketing TMĐT và Marketing mạng xã hội. Nhận thức của nhân viên về tầm quan trọng của TMĐT và mạng xã hội còn chưa sâu sắc và thiếu tính hệ thống. Nhân viên mới chỉ hiểu TMĐT là một phương thức kinh doanh mới chứ chưa tìm hiểu kỹ điều kiện cần và đủ để triển khai TMĐT hiệu quả. Việc triển khai các công cụ Marketing TMĐT và Marketing mạng xã hội cho công ty hoàn toàn dựa vào nhân viên phòng kinh doanh và một số phòng ban khác. Khó khăn về thiếu nguồn nhân lực khiến Công ty chưa thể hoạch định và triển khai có hiệu quả các hoạt động Marketing TMĐT và Marketing mạng xã hội.
Hạ tầng CNTT và truyền thông:
Công ty mới chỉ dừng lại ở mức sơ khai là có hệ thống máy tính nối mạng nội bộ, mạng Internet phục vụ công tác quản lý hành chính và cập nhật thông tin lên website. Doanh nghiệp chưa sử dụng bất kì phần mềm nào hỗ trợ Marketing TMĐT như: phần mềm hỗ trợ hoạch định Marketing TMĐT, phần mềm xử lý giao dịch trực tuyến, phần mềm CRM, SCM, phần mềm gửi thư điện tử,….. Hạ tầng CNTT và truyền thông thiếu đầu tư đúng mức làm cản trở quá trình triển khai các hoạt động Marketing TMĐT và Marketing mạng xã hội tại Công ty.