Giai đoạn Paleozoi muộ n Mesozoi sớm

Một phần của tài liệu CÁC GIAI đoạn HOẠT ĐỘNG MAGMA ở VIỆT NAM (Trang 31 - 33)

II. LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN MAGMA KIẾN TẠO VIỆT NAM

5. Giai đoạn Paleozoi muộ n Mesozoi sớm

Các tài liệu cổ sinh cho biết trong Paleozoi muộn các địa khu Nam Trung Hoa và Indosinia không còn mối liên hệ về động vật và thực vật với lục địa Gondwana vì chúng đã bị cắt rời khỏi Gondwana từ sau Devon muộn. Quá trình phân ly và phiêu di này đã dẫn đến hình thành hệ động - thực vật Cathaysia riêng đối lập với hệ động - thực vật Gondwana. Hai hệ này bị đại dương Paleotethys ngăn chia. Vào giai đoạn này quan sát thấy sự tương phản gắt gao hơn của chế độ địa động lực đã từng tồn tại ở thạch quyển Việt Nam và các vùng kế cận. Chúng thể hiện hai quá trình cơ bản của kiến tạo hành tinh là quá trình phát triển các đai động Tethys và Pacific sóng đôi với quá trình biến cải nhiệt và huỷ hoại các kiến trúc cổ bằng sinh rift.

Các bối cảnh địa động lực ngày càng phân dị rõ ràng trong các kiến trúc của thạch quyển Việt Nam và kế cận. Trên phạm vi đai động Cathaysia, sau khi các kiến trúc động kiểu đại dương kết thúc hoạt động vào Devon bởi biến hoạ Caledoni hầu hết các kiến trúc của đai đã chuyển sang chế độ sau va chạm. Duy chỉ có đôi nơi còn sót lại các tàn dư đới động dọc rìa ngoài của lục địa Cathaysia vừa được tăng trưởng bằng kết dựng các phức hệ uốn nếp Caleodoni.

Các kiến trúc của đai động Trường Sơn tiếp tục thể hiện sự phát triển khác nhau về các bối cảnh địa động lực. Kiến trúc đại dương Sông Mã bước vào thời kỳ chúc chìm và sau đó là va chạm vào Permi sớm, mở rộng hoạt động biến chất và uốn nếp biến dạng chờm vảy, trong đó có trườn chờm (obduction) các đá của hợp tạo ophiolit lên rìa của tiều lục địa Nậm Cô. Còn ở kiến trúc Mường Tè đã hình thành cung núi lửa (hệ tầng Sông Đà) với các thành tạo xâm nhập đồng magma (diorit, granodiorit và granit phức hệ Điện Biên) thuộc kiểu granit cung núi lửa (VAG).

Trên khối nâng Kon Tum từ cuối Carbon đã bắt đầu xuất hiện mạnh mẽ chế độ rìa lục địa tích cực với sự biểu hiện khá rầm rộ các xâm nhập granitoid vôi - kiềm (phức hệ Bến Giằng, 300 ÷ 280 tr.n). Đáng chú ý là ở kiến trúc Srepock (phía

tây nam khối nâng Kon Tum theo vị thế hiện tại), có xuất hiện một kiến trúc kiểu cung đảo qui mô bé với sự thành tạo các turbidit nước sâu và phun trào andesit (hệ tầng Đak Lin). Điều này cho thấy mức độ trưởng thành của kiến trúc kiểu đại dương Srepock. Xa hơn về phía bắc trên địa phận rìa tây bắc của kiến trúc Long Đại cũng xuất hiện bối cảnh rìa tích cực với sự thành tạo các tổ hợp basalt, andesit và tuf (hệ tầng Động Toàn).

Địa khu Sibumasu được tách ra khỏi Gondwana từ Permi sớm đã phiêu di đến gần hơn với địa khu Indosinia. Quá trình chúc chìm mạnh mẽ xảy ra giữa địa khu này đã tác động mạnh đến địa khu Indosinia và nhất là đai động Trường Sơn.

Thời kỳ Permi muộn - Trias sớm dược đặc trưng bởi sự tăng cường mạnh mẽ và đồng thời các chế độ địa động lực rìa mảng và nội mảng. Vào cuối Permi trên nhiều vùng rộng lớn của Paleotethys đã tăng cường quá trình hút chìm ở các rìa của nó với việc hình thành các phức hệ thạch kiến tạo kiểu cung núi lửa và rìa lục địa tích cực. Quá trình này tiếp tục tiếp diễn trong Trias và tiến đến va chạm các cung đảo với các kiến trúc lục địa kế cận vào cuối Trias.

Quá trình va chạm giữa hai địa khu Indosinia và Sibumasu được tăng cường do chúc chìm của Paleotethys. Các kiến trúc động kiểu đại dương của đai động Trường Sơn tiến đến thời kỳ kết thúc trong biến họa Indosinia. Cùng lúc đã diễn ra quá trình huỷ hoại và sinh rift nội mảng lục địa dẫn đến tạo ra một phổ kiến trúc Mesozoi sớm rất đa dạng trên địa phận các đai động Trường Sơn và Cathaysia, cũng như ở địa khu Indosinia.

Tạo núi Indosini sớm đã tạo ra đai uốn nếp Trường Sơn. Một thành tạo quan trọng được sinh thành là tổ hợp granitoid kiểu S (phức hệ Trường Sơn). Ảnh hưởng của tạo núi này đã tác động và làm tăng cường các hoạt động huỷ hoại tách giãn kiểu sinh rift nội lục trên diện cả hai đai động Trường Sơn và Cathaysia. Đã hình thành kiểu kiến trúc rift nội lục với các di chỉ là tổ hợp đá núi lửa basalt và tuf (hệ tầng Cẩm Thuỷ, Viên Nam), và xâm nhập siêu mafic peridotit, verlit, dunit (các phức hệ Bản Xang, Ba Vì) thuộc kiến trúc Sông Đà. Kiến trúc Sông Đà có đặc điểm phát triển khá đặc biệt, được đặc trưng bởi hoạt động núi lửa thành phần mafic trong Permi muộn - Trias sớm được chia thành hai loạt: basalt cao magnes thấp titan và kiềm (tương ứng kiểu komatit) và basalt cao titan, cao kiềm. Kiến trúc này tiếp tục phát triển mạnh trong Trias giữa - muộn (Ladini - Carni) với bối cảnh biển sâu. Do tác động của kiến sinh Indosini vào cuối Permi - đầu Trias muộn kiến trúc Sông Đà đã khép kín bởi tạo núi Indosini muộn.

Trong Trias giữa - muộn đã hình thành dứt khoát các kiến trúc động nội lục Sông Hiến, An Châu, Sầm Nưa, Sông Bung, An Khê với việc bùng nổ các hoạt động núi lửa thành phần dacit, ryodacit, ryolit (trong các hệ tầng Sông Hiến, Đồng Trầu, Măng Yang, Sông Bung) và các thành tạo xâm nhập đồng magma (comagmatic) granit - granophyr, granit porphyr (các phức hệ Núi Điệng, Sông Mã, Vân Canh). Trong khu vực tây nam địa khu Indosinia (khu vực Tây Nam Bộ) ghi nhận được sự biểu hiện ồ ạt các đá núi lửa thành phần acid (ryolit, porphyr thạch anh, felsit) xen kẽ với đá phiến silic, đá phiến sét, cát kết tuf của hệ tầng Núi Cọp tuổi Trias giữa. Chúng được nảy sinh trong các kiến trúc kiểu lục địa và á lục địa

(cung đảo ensialic) đã bị thoái hóa và mỏng đi với sự tham gia của cơ chế sâu ( Duy Bách và nnk, 1996).

Tạo núi Indosini đóng vai trò rất quan trọng trong lịch sử phát triển kiến tạo Việt Nam. Quá trình tương tác và đụng độ giữa các địa khu và các địa khối cố kết sớm dẫn đến đóng kín nhanh các đại dương Paleotethys, kết thúc hoạt động của các đai động, đã gây ra những biến đổi lớn lao trong bình đồ kiến trúc của thạch quyển Việt Nam. Chúng được thể hiện ở việc xuất hiện các đai núi uốn nếp kiểu Trường Sơn, các đai biến chất - hoạt hoá nhiệt thể hiện ở các khu vực tập trung các thành tạo xâm nhập kiểu sau đụng độ (post-collision) và “plum”, các đới biến dạng và hoạt hoá các đới phá huỷ - đứt gãy cổ. Chúng bao cuốn trong mình hầu như tất cả các thế hệ vật chất - kiến trúc đã được sinh thành từ Tiền Cambri đến đầu Trias muộn.

Một phần của tài liệu CÁC GIAI đoạn HOẠT ĐỘNG MAGMA ở VIỆT NAM (Trang 31 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(36 trang)
w