Trong phòng thí nghiệm, tách và đếm số lượng sâu non từng loài ở những lá, hoa, quả đậu thu được để tính mật độ sâu non/100 hoa (quả). Nuôi sinh học các cá thể hoặc nhóm cá thể sâu non (phụ thuộc vào số lượng sâu thu được theo đợt điều tra) của từng loài sâu hại. Nuôi sinh học riêng rẽ sâu non thu từ hoa và quả ở hai ruộng có và không phun thuốc trừ sâu để so sánh tỷ lệ ký sinh chung của chúng.
Sâu non được nuôi trong các hộp nhựa kích thước 7cm x 10cm, có đục lỗ thông khí hoặc các đĩa petri đường kính 10cm. Hàng ngày kiểm tra và thay thức ăn sạch cho sâu và ghi chép số liệu.
Những kén ký sinh và nhộng xuất hiện trong phòng thí nghiệm cũng như thu được ngoài tự nhiên được nuôi cá thể riêng rẽ trong ống nghiệm sạch để nghiên cứu các chỉ tiêu sinh học (thời gian phát triển, tỷ lệ giới tính, khả năng sống sót của con trưởng thành...) và xác định tên khoa học.
Theo dõi khả năng sống sót của 2 loài ký sinh trưởng thành có vai trò quan trọng với 2 công thức:
- Công thức 1: không cho trưởng thành ăn.
- Công thức 2: cho trưởng thành ăn mật ong nguyên chất.
Ở mỗi công thức nuôi cá thể các ong ký sinh trưởng thành trong các ống nghiệm sạch, ở công thức 2 mật ong được để vào thành ống nghiệm.
Tên sâu hại và ong ký sinh được xác định bằng các tài liệu phân loại mới nhất hiện nay, toàn bộ mẫu vật được làm tiêu bản và được giữ tại phòng Sinh thái Côn trùng, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật.
Để tránh nhần lẫn, các thông số có liên quan đến quá trình theo dõi sâu hại và ký sinh điều được ghi nhãn theo ngày điều tra.
Số hóa bởi Trung tâm Học Liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn