Đặc điểm tự nhiên

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả kinh tế sản xuất mía nguyên liệu của hộ nông dân trên địa bàn xã thị hoa, huyện hạ lang, tỉnh cao bằng (Trang 40 - 42)

3.1.1.1 Vị trí địa lý

Thị Hoa là một xã vùng sâu vùng xa, nằm ở phía đông nam của huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng, cách trung tâm huyện 16 km.

Phía Đông và phía Nam tiếp giáp với huyện Long Châu- Trung Quốc Phía Bắc giáp với xã Thái Đức.

Phía Tây giáp với xã Cô Ngân.

Với vị trí địa lý như vậy là điều kiện thuận lợi cho xã Thị Hoa phát triển kinh tế. Đặc biệt là Xã Thị Hoa có tỉnh lộ 214 chạy qua theo chiều bắc- nam, kéo dài đến cửa khẩu Bí Hà trên địa phận xã, điều đó giúp người dân thuận lợi cho việc trao đổi buôn bán trực tiếp với Trung Quốc, một nước có nền kinh tế phát triển mạnh.

3.1.1.2 Địa hình

Địa hình của xã tương đối phức tạp, bởi có núi đá vôi chiếm khoảng 60% tổng diện tích. Tuy nhiên địa hình vùng trũng lại tương đối bằng phẳng bởi các thung lũng hẹp xen kẽ giữa các dãy đồi tạo ra một địa bàn thuận lợi cho việc phát triển kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn.

Đất đai Thị Hoa gồm các loại đất sau:

Đất đồi núi: là loại đất đỏ vàng, hiện tại số diện tích đất này đang được trồng mía, cây ăn quả và cây lâm nghiệp. Đất bằng: do quá trình canh tác đã biến đổi có nhiều đặc tính tốt, thành phần cơ giới thịt trung bình, loại đất này thích hợp cho các loại lúa và một số các loại hoa màu, rau đậu các loại.

3.1.1.3 Khí hậu

Do ảnh hưởng của vị trí địa lý và cấu trúc địa hình, đặc trưng khí hậu của xã Thị Hoa là khí hậu miền núi phân hóa theo độ cao, tạo ra những tiểu

vùng sinh thái nhiệt đới cho phép phát triển đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi. Có sự chênh lệch nhiệt độ cũng như độ ẩm không khí khá lớn giữa các mùa đặc biệt là mùa đông và mùa hè. Sự tương phản giữa hai mùa: Mùa đông lạnh khô và mùa hạ mưa là đặc trưng chung của các vùng trong huyện. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 22oC, nhiệt đô cao nhất vào mùa hạ là 36oC, nhiệt độ thấp nhất vào mùa đông là 2oC. Lượng mưa trung bình năm từ 1400-1600 mm/năm, khoảng 70% lượng mưa tập trung từ tháng 5 đến tháng 8 trong năm. Độ ẩm trung bình năm là 85%. Với điều kiện khí hậu như vậy rất phù hợp với các loại cây công nghiệp, cây ăn quả. Ở vùng đồi núi cao, ven suối thích hợp vơi các loại cây như Hồi, Quế; vùng thấp phù hợp với các loại cây ăn quả như: Nhãn, Vải, Cam, Hồng, Mác Mật...tuy nhiên vẫn còn những khó khăn thường gặp là trong mùa khô cây trồng rất thiếu nước, thêm vào đó lại chịu ảnh hưởng của sương muối làm ảnh hưởng rất lớn đến phát triển ngành nông nghiệp trên địa bàn của xã.

3.1.1.4 Thủy văn

Nguồn nước của xã Thị Hoa khá phong phú, trên địa bàn xã có hệ thống các suối nhỏ như suối Canh Thưn, Khơ Lẹp và suối Tà Cáp phân bố tương đối đều ở các khu vực trong địa bàn, đăc biệt là có một con sông lớn bắt nguồn từ biên giới Việt – Trung chạy qua địa bàn xã Thị Hoa, sau đó lại chạy về Trung Quốc. Chế độ thủy văn của các sông suối phụ thuộc vào chế độ mưa, mùa mưa lưu lượng nước dồn nhanh vào sông lớn, tạo nên dòng chảy lớn và xiết, mùa khô lưu lượng nước nhỏ, dòng chảy cạn kiệt, mực nước sông thấp.

Về nguồn nước ngầm, hiện dã phát hiện một số suối ngầm ở xã Thị Hoa. Tuy nhiên, do công tác thăm dò mới thực hiện bước đầu, nên việc đánh giá đầy đủ về nguồn nước ngầm và khả năng khai thác để phục vụ sản xuất, sinh hoạt còn phải được tiếp tục nghiên cứu.

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả kinh tế sản xuất mía nguyên liệu của hộ nông dân trên địa bàn xã thị hoa, huyện hạ lang, tỉnh cao bằng (Trang 40 - 42)