Định hướng hoạt động tín dụng của VCB Vinh thời gian tới

Một phần của tài liệu Quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - chi nhánh Vinh (Trang 70)

- Với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của hệ thống các Ngân hàng thương mại trên địa bàn nên VCB Vinh cần phải đẩy mạnh công tác huy động vốn nhằm phát triển nguồn vốn huy động hiện có, trong đó chú trọng tăng trưởng nguồn vốn Đồng Việt Nam, duy trì tăng trưởng bình quân hàng năm từ 10-15%.

- Quyết tâm giữ vững và phát triển hình ảnh, thương hiệu của VCB nói chung và của VCB Vinh nói riêng, xây dựng thành công phong cách giao dịch văn minh, văn hóa đối với Chi nhánh VCB Vinh, tạo hình ảnh và địa chỉ tin cậy của mọi khách hàng giao dịch, nhằm mở rộng thị phần.

- Chủ động, ổn định và tăng trưởng vững chắc nguồn vốn. Tiếp tục cải thiện cơ cấu nguồn vốn nói chung và vốn huy động nói riêng, ổn định và tăng trưởng vốn tiền gửi các tổ chức kinh tế, tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ, nhằm tạo ra mức lãi suất đầu vào bình quân ổn định, hợp lý có lợi cho nền kinh tế và bản thân chi nhánh.

- Nguyên tắc chung về chính sách tín dụng: Chính sách tín dụng nhằm đảm bảo việc cấp tín dụng cho khách hàng tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc:

+ Tuân thủ pháp luật: Tất cả cán bộ, nhân viên có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động tín dụng và các quy định có liên quan. Việc cấp tín dụng cho khách hàng dựa trên cơ sở lợi ích chính đáng và hợp pháp của Ngân hàng TMCPNT Việt Nam nói chung và của VCB Vinh nói riêng, không được lợi dụng tài sản và uy tín của VCB vì mục đích cá nhân trong hoạt động tín dụng;

+ Phù hợp với chiến lược hoạt động kinh doanh của VCB Vinh trong từng thời kỳ: Mở rộng và phát triển tín dụng phải dựa trên cơ sở chiến lược, định hướng kinh doanh tại từng thời kỳ và có sự kết hợp với các bộ phận khác trong hệ thống, trong chi nhánh;

+ Quan điểm bình đẳng và hướng tới khách hàng: Trong cấp tín dụng, VCB Vinh thống nhất chính sách khách hàng, không phân biệt thành phần kinh tế, hình thức sở hữu (ngoại trừ trường hợp cấp tín dụng theo chỉ định của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước) phù hợp với hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường. Các ưu đãi trong tín dụng chỉ căn cứ vào năng lực tài chính, uy tín, mức độ rủi ro và thiện chí trả nợ của bản thân khách hàng;

+ Đề cao trách nhiệm cá nhân: VCB Vinh đề cao trách nhiệm cá nhân nhằm nâng cao tính minh bạch và chất lượng trong hoạt động tín dụng. Các cá nhân được giao quyền quyết định phải tự chịu trách nhiệm trước hết đối với quyết định của mình.

- Tăng cường kiểm soát chất lượng hoạt động tín dụng, tích cực thu hồi nợ xấu để giảm dần tỷ lệ nợ xấu. Tiến hành phân loại khách hàng và đối tượng vay vốn để cơ cấu lại danh mục đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động tín dụng. Đồng thời cần phải kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ quy trình cho vay, tăng cường kiểm tra sau khi vay để hạn chế nợ xấu phát sinh mới. Phấn đấu mức tăng trưởng tín dụng bình quân hàng năm từ 10-15%, và đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 2,2%.

- Nghiêm túc tuân thủ theo các quy trình cho vay, các văn bản chỉ đạo của NHNN cũng như của Ngân hàng TMCPNT VN về các chính sách rủi ro tín dụng, để nhằm hạn chế rủi ro tín dụng ở mức thấp nhất.

- Tiếp tục thực hiện chiến lược đa dạng hóa danh mục theo hướng tránh cho vay tập trung vào một số khách hàng lớn, tăng tỷ lệ cho vay đối với thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, đặc biệt chú trọng cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời tăng cường cho vay có đảm bảo bằng tải sản đạt mức 70% so với tổng dư nợ.

- Tích cực tìm kiếm các dự án đầu tư mới để nâng dần tỷ trọng dư nợ trung, dài hạn. Về định hướng khách hàng mới, cần chú trọng đối tượng khách hàng là

các công ty cổ phần, công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân và các hộ cá thể vì các đối tượng này thường có tài sản đảm bảo 100% cho dư nợ vay, nhằm giảm thiểu rủi ro.

- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, đảm bảo tuân thủ quy trình nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động ngân hàng. Tiếp tục thực hiện việc ứng dụng các mô thức quản lý theo chuẩn mực quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực quản lý điều hành.

- Tăng cường các hoạt động marketing để củng cố và không ngừng mở rộng đội ngũ khách hàng, xây dựng chính sách khách hàng đồng bộ và hữu hiệu để thu hút khách hàng nhằm tăng thị phần của Chi nhánh nhất là đối với các lĩnh vực là thế mạnh truyền thống của Vietcobank như kinh doanh ngoại tệ, kinh doanh thẻ, thanh toán XNK và kiều hối. Phấn đấu đạt kế hoạch Trung ương giao về thanh toán XNK, dịch vụ ngân hàng bán lẻ, kinh doanh thẻ và dịch vụ chuyển tiền.

- Tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả và năng suất lao động. Đồng thời chú trọng giáo dục tư tưởng và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ công nhân viên, đặc biệt là đối với những nhân viên mới tuyển dụng.

- Coi trọng việc đầu tư đổi mới công nghệ, hiện đại hóa ngân hàng, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ khách hàng;

- Phấn đấu đạt mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân hàng năm từ 25-30%.

- Cơ cấu lại dư nợ tín dụng theo ngành nghề để phát triển và tăng trưởng tín dụng một cách hợp lý, thận trọng và an toàn vốn trong thời kỳ kinh tế suy giảm như hiện nay, hạn chế cho vay các lĩnh vực nhiều rủi ro, kiểm soát cho vay kinh doanh bất động sản và kinh doanh chứng khoán, tập trung xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu phát sinh mới.

Một phần của tài liệu Quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - chi nhánh Vinh (Trang 70)