II. LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN MAGMA KIẾN TẠO VIỆT NAM
2. Giai đoạn Paleo-Mesoproterozo
Trong lịch sử phát triển kiến tạo thế giới vào đầu Proterezoi đã xuất hiện toàn diện yếu tố mới, đó là các nền cổ (Proto-platform) và các đai động chính. Riêng ở Đông Nam Á lại có đặc trưng khác biệt. Các thành tạo biến chất tuổi Paleoproterozoi và Mesoproterozoi tạo nên khối lượng chủ yếu của móng uốn nếp các địa khối Tiền Cambri. Điều này chứng tỏ trong Proterozoi sớm và giữa vẫn tồn tại các kiến trúc động Tiền Cambri. Cụ thể là các kiến trúc Sông Hồng, Fansipan, Sông Chảy, Nậm Cô, Phu Hoạt, Kon Tum.
Tài liệu hiện có chưa cho phép định vị cụ thể các kiến trúc này vào thời gian tương ứng. Tuy nhiên các kết quả nghiên cứu thạch sinh và các phức hệ thạch kiến tạo cho thấy các kiến trúc Sông Hồng, Fansipan, Ngọc Linh (Sông Re) có dáng dấp của các cung núi lửa cổ, các kiến trúc Sông Chảy, Nậm Cô, Khâm Đức có lẽ chỉ là di chỉ của các kiến trúc biển rìa cổ, gắn bó chặt chẽ với các kiến trúc kiểu cung núi lửa vừa nêu. Có thể dự đoán là các kiến trúc Sông Hồng, Fansipan, Nậm Cô, Sông Chảy nguyên nằm trong đai rìa của hạt nhân lục địa cổ - craton Dương Tử; còn các kiến trúc Ngọc Linh (Sông Re), Khâm Đức nằm trong đai rìa của craton Indosinia. Ở khu vực Sông Re thuộc khối nhô Kon Tum các thành tạo phun trào bị biến chất có thành phần chủ yếu là mafic thuộc phần dưới của mặt cắt hệ tầng Sơn Kỳ (loạt Sông Re) được sinh thành trong bối cảnh cung đảo núi lửa cổ vào Paleoproterozoi (Nguyễn Xuân Bao và nnk, 2000).
Đối sánh với các địa khu Tiền Cambri của thế giới cho thấy khả năng nhận biết một số đặc điểm về các kiến trúc Proterozoi sớm - giữa vừa nêu. Theo tài liệu của Zhao G. và nnk (2002) vào ngưỡng 2100 ÷ 1800 tr.n đã xuất hiện nhiều đai sinh núi phân bố rải rác trên toàn bộ các craton cổ của địa cầu được qui tụ lại thành “siêu lục địa Columbia”. Riêng ở khu vực Đông Gondwana (gồm châu Nam Cực, Austraylia, Indostan) cũng tồn tại các đai tạo núi Paleo-Mesoproterozoi (với các protolit trầm tích có thể tuổi NeoArkei) phân bố liên tục bao quanh các địa khu granulit Arkei (Yoshida và Santosh, 1995). Hoạt động biến chất và cải biến kiến trúc vào Mesoproterozoi được coi là tác nhân quan trọng dẫn đến việc trẻ hoá và tái
tạo các phức hệ granulit Arkei. Theo Nguyễn Xuân Bao (2000) có thể phức hệ granulit Kan Nack là một bộ phận của các đai tạo núi và đới Kom Tum đã trải qua các biến cố lịch sử vừa nêu. Tương tự như vậy, khi chấp nhận các craton cổ Bắc Trung Hoa, Nam Trung Hoa, Indosinia,… nguyên là tổ phần của siêu lục địa Gondwana thì các kiến trúc Sông Hồng, Fansipan cũng có những đặc điểm lịch sử tương tự như đối với các kiến trúc Đông Gondwana vừa mô tả ở trên. Các đai tạo núi Mesoproterozoi là kết quả của các quá trình đụng độ của các cung đảo với các craton cổ. Sản phẩm của quá trình này có thể là các tổ hợp đồng va chạm (syn- Collision) granitogneis, granit migmatit của phức hệ Tà Ma và muộn hơn - tổ hợp sau va chạm (post-Collision) granit giàu microclin Bản Ngậm ở kiến trúc Fansipan.
Do kết quả suy thoái và đóng kín các kiến trúc đại dương Paleoproterozoi vào đầu Mesoproterozoi, các khối lục địa cổ đã dồn kết lại thành siêu lục địa, được gọi tên là Pangei I hay Megagei. Từ ngưỡng giữa Mesoproterozoi (≈ 1350 tr.n) các quá trình huỷ hoại Pangei I đã tăng lên mạnh kéo dài đến cuối Mesoproterozoi tạo ra kiến trúc qui mô hành tinh là đai Grenville. Đai này kết thúc hoạt động bằng hai nhịp nén ép mạnh, biến chất biên độ cao, tiêm nhập các xâm nhập granitoid và anorthosit vào các ngưỡng 1100 tr.n và 950 tr.n. Tạo núi Grenville có vai trò lớn trong sự phát triển các kiến trúc Tiền Cambri, đặc biệt là tạo nên móng của các nền cổ Australia, Indostan, Bắc Mỹ và Đông Âu. Đáng chú ý là rìa tích cực của Pangei I trong Mesoproterozoi chỉ biểu hiện ở đông nam lục địa Á Châu - Nam Trung Quốc và Việt Nam (Lê Duy Bách, 1985; Khain và nnk, 1997).