3.2.1. Nhóm giải pháp về dấu hiệu cảnh báo trong hoạt động quản trị rủi ro tín dụng ro tín dụng
Để hoạt động quản trị rủi ro có hiệu quả, giảm thiểu tốn thất có thể xảy ra, VCB Vinh cần chú trọng các giải pháp liên quan đến các khoản nợ có vấn đề. Trong đó, các dấu hiệu cảnh báo cần đề cập có hai nhóm chính sau đây:
3.2.1.1. Nhóm dấu hiệu liên quan đến mối quan hệ ngân hàng
Đây là nhóm dấu hiệu dễ nhận biết nhất, có tác động trực tiếp, với tốc độ nhanh và trong khoảng thời gian ngắn đến chất lượng tín dụng, có thể chuyển từ trạng thái bình thường lên cấp độ rủi ro cao, do đó đòi hỏi những phản ứng nhanh, tích cực và hiệu quả. Nhóm này còn gọi là dấu hiệu cảnh báo sớm, bao gồm các dấu hiệu sau:
- Trì hoãn hoặc gây khó khăn, trở ngại đối với ngân hàng trong quá trình kiểm tra theo định kỳ hoặc đột xuất tình hình sử dụng vốn vay, tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh mà khách hàng không giải thích một cách thuyết phục.
- Chậm gửi hoặc trì hoãn các báo cáo tài chính theo yêu cầu mà khách hàng không giải thích thuyết phục.
- Đề nghị gia hạn hoặc điều chỉnh kỳ hạn nhiều lần không có lý do chính đáng.
- Sự sụt giảm bất thường số dư tài khoản tiền gửi tại ngân hàng. - Chậm thanh toán các khoản lãi đến hạn.
- Thanh toán nợ gốc không đầy đủ, đúng hạn.
- Mức độ vay thường xuyên gia tăng, yêu cầu các khoản vay vượt nhu cầu dự kiến.
- Các dấu hiệu cho thấy khách hàng trông chờ vào thu nhập bất thường không phải từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính hoặc từ hoạt động được đề xuất trong phương án xin vay.
- Có dấu hiệu tìm kiếm sự tài trợ nguồn vốn lưu động từ nhiều nguồn, đặc biệt từ đối thủ cạnh tranh của ngân hàng.
- Sử dụng tài trợ ngắn hạn cho hoạt động trung dài hạn.
- Chấp nhận sử dụng các nguồn tài trợ giá cao với mọi điều kiện.
3.2.1.2. Nhóm dấu hiệu liên quan đến mối quan hệ ngoài ngân hàng
Nhóm dấu hiệu này có tác động trực tiếp đến chất lượng tín dụng nhưng với độ trễ lớn hơn. Các dấu hiệu này được rút ra từ chính bản thân hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng và không dễ nhận biết nếu thiếu sự quản lý chặt chẽ sâu sát của cán bộ ngân hàng. Nhóm này bao gồm các dấu hiệu sau:
- Độ lệch giữa doanh thu hay dòng tiền thực tế so với mức dự kiến khi khách hàng đề nghị cấp tín dụng.
- Những thay đổi bất lợi trong cơ cấu vốn, tỷ lệ thanh khoản hay mức độ hoạt động của khách hàng như: Sự gia tăng đột biến của tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu; Tỷ lệ khả năng thanh toán nhanh và thanh toán tức thời có dấu hiệu giảm sút liên tục; Giảm các khoản phải trả và tăng nhanh các khoản phải thu, hàng tồn kho với cường độ lớn, sự gia tăng không cân đối về tỷ lệ nợ thường xuyên, giảm quỹ tiền mặt, tăng doanh thu nhưng giảm lợi nhuận hoặc không có.
- Dấu hiệu ngày càng nhiều các chi phí bất hợp lý như phát triển đột biến chi phí quảng cáo, tiếp khách,…
- Thay đổi thường xuyên cơ cấu quản trị và điều hành.
- Xuất hiện bất đồng và mâu thuẫn trong bộ máy quản trị và điều hành, tranh chấp trong quá trình quản lý.
- Khó khăn trong quản lý phát triển sản phẩm và dịch vụ mới.
- Xuất hiện dấu hiện hội chứng hợp đồng lớn: Sẵn sàng từ bỏ các hợp đồng nhỏ nhưng có khả năng thu được tỷ suất lợi nhuận cao để tìm kiếm các hợp đồng có giá trị lớn với các bạn hàng có tên tuổi dù lợi nhuận có khả năng thấp hơn; Sẵn sàng cắt giảm lợi nhuận để đạt các hợp đồng lớn, theo đuổi các chiến lược “mượn thương hiệu”, “nước nổi thuyền nổi”.
- Xuất hiện hội chứng sản phẩm đẹp: Mải theo đuổi các sản phẩm không thích hợp về mặt thời gian và năng lực hiện tại mà không chú ý đến các yếu tố khác.
- Những thay đổi về chính sách của Nhà nước như tác động của thuế, xuất nhập khẩu, thay đổi các biến số kinh tế vĩ mô: Tỷ giá, lãi suất, thay đổi công nghệ sản xuất,… tác động bất lợi đến chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh của khách hàng.