II. LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN MAGMA KIẾN TẠO VIỆT NAM
7. Giai đoạn Cenozoi muộn
Giai đoạn này khởi đầu khi mảng Indostan - Australia va chạm với mảng Âu - Á, làm nảy sinh đai tạo núi Alpi Hymalaya và tác động lan truyền đến tất cả các kiến trúc của lục địa Đông Nam Á và các biển rìa kế cận. Tác động này làm nảy sinh cơ chế kiến tạo thúc trồi (Tapponier et al, 1982) với biểu hiện các kiến trúc lục địa (các địa khu, các khối, các vi mảng) đã bị đẩy xoay và dịch chuyển theo các hệ thống đứt gãy trượt bằng theo các phương khác nhau, tạo ra các đới căng dãn vỏ lục địa, tạo tiền đề cho quá trình sinh rift nội lục diễn ra mạnh mẽ trong thời đoạn tiếp sau. Các rift này phát triển thành các bồn trũng chủ yếu của thềm lục địa Việt Nam.
Một sự kiện kiến tạo lớn xảy ra tiếp theo trong giai đoạn này là việc hình thành kiến trúc đại dương Biển Đông Việt Nam vào quãng 32 ÷ 15.5 tr.n trước đây bằng con đường giãn đáy đại dương nối tiếp sau các quá trình sinh rift lục địa.
Trên phạm vi các kiến trúc lục địa cũng xảy ra việc hình thành các bồn trũng Cenozoi chủ yếu dọc theo các hệ thống đứt gãy trượt bằng lớn (Sông Hồng, Sông Chảy, Cao Bằng - Tiên Yên, Sông Cả, Sông Ba, Sông Cửu Long, v.v…).
Các hoạt động mạnh kiểu nội mảng còn được duy trì bằng các hoạt động của plum manti. Chúng được thể hiện bằng sự tạo thành các lớp phủ basalt rộng lớn suốt từ Miocen muộn đến nay, đặc biệt là trên địa khu Indosinia. Không những thế còn có biểu hiện magma xâm nhập có thành phần mafic (phức hệ Mậu A) và thành phần acid (phức hệ Tân Hương, Bản Chiềng) có liên quan tới các đới dịch trượt (shear zone) Sông Hồng và Quỳ Châu. Các biểu hiện phun trào còn tiếp tục biểu hiện trong thời kỳ hiện đại (đảo Hòn Tro năm 1923).