Mất mát đa dạng sinh học đã và đang là mối lo chung của nhân loại. Trong nhiều nguyên nhân gây tổn thất đa dạng sinh học, các loài sinh vật ngoại lai xâm hại được coi là một trong những mối đe doạ nguy hiểm nhất. Nhận ra được điều này, Công ước Đa dạng Sinh học đã dành hẳn một khoản trong điều 8, để kêu gọi các bên tham gia Công ước: "Ngăn chặn sự du nhập, kiểm soát hoặc diệt trừ các loài ngoại lai gây hại cho các hệ sinh thái, nơi sống hoặc các loài sinh vật bản địa"
Sinh vật ngoại lai xâm hại trước hết là những loài không có nguồn gốc bản địa. Khi được đưa đến một môi trường mới, một loài ngoại lai có thể không thích nghi được với điều kiện sống và do đó không tồn tại được. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khác, do thiếu vắng các đối thủ cạnh tranh và thiên địch như ở quê nhà cùng với điều kiện sống thuận lợi, các loài này có điều kiện sinh sôi nảy nở rất nhanh và đến một lúc nào đó phá vỡ cân bằng sinh thái bản địa và vượt khỏi tầm kiểm soát của con người. Lúc này nó trở thành loài ngoại lai xâm hại.
Sinh vật ngoại lai có thể xâm nhập vào một môi trường sống mới bằng nhiều cách. Nó có thể đi theo con đường tự nhiên như theo gió, dòng biển và bám theo các loài di cư, nhưng quan trọng hơn cả là do hoạt động của con người. Cùng với sự
phát triển của giao thông vận tải và hoạt động thông thương, con người đã mang theo, một cách vô tình hay hữu ý, các loài sinh vật từ nơi này đến nơi khác thậm chí đến những vùng rất xa quê hương của chúng. Việc kiểm soát sự du nhập của chúng là rất khó, đặc biệt là đối với các trường hợp du nhập một cách vô thức. Các loài này có thể trà trộn trong hàng hoá, sống trong nước dằn tàu, bám vào các phương tiện vận tải như tàu thuyền và nhờ đó được mang đến đến môi trường sống mới. Nhiều loài được du nhập một cách có chủ ý cho các mục đích kinh tế, giải trí, khoa học nhưng do không được kiểm tra và kiểm soát tốt đã bùng phát và gây ra nhiều tác hại nặng nề.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã chi phí nhiều triệu đô la Mỹ cho việc ngăn chặn và tiêu diệt những loài lạ xâm nhập vào lãnh thổ của họ gây nguy cơ dịch bệnh, phá hoại nền sản xuất nông nghiệp, phá vỡ cơ cấu sử dụng đất canh tác... Ở nước ta nói chung và rừng Nà nói riêng, sự xâm nhập của các sinh vật lạ, nhất là những loài mới xâm nhập còn ở mức độ chưa lớn, nhưng đang tiềm ẩn nguy cơ phát triển gây ảnh hưởng trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp. Có thể chỉ ra các các loài như sau:
+ Đối với thực vật: điển hình là cây Mai Dương + Đối với động vật: điển hình là Ốc Bươu Vàng
* Cây Mai Dương
Mai Dương (Mimosa pigra còn được gọi là Trinh nữ đầm lầy, Trinh nữ trâu hay Móc Mèo Mỹ, có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới Châu Mỹ. Đây là một loài cây bụi, mọc dày đặc và rất nhiều gai cứng. Cây Mai Dương hiện được xem là một trong số những loài ngoại lai xâm hại nguy hiểm nhất đối với các vùng đất ngập nước nhiệt đới.
Cây Mai Dương thuộc họ cây bụi, đa niên, thường mọc ở nơi trống, đất ẩm ướt, vùng nhiệt đới. Thân có chiều dài lên đến 6m, phân rất nhiều nhánh, trên thân và cành có nhiều gai nhọn, gai dài khoảng 6mm. Lá hình dạng lá kép lông chim 2 lần, mỗi lá chét có khoảng 20 - 42 cặp lá chét con, các lá thường co lại khi bị tác động nhưng thường chậm hơn so với các loài cây mắc cỡ khác. Cây ra hoa từ lúc
hạt nẩy mầm khoảng 6 - 8 tháng, hoa màu vàng hoặc hồng, mỗi chùm hoa có khoảng 100 hoa. Hoa thụ phấn chủ yếu nhờ côn trùng hoặc nhờ gió, trái màu nâu dài 3 - 8cm, trên trái có nhiều lông và có từ 14 - 26 đốt. Mỗi đốt chứa 1 hạt. Hạt khi chín có màu nâu hay xanh ô liu, kích thước hạt 4 - 6mm. Một cây sản sinh được 9000 hạt. Ở những vùng đất ngập nước, cây ra hoa tạo hạt quanh năm. Từ khi cây ra hoa đến lúc trái chín khoảng 5 tuần. Đốt trái rất nhẹ, có lông, do đó rất dễ phát tán theo gió hay trôi theo dòng nước.
Tác hại chính của Mai Dương là làm thay đổi thảm thực vật, gây ảnh hưởng đến hệ động vật ở những vùng nó xâm lấn. Có rất ít loài thực vật khác có thể mọc được dưới tán Mai Dương và hầu như cũng không có loài động vật nào sử dụng loài cây này làm thức ăn. Các bụi Mai Dương dày đặc làm cản trở việc đi lại của con người, động vật và súc vật chăn thả. Ngoài ra, nó còn phát triển phủ kín cả những hố nước cạn trong Nà, cây tuy không sinh sản vô tính nhưng nẩy tược rất mạnh từ gốc đã chặt ngang thân. Nơi loài cây này phát triển thì mật số các loài chim, bò sát, thực vật, thân thảo...sẽ giảm đi nhiều.
Cây Mai Dương còn cạnh tranh với những đồng cỏ xung quanh Nà, ảnh hưởng rất lớn đối với ngành chăn nuôi và còn ảnh hưởng đến dòng chảy của Rừng Nà.
Ốc Bươu vàng
Ốc Bươu vàng (Pomacea sp.), tên thương mại Ốc Bươu vàng (golden snail), họ Pilidae, lớp Chân bụng (Gastropoda), ngành Thân mềm (Mollusca). Nguồn gốc Trung và Nam Mĩ. Ốc trưởng thành cỡ lớn, dạng mập tròn, gồm đầu, thân và chân. Đầu có hai đôi xúc tu (một đôi dài và một đôi ngắn). Thân nằm trên chân, là một khối xoắn ẩn kín trong vỏ. Chân rộng, hình đĩa, màu trắng kem nằm ở phía bụng. Mặt lưng của chân có nắp vỏ che đậy. Đầu và chân thường thò ra ngoài vỏ khi di chuyển. Toàn bộ cơ thể ốc nằm trong lớp vỏ. Con đực có nắp miệng hơi nhô gợn sóng; con cái có nắp miệng bằng phẳng hơi lõm xuống. Ốc bươu vàng là sinh vật đơn tính, tuy nhiên có thể xảy ra sự thay đổi giới tính mà không cần trải qua một thời ngủ nghỉ (Keawjam, 1987). Thụ tinh trong, con cái có khả năng giữ tinh trùng
con đực trong thời gian vài tháng nên chúng vẫn có khả năng đẻ trứng hữu thụ trong thời gian này mà không cần giao phối với con đực., thường đẻ trứng vào chiều tối. Khi đẻ leo lên giá thể cao trên mặt nước, trứng bám thành chùm, màu hồng; có khoảng 120 - 500 trứng. Trứng nở sau 12 - 15 ngày, nở hết trong 2 - 7 ngày. Tỉ lệ nở khoảng 70%, tỉ lệ sống sau 10 ngày tuổi khoảng 80%. Tuổi thọ 2 - 3 năm. Trong quần đàn, tỉ lệ con đực/cái khoảng 1/4. Ốc bươu vàng ăn thực vật, thức ăn ưa thích là xà lách, bèo tấm, mạ non, rau muống, ...; Khi phát triển ở mật độ cao, nó ăn hại và tàn phá các cây non dẫn đến ảnh hưởng đến quá trình phát triển của động thực vật trong khu vực..