Mất rừng, đồng nghĩa với việc mất nơi ở, nơi trú ẩn và nguồn thức ăn của các loài động vật hoang dã sẽ giảm đi nhanh chóng, vùng phân bố của chúng cũng ngày càng bị thu hẹp theo diện tích của rừng. Mất rừng sẽ gây nên những chuyển biến về khí hậu trong vùng, gián tiếp ảnh hưởng đến đời sống của các loài động vật cũng hoạt động sống hằng ngày của người dân quanh khu vực. Tất cả điều đó đã và đang làm suy giảm tính đa dạng sinh học.
Việc xâm lấn đất rừng để mở đường, làm đất canh tác... một mặt đã thu hẹp diện tích rừng, làm giảm sức chứa của hệ sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến nơi ở, kiếm ăn của hầu hết các loài động vật ở đây. Mặt khác, việc xâm lấn đất rừng để canh tác đã góp phần trực tiếp làm giảm thành phần loài động thực vật, đặc biệt với loại hình canh tác độc canh như lúa nước và rau màu đã làm mất đi tính đa dạng vốn có ở rừng Nà. Khi diện tích rừng thu hẹp, trực tiếp đe doạ đến thành phần thực vật trong Nà mà nó còn làm giảm vai trò là ngôi nhà cho muôn thú trú ngụ vì bề dài bị thu hẹp, tiếng động do hoạt động sinh hoạt của con người...
Diện tích rừng bị thu hẹp còn làm giảm khả năng điều tiết nước ngay trong Nà và các cánh đồng lân cận. Các loài sinh vật có đời sống liên quan đến môi trường nước bị đe doạ. Vì vậy, sự cân bằng của hệ sinh thái không ổn định do nó ảnh hưởng đến các bậc dinh dưỡng khác trong hệ sinh thái. Các vực nước trong Nà là nơi đẻ trứng, trú ngụ của cá con, nòng nọc... (nghiên cứu đã xác định rất nhiều loài như lươn đồng, cá chạch bùn, nhái bầu... có nhiều ở khu vực này). Nhưng hiện nay con người đã chú trọng vào việc khai thác nông nghiệp mà các kênh mương, bờ bao đã không tính đến việc tạo sự thông lưu dòng nước trong và ngoài nà như vốn dĩ đã có.
Ngoài việc thu hẹp diện tích rừng thì hoạt động săn bắn cũng gây tác động xấu. Một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho tính đa dạng sinh học cũng như sinh thái cảnh quan của Rừng Nà bị suy thoái nghiêm trọng là việc khai thác không hợp lý của người dân địa phương. Đã có khá nhiều loài động - thực vật bị tiêu diệt hàng loạt, dẫn đến có một số loài bị tuyệt chủng.
Kết quả nghiên cứu đã xác định ngoài một vài loài như Rắn hổ mang, Hổ mang chúa, Rắn ráo thường, Chồn hương... bị khai thác để bán, hầu hết các loài còn lại chỉ khai thác phục vụ cho nhu cầu tại chỗ của người dân địa phương.
Đối với những loài bị khai thác để làm hàng hoá, việc săn bắt theo kiểu tận diệt, trở thành tâm điểm của các thợ săn cũng như người dân sống quanh Rừng Nà. Do vậy, khả năng tồn tại và tái sinh chủng quần của chúng luôn bị đe doạ. Qua điều
tra cho thấy số lượng cá thể của chúng bị suy giảm nghiêm trọng và nhiều loài trở nên hiếm gặp trong các Nà.
Đối với những loài động vật khác, mặc dù bị săn bắt với cường độ thấp hơn nhưng việc khai thác cũng chưa hợp lý. Nghiên cứu đã xác định có 2 yếu tố chính dẫn đến khai thác không hợp lý, gồm:
- Đánh bắt hủy diệt:
Qua điều tra đã xác định có 7 loại dụng cụ chính được dùng để săn bắt các động vật có xương sống trong Rừng Nà (Bảng 3.11).
Bảng 3.11. Các loại dụng cụ dùng săn bắt động vật trong Rừng Nà
STT Tên dụng cụ Đối tượng khai thác
1 Kích điện Các động vật sống ở nước, kiếm ăn trong nước
2 Lờ Các loài cá
3 Ống trúm Lươn
4 Bẫy hố Các loài kiếm ăn trên mặt đất
5 Bẫy thòng lọng Các loài kiếm ăn trên mặt đất
6 Súng săn Chim, thú
7 Ná cao su Chim, thú
Đối với các động vật có đời sống liên quan đến môi trường nước (sống trong nước, kiếm ăn trong các vực nước), chúng thường bị người dân dùng kích điện để bắt. Sử dụng kích điện để làm tê liệt những con vật ở kích thước người dân muốn khai thác thì những cá thể động vật khác có kích thước nhỏ hơn, có ngưỡng chịu đựng yếu hơn thường bị chết.
Tính huỷ diệt của việc sử dụng kích điện đối với đa dạng sinh học ở các vực nước đã được xác nhận. Chính phủ liệt kích điện vào một trong những ngư cụ cấm
sử dụng. Tuy nhiên, qua phỏng vấn những người thường xuyên khai thác động vật ở Rừng nà cho thấy có đến 67% (20/30 người được phỏng vấn) đã từng sử dụng kích điện để khai thác và 50% số người vẫn dùng kích điện.
Đáng báo động hơn là nhiều nhà dân đã xây tiếp giáp với các Nà, cùng với việc điện lưới đã mở khắp các thôn, vì vậy đã xảy ra một số trường hợp người dân đã kéo điện lưới vào Rừng Nà để bắt cá.
Với các số liệu thu được qua nghiên cứu cùng với các khuyến cáo khác, cho thấy kích điện là một dụng cụ để khai thác động vật có xương sống có tính huỷ diệt cao ở Rừng Nà, ảnh hưởng trực tiếp đến đa dạng sinh học các sinh vật có đời sống liên quan đến môi trường nước.
Ngoài kích điện, các dụng cụ săn bắt khác đều không có tính chọn lọc nên cũng ít nhiều ảnh hưởng đến đa dạng sinh học trong Rừng Nà. Đối với súng săn, hiệu quả khai thác rất cao nhưng kết quả điều tra cho thấy súng săn không có trong làng, thôn mà do các thợ săn ở nơi khác mang đến. Ngược lại, ná cao su khá đơn giản và hầu như mọi người đều có thể tự trang bị, do vậy tác động của chúng đối với các loài chim di trú cũng như các động vật khác trong nà cũng khá lớn.
- Mùa vụ khai thác không hợp lý:
Qua phỏng vấn 50 người dân sống quanh các nà thường xuyên săn bắt động vật, kết quả cho thấy hầu hết (40/50 người phỏng vấn) đều nhận biết mùa vụ di cư, sinh sản cũng như thời gian hoạt động mạnh nhất của các động vật có xương sống, đặc biệt là các loài chim ở Rừng Nà.
Kết quả cũng cho thấy hầu như không có ai khai thác tránh mùa sinh sản, mùa di cư của các động vật ở đây. Các dữ kiện thu thập cho thấy có vẻ như người dân tập trung săn bắt vào mùa sinh sản bởi dễ phát hiện, động vật thường tập trung. Hiệu quả của mỗi chuyến di sản trong mùa sinh sản, thời gian chim di cư tập tung về thường rất cao.
Về mặt sinh học, việc khai thác động vật trong mùa sinh sản, giai đoạn con non hoặc đang chăm sóc con sẽ làm mất khả năng tái sản xuất chủng quần. Dẫn đến sự duy giảm số lượng cá thể loài, ảnh hưởng rất rõ đến đa dạng sinh học.
Với thực trạng nêu trên đã làm suy giảm rất nhiều về đa dạng sinh học, kết quả phỏng vấn cho thấy có rất nhiều loài động vật đã không thấy xuất hiện ở địa phương trong thời gian gần đây.