1.3.1.1. Định nghĩa văn hoá:
a) Định nghĩa của một số nhà nghiên cứu văn hóa
Đã có hàng trăm bài viết, công trình nghiên cứu luận bàn về khái niệm hay định nghĩa về văn hoá, nhưng cho đến nay, giới nghiên cứu khoa học, giảng dạy về văn hoá trong nước cũng như trên thế giới vẫn chưa thống nhất được một khái niệm chung nhất. Mỗi thể chế chính trị, mỗi quốc gia, mỗi ngành khoa học xã hội nhân văn cũng có một khái niệm về văn hoá riêng biệt.
Nhiều nhà khoa học đi thống kê các khái niệm văn hoá để rồi đi đến kết luận rằng khái niệm về văn hoá được dùng rất tuỳ tiện.
Vào năm 1952, hai nhà nhân học người Mỹ là A. L. Kreber và K.Klaxon đã thu thập được 164 cách định nghĩa khác nhau về thuật ngữ văn hoá . Trong cuốn Triết học văn hoá M.S.Kagan thu thập được hơn 70 cách định nghĩa khác nhau. Tại Hội nghị về văn hoá UNESCO tại Mêhicô năm 1982, người ta cũng đã đưa ra 200 định nghĩa về văn hoá. Hiện nay, số lượng khái niệm về văn hoá ngày càng tăng thêm rất nhiều, khó mà thống kê hết được. Tại sao vậy? Phải chăng văn hoá là một cái gì đó quá phức tạp mà loài người (chủ thể của văn hoá) không thể tìm ra được một khái niệm chung nhất? Có lẽ vì văn hoá là một hiện tượng trừu tượng, là cả một khối gồm rất nhiều khái niệm, hầu như không thể bản thể hoá chúng được. Do tính phức tạp như vậy, chúng ta có thể coi văn hoá là một hệ thống những khái niệm văn hoá, hoặc những thành tố của văn hoá được tách riêng và hệ thống hoá.
Nhà nhân học xã hội người Anh Edward Tylor là một trong những người đầu tiên đưa ra định nghĩa tương đối chuẩn mực về văn hóa. Theo ông,
“văn hóa hay văn minh, hiểu theo nghĩa rộng trong dân tộc học, là một tổng
thể phức hợp bao gồm kiến thức, đức tin, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục và bất cứ khả năng và tập quán nào mà con người nhận được với
tư cách một thành viên xã hội” [9,13].
Ở Việt Nam, văn hóa cũng được định nghĩa rất khác nhau. Hồ Chí Minh cho rằng: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặt ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh
đó tức là văn hóa” [28,431]. Với cách hiểu này, văn hóa sẽ bao gồm toàn bộ
của Tylor, văn hóa theo cách nói của Hồ Chí Minh sẽ là một “bách khoa toàn thư” về những lĩnh vực liên quan đến đời sống con người.
Phạm Văn Đồng cho rằng: “Nói tới văn hóa là nói tới một lĩnh vực vô cùng phong phú và rộng lớn, bao gồm tất cả những gì không phải là thiên nhiên mà có liên quan đến con người trong suốt quá trình tồn tại, phát triển, quá trình con người làm nên lịch sử… văn hóa bao gồm cả hệ thống giá trị: tư tưởng và tình cảm, đạo đức với phẩm chất, trí tuệ và tài năng, sự nhạy cảm và sự tiếp thu cái mới từ bên ngoài, ý thức bảo vệ tài sản và bản lĩnh của cộng đồng dân tộc, sức đề kháng và sức chiến đấu bảo vệ mình và không
ngừng lớn mạnh” [46,22]. Theo định nghĩa này thì văn hóa là những cái gì đối
lập với thiên nhiên và do con người sáng tạo nên từ tư tưởng tình cảm đến ý thức tình cảm và sức đề kháng của mỗi người, mỗi dân tộc.
Theo tác giả Trần Ngọc Thêm, “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự
nhiên và xã hội” [38,10].
Nhìn chung, các định nghĩa đều thống nhất cho văn hoá có những đặc điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, văn hoá là sáng tạo của con người, thuộc về con người,
những gì không do con người làm nên không thuộc về khái niệm văn hoá. Từ đó, văn hoá là đặc trưng căn bản phân biệt con người với động vật, đồng thời cũng là tiêu chí căn bản phân biệt sản phẩm nhân tạo với sản phẩm tự nhiên. Văn hoá xuất hiện do sự thích nghi một cách chủ động và có ý thức của con người với tự nhiên, nên văn hoá cũng là kết quả của sự thích nghi ấy.
Thứ hai, sự thích nghi này là sự thích nghi có ý thức và chủ động nên
nó không phải là sự thích nghi máy móc mà thường là sự thích nghi có sáng tạo, phù hợp với giá trị chân - thiện - mỹ.
Thứ ba, văn hoá bao gồm cả những sản phẩm vật chất và tinh thần, chứ không chỉ riêng tinh thần mà thôi.
Thứ tư, văn hoá không chỉ có nghĩa là văn học nghệ thuật như thông
thường người ta hay nói. Văn học nghệ thuật chỉ là bộ phận cao nhất trong lĩnh vực văn hoá mà thôi.
b) Định nghĩa của cuốn Từ điển tiếng Việt (Nxb Từ điển bách khoa – Viện Ngôn ngữ học – H. 2010 ; Hoàng Phê chủ biên).
Theo cuốn từ điển này, từ “Văn hoá” có 5 nghĩa:
1. Tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử;
2. Những hoạt động của con người nhằm thoả mãn nhu cầu đời sống tinh thần - nói một cách tổng quát;
3. Tri thức kiến thức khoa học;
4. Trình độ cao trong sinh hoạt văn hoá xã hội, biểu hiện của văn minh; 5. Nền văn hoá của một thời kì lịch sử cổ xưa được xã định trên cơ sở tổng thể những di vật tìm thấy được có những đặc điểm giống nhau.
c) Quan niệm của luận văn về văn hóa
Trên cơ sở tìm hiểu, tiếp thu các quan niệm đã dẫn, quan niệm của luận văn về văn hóa như sau:
Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội.
1.3.1.2. Quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá
Văn hóa và ngôn ngữ có liên hệ chặt chẽ, không thể tách rời. Ngôn ngữ là phương tiện lưu giữ văn hóa và văn hóa chứa đựng trong ngôn ngữ. Người ta đã nói rằng ngôn ngữ và văn tự là kết tinh của văn hóa dân tộc, nhờ ngôn ngữ và văn tự mà văn hóa được lưu truyền và trong tương lai, nền văn hóa cũng nhờ vào ngôn ngữ để phát triển. Sự biến đổi và phát triển ngôn ngữ lại
luôn luôn đi song song với biến đổi và phát triển văn hóa. Vậy muốn nghiên cứu sâu về văn hóa phải nghiên cứu ngôn ngữ, và tất nhiên muốn đi sâu vào ngôn ngữ phải chú tâm đến văn hóa. Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa, có thể nói như mối quan hệ giữa cá với nước.
Ngôn ngữ là một thành tố của văn hóa. Trước hết, ngôn ngữ dân tộc bao giờ cũng là một bộ phận hợp thành của nền văn hóa dân tộc đó. Nó là phương tiện để phản ánh nền văn hóa dân tộc nên được phát triển không ngừng. Một nền văn hóa phát triển sẽ chứa đựng một ngôn ngữ phong phú.
Bên cạnh đó, ngôn ngữ cũng là cái hàm chứa văn hóa. Tuy ngôn ngữ nằm trong nền văn hóa dân tộc, nhưng bản thân ngôn ngữ lại là tiền đề của một hiện tượng văn hóa. Ngôn ngữ chính là bước khởi đầu của văn hóa, là dạng thức hàm chứa một nội dung văn hóa nào đó. Do vậy, quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá không giống như quan hệ giữa ngôn ngữ và các ngành khoa học khác. Quan hệ này như một vòng tuần hoàn, cái này là khởi điểm của cái kia và ngược lại.
- Ngôn ngữ phát triển sẽ thúc đẩy văn hóa phát triển: Cùng với lao
động, ngôn ngữ làm cho con người văn minh hơn. Từ những từ đơn giản nhất phát ra trong lao động của loài người thuở sơ khai sẽ phát triển thành những câu hò, điệu hát và thơ ca sau này. Ngôn ngữ luôn là bước khởi đầu của văn hoá, là dạng thức hàm chứa một nội dung văn hoá nào đó.
- Văn hoá phát triển sẽ tác động trở lại, thúc đẩy ngôn ngữ phát triển
theo: Ngôn ngữ là phương tiện để phản ánh nền văn hoá dân tộc. Một nền văn
hoá phát triển sẽ chứa đựng một ngôn ngữ phong phú. Sự ảnh hưởng của văn hóa đối với hệ thống ngôn ngữ thể hiện ở tác dụng chế ước sự hình thành và phát triển đối với các yếu tố của bản thân ngôn ngữ như ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. Cái quyết định ý nghĩa của từ không phải là cái gì khác mà là văn hóa dân tộc. Văn hóa không những ảnh hưởng đến hệ thống ngôn ngữ mà còn
quyết định nội dung và hình thức sở chỉ của ngôn ngữ. Nội dung và phương thức của ngôn ngữ là do văn hóa của con người quyết định. Sự ảnh hưởng của văn hóa đối với ngôn ngữ còn phản ánh trên cách tư duy bằng ngôn ngữ và cách diễn đạt. Ngôn ngữ là công cụ biểu đạt của tư duy nên ngôn ngữ phụ thuộc vào tư duy của dân tộc. Đồng thời, khi văn hóa phát triển, nảy sinh ra nhiều sự vật hiện tượng mới, đòi hỏi ngôn ngữ phải có những từ ngữ mới để gọi tên. Văn hóa càng phát triển, ngôn ngữ càng phong phú.
Tóm lại, giữa ngôn ngữ và văn hóa có mối liên hệ gắn bó chặt chẽ. Chúng phát triển trong sự tác động qua lại lẫn nhau. Ngôn ngữ đóng vai quan trọng trong sự phát triển văn hóa. Nó cũng gắn bó hữu cơ với văn hóa do tạo thành cơ sở, nền tảng của văn hóa. Văn hóa dân tộc không tồn tại ngoài ngôn ngữ. Chính trong ngôn ngữ, đặc điểm của một nền văn hóa dân tộc được lưu giữ lại rõ ràng nhất.