II. LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN MAGMA KIẾN TẠO VIỆT NAM
3. Giai đoạn Neoproterozoi Cambri sớm
Trong lịch sử phát triển kiến tạo của vỏ Trái đất giai đoạn Neoproterozoi (1100 ÷ 540 tr.n) được xem là thời kỳ tái tạo rộng lớn và toàn diện bình đồ kiến trúc thạch quyển Trái đất - phân rã Pangei I và bắt đầu mở các đại dương Paleozoi. Với sự xuất hiện của đai động Prototethys vào Neoproterozoi Pangei I bị chia làm đôi: phía bắc là Lavrazia và phía nam là Gondwana. Tiếp ngay sau đó hai khối lục đia này cũng bị chia cắt. Sự chia cắt trên khối lục địa Gondwana thể hiện rõ nhất là việc thành tạo đai động Ả Rập - Mozambic, làm tách rời Tây Gondwana (gồm Nam Mỹ, Châu Phi) với Đông Gondwana (gồm Indostan - Australia, châu Nam Cực). Đai động này hòa nhập với Prototethys về phía bắc.
Kết quả nghiên cứu của thập kỷ 90 thế kỷ trước đã xuất hiện luận thuyết về sự thành tạo “siêu lục địa Rodinia” bao gồm Bắc Mỹ (Lavrentia) và Đông Gondwana (Australia, Châu Nam Cực, Indostan). Siêu lục địa này bắt đầu trải qua sinh rift lục địa vào khoảng 850 ÷ 800 tr.n. Các rift này chuyển biến sang tách giãn đáy (Spreading) và cuối cùng dẫn đến thành tạo đại dương tựa như Thái Bình Dương hiện tại. Gondwana được chính thức tạo nên khi đóng kín đại dương Mozambic và hợp nhất Tây và Đông Gondwana vào quãng 600 tr.n. trở về trước. Đây cũng là lúc biểu hiện rộng rãi các pha tạo núi Pan - African (toàn Phi ở Gondwana), Baicali (ở Nga) và Brazili (ở Nam Mỹ). Các rìa của các lục địa Lavrazia và Gondwana hướng vào Protopacific (sau này là các đai Ural - Okhotsk) hầu như đều phát triển kiểu thụ động vào Neoproterozoi. Duy chỉ có lục địa Đông Nam Á, vẫn như thời Mezoproterozoi và Ả Rập đặc trưng bởi chế độ rìa tích cực.
Những biến cố tương tự đã được nhận dạng bằng các di chỉ (tổ hợp thạch kiến tạo) trong bình đồ kiến trúc hiện đại của thạch quyển Việt Nam: chứng tích của vỏ đại dương mới tạo được ghi nhận ở kiến trúc Sông Mã bằng các hợp tạo ophiolit tuổi Neoproterozoi. Kiến trúc này được nảy sinh bằng cơ chế sinh rift trong các khối lục địa Tiền Cambri nguyên là thành viên của siêu lục địa Rodinia và sau đó là Gondwanaland phát triển đến giãn đáy tạo các kiến trúc kiểu đại dương mới thuộc đai động Prototethys.
Tổ hợp ophiolit ở kiến trúc Sông Mã (siêu mafic phức hệ Núi Nưa - Pắc Nậm, mafic phức hệ Bó Xinh và plagiogranit phức hệ Chiềng Sơ) là di chỉ của kiến trúc đại dương nguyên là các tổ phần của Prototethys. Chúng là di chứng của sự khởi đầu hình thành đai động đa kỳ Trường Sơn (Việt Lào). Kiến trúc đại dương Sông Mã có lẽ còn tiếp tục phát triển sang giai đoạn Paleozoi sớm - giữa. Còn kiến trúc Khâm Đức bắt đầu chuyển qua thời kỳ đụng độ tạo núi với di chỉ là tổ hợp thạch kiến tạo đồng va chạm (granittogneis, granit - migmatit phức hệ Chu Lai). Như vậy, một nhánh của Prototethys đã khép kín và cố kết làm tăng trưởng rìa bắc (theo tọa độ hiện tại) của địa khu Indosinia. Thế nhưng, hoạt tính của đai động Trường Sơn (Việt Lào) tiếp tục di chuyển về phía bắc, thể hiện ở sự hoạt động của cung núi lửa Long Đại (sẽ đề cập ở giai đoạn sau, PZ1-2).
Việc nảy sinh các đai động Cathaysia và Trường Sơn đã chia tách địa khu Nam Trung Hoa và địa khu Indosinia, khởi đầu sự tách rời địa khu Nam Trung Hoa khỏi Gondwananland và phiêu trượt về phía lục địa Lavrazia.