Vậy là tôi đã hướng dẫn bạn cách cười và cách bắt tay. Có thể bạn đang tự hỏi vậy tiếp theo sẽ là gì? Cưỡi lên lưng ngựa chăng? Hay leo núi? Rất tiếc là bạn không cần những kỹ năng đó để thành công tại buổi phỏng vấn. Bạn có thể thực hiện những điều liệt kê dưới đây một cách dễ dàng mà không cần luyện tập.
1. Bạn hãy gọi người phỏng vấn là bà …hay ông … và tự giới thiệu mình bằng cả họ và tên. Ví dụ bạn có thể nói: “Xin chào ông Isaacs. Tôi là Susan Sallinger. Rất cám ơn ông đã dành cho tôi cơ hội gặp gỡ hôm nay.” Ngay lúc đó bạn nở một nụ cười thật nồng hậu và bắt tay người phỏng vấn một cách chuyên nghiệp. Sau lời giới thiệu, người phỏng vấn sẽ mời bạn ngồi xuống. Bạn không nên ngồi trước khi người phỏng vấn mời bạn ngồi. Nếu người phỏng vấn không mời bạn ngồi thì bạn có thể hỏi một cách lịch sự: “Tôi có thể ngồi được không ạ?”
2. Nếu nơi phỏng vấn là một văn phòng nhỏ và bạn ngồi rất gần bàn làm việc của người phỏng vấn, có thể bạn muốn đặt tập giấy ghi chú hay một đồ vật gì khác như chiếc ví của bạn lên bàn. Bạn đừng làm thế. Cái bàn thuộc quyền làm chủ của người phỏng vấn và họ sẽ thấy mình bị xâm phạm nếu bạn vượt qua ranh giới vô hình giữa không gian của họ và không gian của bạn. Việc bạn đặt một vật gì đó hay bàn tay, khuỷu tay của bạn lên bàn sẽ được xem như là dấu hiệu của sự không tôn trọng và đe dọa một cách vô thức. Nếu bạn muốn ghi chú thì bạn nên đặt tập giấy ghi chú lên đùi.
3. Bạn không nên mang đồ uống vào phòng phỏng vấn. Nếu bạn làm đổ đồ uống hay bị nghẹn thì thật xấu hổ và bất tiện. Nếu bạn được mời uống cà phê thì bạn có thể từ chối một cách lịch sự mà không hề hấn gì.
4.Bạn nên tắt máy nhắn tin hay điện thoại di động. Nếu bạn có quên tắt và có người gọi thì bạn cũng không nên nhìn xem ai gọi cho mình. Bạn chỉ cần xin lỗi vì đã làm ngắt lời mọi người và tắt điện thoại.
Thái độ
Bạn có bao giờ để ý rằng nếu ai đó thích bạn thì bạn có xu hướng thích lại họ hay không? Điều này cũng đúng với những người phỏng vấn. Như tôi đã đề cập ở phần trước, tại buổi phỏng vấn thì người phỏng vấn có thể hồi hộp hơn bạn tưởng. Họ cũng muốn bạn có cảm tình với họ cũng như bạn muốn họ có cảm tình với bạn vậy.
Có thể rất khó để giả vờ yêu mến ai đó mà bạn chưa biết hay không có vẻ gì đặc biệt đáng mến nhưng chúng ta vẫn có cách. Cách mà tôi khuyên những người nhờ tôi tư vấn dường như đã tỏ ra hiệu quả, đó là tưởng tượng người phỏng vấn là một người bạn hay một người nào đó mà bạn thật sự mến mộ.
Bạn có thể tưởng tượng người phỏng vấn là chị Sylvia hay anh Harold, cô June hay chú Bob của bạn. Có thể nghe có vẻ hơi buồn cười nhưng tôi đã khuyên những người nhờ tôi tư vấn xem người phỏng vấn như một chú gấu Teddy nhồi bông lớn. Không ai không thích những chú gấu Teddy xinh xắn phải không nào? Trong hoàn cảnh này thì sự nồng hậu của bạn sẽ được đón nhận và có thể sẽ được đáp lại.
Một điều nữa bạn cần lưu ý trong thái độ của mình là bạn đang phỏng vấn công ty cũng như công ty đang phỏng vấn bạn. Khi bạn tâm
niệm được điều đó thì bạn sẽ nhớ chú ý cách những người trong công ty đối xử với bạn như thế nào trước, trong và sau cuộc phỏng vấn. Bạn có thích cách họ đối xử với bạn hay không?
Nếu người ta để bạn đợi cả tiếng đồng hồ, nhân viên lễ tân thô lỗ với bạn, người phỏng vấn nhận điện thoại trong khi lẽ ra họ phải tập trung lắng nghe những gì bạn đang trình bày. Bạn nên nhớ rằng bạn có thể sẽ bị đối xử theo cách đó trong công việc khi bạn được nhận vào làm. Bạn hãy tự đặt ra cho mình những câu hỏi sau:
• Bạn có thích không khí chung của công ty không? • Bạn có được tôn trọng không?
• Người ta có lắng nghe bạn không?
• Những câu hỏi và câu trả lời của bạn có được tiếp nhận một cách nghiêm túc hay không?
Bạn có thể nghĩ theo hướng bạn đang “tuyển” một người chủ lao động. Bạn có muốn làm việc cho người này không? Bạn có muốn trở thành một nhân viên của cơ quan này hay không?
Khi bạn suy nghĩ theo hướng đó thì không chỉ người phỏng vấn có quyền mà cả bạn cũng có quyền. Chúng ta sẽ bàn sâu hơn về những câu hỏi bạn nên đặt ra cho chính mình khi chấp nhận lời đề nghị làm việc trong chương 9.