Tác dụng không mong muốn của Ibuprofen và biến chứng

Một phần của tài liệu nghiên cứu đánh giá kết quả điều trị và tiến triển bệnh còn ống động mạch ở trẻ đẻ non tại bệnh viện nhi trung ương (Trang 62 - 65)

4.2.5.1. Ảnh hưởng lên chức năng thận:

Kết quả nghiên cứu ở bảng 3.12 cho thấy nồng độ Ure và Creatinin máu sau điều trị tăng có ý nghĩa so với thời điểm trước điều trị. Tuy nhiên chỉ có 2 trường hơp nồng độ Creatinin máu cao trên 140 µmol/l. Cả 2 trường hợp này nồng độ creatinin máu đều trở về bình thường sau 2 – 7 ngày khi ngừng điều trị. Điều này được giải thích do Ibuprofen làm tăng ức chế tổng hợp Prostaglandine gây co mạch thận, làm giảm đột ngột lượng máu đến động mạch thận làm giảm mức lọc cầu thận [64], giảm clearance huyết tương dẫn đến các sản phẩm chuyển hóa ure, creatinin trong máu tăng cao. Điều này chứng tỏ thuốc tuy có ảnh hưởng đến chức năng thận nhưng không gây biến chứng lâu dài trên lâm sàng. Ngoài ra chúng tôi không thấy có sự khác biệt về điện giải đồ trước và sau điều trị (p > 0.05)

4.2.5.2. Ảnh hưởng lên tiểu cầu và bilirubin

Ibuprofen là một thuốc chống viêm non steroid giống Indomethacin và một số thuốc khác. Vì vậy, nó ức chế kết tụ tiểu cầu có thể làm cho thời gian chảy máu kéo dài. Kết quả thu thập được từ số liệu thống kê của chúng tôi cho thấy số lượng tiểu cầu sau điều trị là 213080 ± 80571/mm3 giảm so với trước điều trị 233280 ± 73646/mm3 nhưng không có ý nghĩa thống kê (Bảng 3.12). Tuy nhiên có 2 bệnh nhân có tiểu cầu giảm dưới 50000/mm3, những bệnh nhân này có tình trạng nhiễm trùng nặng và suy hô hấp nặng phải thở máy với FiO2 cao và sau khi được truyền khối tiểu cầu thì số lượng tiểu cầu trở về bình thường. Như vậy, giảm số lượng tiểu cầu kèm các diễn biến lâm sàng nặng trong nghiên cứu của chúng tôi đều liên quan đến tình trạng nhiễm trùng huyết hoặc biểu hiện của một bệnh nặng khác.

Cả indomethacin và ibuprofen đều cản trở sự kết hợp bilirubin với albumin, do đó làm tăng nguy cơ vàng da nhân. Tuy nhiên nguy cơ vàng da nhân có thể tăng cao ở những bệnh nhân đã bị vàng da được điều trị bằng ibuprofen so với những bệnh nhân điều trị bằng indomethacin [17], [62]. Kết quả của chúng tôi (Bảng 3.12) cho thấy nồng độ bilirubin sau điều trị là 202.1 ± 51.4 umol/l cao hơn bilirubin trước điều trị là 193.5 ± 69.5 umol/l nhưng không có ý nghĩa thống kê (P > 0.05). Không có trường hợp nào vàng da nhân hay vàng da phải thay máu sau khi dùng thuốc, những trẻ có dấu hiệu vàng da hoặc có nguy cơ vàng da được chiếu đèn. Kết quả của chúng tôi cũng tương đương với kết quả của một số tác giả khác [5], [14].

4.2.5.3. Ảnh hưởng lên hệ thống tiêu hoá:

Nghiên cứu của chúng tôi không có trường hợp nào dùng Ibuprofen đường uống bị biến chứng thủng ruột, không trường hợp nào viêm ruột hoại tử được chứng minh trên X quang, nhưng có 9(25%) có thay đổi về dịch dạ dầy, trong đó có 4 bệnh nhân có dịch dạ dày nâu bẩn và 5 bệnh nhân có dịch

dạ dày vàng ứ đọng (Bảng 3.13). Những trường hợp này có tình trạng suy hô hấp rất nặng, kèm theo các dấu hiệu nhiễm trùng được thở máy với FiO2 > 30% và được dùng kháng sinh phối hợp. Tuy nhiên, những trẻ này được rửa dạ dầy và dịch dạ dày đều trở về bình thường trong những ngày sau. Kết quả của chúng tôi cũng phù hợp với kết quả của một số nghiên cứu khác [5],[67].

4.2.5.4. Xuất huyết não màng não

Các yếu tố liên quan đến XHTNT đã được biết đến là đẻ ngoài bệnh viện, điều trị natribicarbonat, hạ thân nhiệt, nhiễm toan nặng (pH<7.1), hội chứng suy hô hấp, trong đó hội chứng suy hô hấp là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất. 81% trường hợp có tăng PaCO2 phối hợp với nhiễm toan nặng có XHTNT, trong đó trên ½ XHTNT nặng. Nghiên cứu gần đây của Osborn thấy rằng các yếu tố nguy cơ độc lập gây xuất huyết trong não thất sớm ở trẻ sơ sinh là điểm Appgar, và đẻ thường, đối với xuất huyết trong não thất muộn là giảm lưu lượng tĩnh máu tĩnh mạch chủ trên, gặp ở những trẻ thất bại đóng ÔĐM bằng điều trị nội khoa [58].

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi không có bệnh nhân nào bị xuất huyết não màng não. Tham khảo nghiên cứu của một tác giả khác thấy tỷ lệ xuất huyết não thất là 6/80 bệnh nhân được điều trị [5] nhưng không có bằng chứng chứng minh mối liên quan giữa điều trị ibuprofen và xuất huyết não màng não.

4.2.5.5. Tỷ lệ tử vong sơ sinh sau điều trị

Kết quả bảng 3.13 cho thấy có 3 bệnh nhân tử vong trong thời gian theo dõi điều trị và tỷ lệ tử vong chung là 8.4% (3/36), trong đó có 2 bệnh nhân đã đóng ống và 1 bệnh nhân đã được phẫu thuật thắt ống đều bị nhiễm trùng bệnh viện (cấy máu và cấy nội khí quản dương tính). Tỷ lệ trẻ tử vong trong nghiên cứu thấp hơn so với kết quả của một số tác giả khác [5], [14]. Báo cáo tổng kết 10 tháng của năm 2009 tại khoa sơ sinh Bệnh viện Nhi Trung ương

cho thấy tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh non tháng cân nặng < 2000 gram, suy hô hấp là 54%. So với báo cáo 2002 của Đặng Thanh Mai về tỉ lệ tử vong sơ sinh tại BV sản trung ương là 60% ở trẻ từ 28 – 30 tuần thai, và dưới 28 tuần thai là 100%. Nghiên cứu của Noori và cs 2009 [57], trẻ sơ sinh non tháng CÔĐM có tỉ lệ tử vong cao (70,7%) gấp 8 lần trẻ ÔĐM đóng (11.1%), sau khi đã điều chỉnh các yếu tố chu sinh, mức độ non tháng, bệnh lý nặng, chết ngẫu nhiên. Cùng với sự tiến bộ về khoa học trong chăm sóc sơ sinh như các thiết bị hiện đại được đưa vào sử dụng (thở khí NO), một số thuốc mới được sử dụng, đặc biệt hiện tại Bệnh viện Nhi trung ương đã thực hiện phẫu thuật thắt ống động mạch trên trẻ trẻ sơ sinh với tỷ lệ thành công cao đã giúp làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh.

Một phần của tài liệu nghiên cứu đánh giá kết quả điều trị và tiến triển bệnh còn ống động mạch ở trẻ đẻ non tại bệnh viện nhi trung ương (Trang 62 - 65)