Bắt vít chốt (kiểu động hay kiểu tĩnh) là một trong những kỹ thuật quan trọng đảm bảo sự thành công của phương pháp đóng ĐNT có chốt. ĐNT nằm trong ống tủy nhờ có vít chốt sẽ chống lại được sự di lệch chồng và di lệch xoay nên tránh được biến chứng liền xương lệch trục và ngắn chi.
Theo Kempf[42], nhờ có vít chốt mà chỉ định đóng ĐNT được mở rộng trong cả các trường hợp gãy thấp ở đầu dưới hoặc gãy cao ở đầu trên xương chày. Theo tác giả, chỉ định bắt vít chốt kiểu động (dynamique) hay kiểu tĩnh (statique) phụ thuộc vào hai yếu tố căn bản là vị trí và tính chất ổ gãy. Đối với các trường hợp gãy đơn giản, gãy vững, ở 1/3 trên hay 1/3 dưới bắt vít chốt kiểu động và vị trí vít chốt là gần ổ gãy nhất. Tác giả cũng cho rằng, việc biến bắt vít kiểu tĩnh thành kiểu động bằng cách tháo bỏ các vít chốt ở đầu xa của ổ gãy với hy vọng kích thích nhằm đẩy nhanh quá trình liền xương thực ra không có sự khác biệt trên lâm sàng, vì dù xương gãy được chốt với kiểu tĩnh hay kiểu động thì vẫn có những cử động nhỏ ở hai đầu xương gãy, những cử động này sẽ kích thích cho quá trình hình thành can xương. Tác giả khuyến
khích nên thực hiện kỹ thuật này trong những trường hợp ổ gãy giãn cách, hoặc có nguy cơ khớp giả thì tốt hơn.
Trên lâm sàng, dựa vào vị trí và tính chất của ổ gãy mà chúng tôi có chỉ định bắt vít chốt khác nhau. Chỉ định bắt vít chốt kiểu tĩnh cho những trường hợp gãy không vững, gãy phức tạp. Đối với các trường hợp gãy vững ở 1/3 giữa có thể không chốt nếu đóng được đinh số to, hoặc chỉ chốt một đầu đối với các gãy vững ở 1/3 trên hoặc 1/3 dưới nếu nhận thấy cánh tay đòn của đinh đủ dài.
Trong sè 55 BN nghiên cứu, có 50 BN bắt vít chốt tĩnh (90,9%) và có 5 BN được chốt vít động ( 9,1%), kết quả này phù hợp với kết quả về vị trí và hình thái gãy của chúng tôi. ( Xem bảng 3.4; bảng 3.5 và 3.10).