Nội dung của chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bao gồm:
1.1.2.1. Mục tiêu của chính sách
- Đáp ứng đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả nguồn vốn cho nhu cầu phát triển toàn diện lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của người nông dân.
- Khuyến khích đầu tư của các hộ gia đình và doanh nghiệp tư nhân nông thôn.
- Tăng cường khả năng tiếp cận của người nghèo khu vực nông thôn đến các dịch vụ tài chính.
1.1.2.2. Nguyên tắc chính sách
Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn là một hợp phần chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn do vậy chính sách tuân thủ quy trình chính sách, nguyên tắc chung và một số nguyên tắc riêng để thực hiện được mục tiêu đề ra.
a. Bảo đảm tính hiệu quả
Chính sách phải đạt hiệu quả với mức chi phí hợp lý nhất trong phạm vi có thể. Trong bối cảnh nhu cầu trợ giúp lớn, đối tượng đông và nguồn ngân sách có
hạn đòi hỏi cần xác định được nhóm ưu tiên và mức hỗ trợ hợp lý, vừa hướng tới mục tiêu mở rộng về số lượng và nâng chất lượng.
b. Bảo đảm tính hiệu lực
Việc xem xét thiết lập mục tiêu chính sách phù hợp. Xác định phạm vi ảnh hưởng của chính sách, tính toán cân đối dự báo nguồn lực, điều kiện để thực hiện mục tiêu.
c. Bảo đảm tính khoa học
Cơ sở khoa học là các chính sách ban hành và thực hiện phải được nghiên cứu một cách khách quan, tuân thủ cơ sở lý luận và thực tiễn, chính sách đưa ra phải khả thi.
c. Bảo đảm tính công bằng
Chính sách hướng tới nhiều đối tượng. Vì vậy, phải đảm bảo sự công bằng giữa các nhóm đối tượng hưởng lợi. Tránh sự cao bằng chính sách đối với các chính sách xã hội khác.
d. Nguyên tắc cụ thể
- Các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính quy mô nhỏ đầu tư tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống của nhân dân trên nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư.
- Các tổ chức tín dụng thực hiện cơ chế bảo đảm tiền vay theo quy định hiện hành và xác định mức cho vay không có bảo đảm đối với từng đối tượng cụ thể, phù hợp với đặc điểm kinh doanh của khách hàng và khả năng quản lý rủi ro của tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng thông báo công khai mức cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, điều kiện, thủ tục cho vay cụ thể trên cơ sở tuân thủ các quy định hiện hành về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.
- Các ngân hàng, tổ chức tài chính thực hiện cho vay các đối tượng chính sách và các chương trình kinh tế theo chỉ định của Chính phủ, được Chính phủ bảo đảm các điều kiện để thực hiện thông qua các chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong từng thời kỳ.
- Các tổ chức tài chính quy mô nhỏ cho vay các đối tượng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thực hiện theo quy định của pháp luật.
1.1.2.3. Đối tượng, chủ thể của chính sách
- Chủ thể của chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bao gồm các chủ thể sau đây:
+ Chủ thể định hướng chính sách là chủ thể đưa ra định hướng về việc phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở đó các chủ thể tham gia vào quá trình hoạch định chính sách sẽ xây dựng chính sách phù hợp với định hường đề ra.
+ Chủ thể chịu trách nhiệm chính đối với quá trình hoạch định và thực thi chính sách là người chịu trách nhiệm đối với toàn bộ quá trình hoạch định và thực thi chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tùy từng trường hợp, Chính phủ sẽ quyết định giao cho chủ thể nào là chủ thể chịu trách nhiệm chính đối với quá trình hoạch định và thực thi chính sách.
+ Chủ thể quyết định chính sách là người quyết định việc chính sách có được thông qua hay không, có được ban hành triển khai vào thực tế hay không. Thông thường đối với chích sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thì Chính phủ là người quyết định chính sách.
+ Chủ thể chịu trách nhiệm tổ chức thực thi chính sách: Để triển khai chính sách vào thực tê thì Chính phủ sẽ phải xác định các cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức thực thi chính sách. Căn cứ, chức năng nhiệm vụ của từng bộ, ban ngành thì thường các Bộ, ngành sẽ chịu trách nhiệm đối với việc tổ chức thực thi chính sách là Bộ Tài Chính, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân câc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ngân hàng Nhà nước.
- Đối tượng của chính sách của chính sách bao gồm:
+ Đối tượng cấp tín dụng: Các tổ chức được thực hiện cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn gồm các tổ chức tín dụng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng; các tổ chức tài chính quy mô nhỏ; các ngân hàng, tổ chức tài chính được Chính phủ thành lập để thực hiện cho vay theo chính sách của Nhà nước.
+ Đối tượng được cấp tín dụng: Tổ chức, cá nhân được vay vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gồm hộ gia đình, hộ kinh doanh trên địa bàn nông thôn; cá nhân; chủ trang trại; các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn nông thôn; các tổ chức và cá nhân cung ứng dịch vụ phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản và doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp hoặc kinh doanh trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, cung ứng dịch vụ phi nông nghiệp, có cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nông thôn.
1.1.2.4. Công cụ của chính sách
Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được thực hiện thông qua 4 nhóm công cụ cơ bản:
a. Công cụ hành chính và tổ chức: là hệ thống văn bản pháp luật, kế hoạch
chính sách, quy hoạch của Nhà nước và hệ thống bộ máy tổ chức mà cơ quan thực thi chính sách sử dụng để việc thực thi chính sách trở nên hiệu quả hơn. Cụ thể:
+ Hệ thống văn bản pháp luật: Chính phủ ban hành Nghị định, Quyết định để đưa chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn vào thực tiễn. Trên cơ sở Nghị định, Quyết định của Chính phủ các Bộ, ban, ngành có liên quan như Bộ Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước ban hành các văn bản hướng dẫn (Quyết định, Thông tư, Công văn). Để triển khai chính sách thì các tổ chức tín dụng tự ban hành quy chế tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn phù hợp với tổ chức của mình trên cơ sở tham khảo các văn bản pháp luật liên quan.
+ Kế hoạch chính sách: Trên cơ sở mục tiêu của chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; các cơ quan thực thi xây dựng các mục tiêu và biện pháp cụ thể để đảm bảo cân đối nguồn lực nhằm mục đích đạt được các mục tiêu đề ra.
+ Quy hoạch của Nhà nước: Chính phủ ban hành quy hoạch phát triển ngành, vùng nông nghiệp, nông thôn để định hướng việc đầu tư tín dụng vào khu vực nông nghiệp, nông thôn.
+ Tổ chức bộ máy và cán bộ: Tổ chức thực hiện chính sách có vai trò đặc biệt quan trọng và quyết định đến kết quả và tính hiệu quả của chính sách. Chính phủ phải xác định được bộ máy tham gia vào việc thực thi chính sách. Đồng thời, các cơ quan tham gia vào việc thực thi chính sách phải xác định được các bộ phận, phòng ban đơn vị của mình tham gia vào việc thực thi chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
b. Công cụ kinh tế là các ngân sách, các quỹ, hệ thống đòn bẩy và khuyến khích kinh tế.
Đối với chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn công cụ kinh tế là công cụ rất quan trọng vì để việc thực thi chính sách thành công thì phải có nguồn vốn để thực hiện chính sách và phải đảm bảo các tổ chức tín dụng đạt được lợi nhuận từ việc thực thi chính sách. Nguồn vốn để thực hiện chính sách này bao gồm nguồn từ ngân sách Nhà nước theo hình thức Nhà nước cấp trực tiếp hoặc
cấp gián tiếp qua Ngân hàng Nhà nước để cho các tổ chức tín dụng vay, nguồn vốn của các tổ chức tín dụng, nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức tài chính quốc tế.
Để thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nhà nước sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ để khuyến khích hỗ trợ việc cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm khiển khai các công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn. Các công cụ Ngân hàng Nhà nước thường sử dụng là công cụ tái cấp vôn, dự trữ bắt buộc, công cụ lãi suất, nghiệp vụ thị trường mở.
Ngoài ra tùy vào đặc điểm về tình hình phát triển nông nghiệp, nông thôn trong từng giai đoạn Nhà nước sẽ quyết định việc sử dụng các công cụ kinh tế khác như công cụ lãi suất, công cụ thuế, bảo hiểm, giá cả...để khuyến khích các tổ chức tín dụng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
c. Công cụ giáo dục, tâm lý: Thông qua hệ thống thông tin đại chúng (báo
chí, truyền hình...), hệ thống thông tin chuyên ngành, hệ thống tư vấn chính sách, hội thảo...để tuyên truyền về chính sách, nâng cao nhận thức của toàn xã hội, nhận thức của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thực thi chính sách, nhận thức của các tổ chức tín dụng và các đối tượng được cấp tín dụng của chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm đảm bảo thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt kết quả cao và hiệu quả nhất.
d. Công cụ kỹ thuật, nghiệp vụ là các phương pháp, biện pháp quy trình và cách thức thực hiện chính sách, bao gồm:
• Xác định đối tượng,
• Quyết định chính sách,
• Kiểm tra chính sách,
• Theo dõi và tổng hợp báo cáo.
Các nghiệp vụ chính sách phải đảm bảo nguyên tắc công bằng, đơn giản, công khai, minh bạch, chính xác, kịp thời. Các nguyên tắc này phải được quán triệt ngay từ khi xây dựng và thể chế hóa các nghiệp vụ chính sách đối với cả quá trình tổ chức thực thi chính sách.
Các tổ chức tín dụng xây dựng nghiệp vụ cấp tín dụng của tổ chức mình trên cơ sở các quy định chung của Ngân hàng Nhà nước về quy chế cho vay trong
đó xác định rõ đối tượng được vay, cách chẩm điểm khách hàng, phương pháp thẩm định hiệu quả phương án kinh doanh và điều kiện để khách hàng được vay vốn.
Các phương pháp thống kê, so sánh...sẽ được các cơ quan thực thi chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn sử dụng để thực hiện chính sách.