Kích thước u ảnh hưởng đến tiên lượng của bệnh nhân. Nếu cùng một típ mô bệnh học, u có kích thước càng lớn tiên lượng càng xấu [dẫn theo 18]. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy u có kích thước ≤3cm chiếm tỉ lệ
cao nhất 56,3%, tiếp đến là u có kích thước 3–5cm chiếm 31,2% và u có kích thước >5cm chiếm tỷ lệ thấp nhất 12,5%.
Theo Ngô Thế Quân (2007), trong số 1087 trường hợp được nghiên cứu u có kích thước ≤ 3cm chiếm tỉ lệ rất thấp 6,81%, u có kích thước 3–6cm chiếm tỉ lệ cao nhất 67,43% và u có kích thước > 6cm chiếm tỉ lệ 25,76% . Nhìn chung trên 90% khối u có kích thước trên 3cm [46]. Nghiên cứu của Nguyễn Quang Đợi (2008) thấy tỷ lệ u có kích thước ≤3cm chiếm 19,1%, u có kích thước 3-6cm chiếm tỉ lệ cao nhất (52,9%), u có kích thước >6cm chiếm 16,2%, và không xác định được kích thước u chiếm 11,8% [52]. Theo Hsu và cộng sự năm 2011, nhóm u có kích thước ≤3cm chiếm 21,6% [51]. Kết quả nghiên cứu của Lin và cộng sự năm 2006, u có kích thước ≤2cm chiếm 23%, u có kích thước >2cm chiếm 77% [53].
Như vậy, kết quả nghiên cứu của chúng tôi có sự khác biệt so với kết quả của các tác giả nêu trên. Trong nghiên cứu của chúng tôi, u có kích thước ≤3cm chiếm tỉ lệ cao nhất còn trong nghiên cứu của các tác giả khác u có kích thước ≤3cm chiếm tỷ lệ rất thấp. Tuy nhiên kết quả này tương tự với kết quả nghiên cứu gần đây của Phùng Quang Thịnh (2012) trên 96 bệnh nhân: u có kích thước ≤3cm là 53,1%, u có kích thước 3–5cm chiếm 31,2% và u có kích thước >5cm chỉ chiếm 12,6% [47]. Từ các kết quả nghiên cứu nêu trên cho thấy xu hướng khối u được phát hiện ngày càng sớm khi kích thước u còn nhỏ. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tế hiện nay khi mà các phương tiện và kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, sinh hóa phát triển mạnh mẽ đạt được rất nhiều thành tựu to lớn trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Thêm vào đó, ý thức quan tâm sức khỏe của người dân ngày càng tăng dẫn tới tăng khả năng phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm khi khối u còn nhỏ và chưa biểu hiện triệu chứng.