Lựa chọn phương pháp điều trị GH2XCC

Một phần của tài liệu đánh giá kết quả điều trị gãy hở hai xương cẳng chân bằng phương pháp đóng đinh nội tủy có chốt tại bệnh viện xanh pôn (Trang 55 - 56)

Những phương pháp điều trị bảo tồn với nắn chỉnh kín và bó bột đùi cẳng bàn chân của Bửhler, bột ôm gối của Sarmiento...cho gãy thân hai xương cẳng chân đã một thời mang lại nhiều kết quả tốt trong điều trị. Nhưng đối với gãy không vững, di lệch lớn và gãy phức tạp thì việc điều trị bảo tồn gặp nhiều khó khăn, dễ di lệch thứ phát. Mặc khác, để duy trì đủ thời gian liền xương thì hầu như không thể tránh khỏi các biến chứng như teo cơ, cứng khớp, loãng xương.

Một nghiên cứu của Bone (1997), so sánh kết quả điều trị gãy 2XCC bằng hai phương pháp bó bột và đinh nội tủy cho thấy thời gian liền xương trung bình của nhóm đinh nội tủy là 16 tuần và nhóm điều trị bảo tồn là 22 tuần, tỷ lệ khớp giả tương ứng là 1% và 5%, trong khi đó tỷ lệ chậm liền của nhóm đinh nội tủy là 3%, còn với nhóm bó bột là 16%. Chính vì vậy, hiện nay phương pháp điều trị bảo tồn hầu như Ýt được áp dụng trong điều trị GH2XCC [55].

Cố định ngoài được xem như một phương pháp được lựa chọn đầu tiên trong các trường hợp gãy xương hở kèm theo giập nát phần mềm nặng, lộ xương rộng hoặc gãy hở đã có nhiễm khuẩn. Bên cạnh các ưu điểm, CĐN cũng đã bộc lộ nhiều nhược điểm như nhiễm khuẩn chân đinh (40 - 65%), lỏng đinh, cong đinh, di lệch thứ phát, chậm liền xương, cồng kềnh, gây cản trở cho điều trị bổ trợ (ghép da, chuyển vạt...), vướng víu trong quá trình tập phục hồi chức năng. Chính vì vậy, đối với những trường hợp gãy hở mức độ nhẹ hơn, đến sớm phương pháp đóng đinh nội tủy đã được cân nhắc lựa chọn [18].

Nghiên cứu của Bhandari M và cộng sự năm 2001, so sánh kết quả điều trị giữa hai phương pháp CĐN và ĐNT cho thấy tỷ lệ chậm liền xương giữa hai nhóm là 12% đối với ĐNT và 20% đối với nhóm CĐN, trong khi đó tỷ lệ nhiễm trùng nông của nhóm CĐN là 38% và nhóm ĐNT là 5%[57].

Phương pháp kết xương nẹp vít có giai đoạn được xem như một cuộc cách mạng trong kết hợp xương. Khi mà ĐNT có chốt chưa ra đời thì vai trò của nẹp vít là rất quan trọng; nhất là đối với các trường hợp gãy sát khớp. Tuy nhiên, xét về khía cạnh cơ sinh học, hệ thống nẹp vít không đảm bảo được độ vững khi cố định các gãy thân xương dài; vì thế biến chứng gãy nẹp, cong nẹp, tuột nẹp vít gặp tương đối nhiều [40]. Từ khi ĐNT có chốt ra đời chỉ định kết xương nẹp vít đã thu hẹp nhiều trong điều trị gãy thân các xương dài. Vì đinh nội tuỷ nằm trong ống tuỷ, trùng với trục trung hòa lực tải, tạo điều kiện cho lực tải dàn đều khắp lên diện gãy, thuận lợi cho quá trình liền xương. Mặt khác, trong kết xương bằng ĐNT, màng xương không bị bóc tách rộng thêm, hệ thống mạch nuôi ở màng xương được bảo tồn cũng giúp cho quá trình liền xương xảy ra nhanh hơn so với phương pháp kết xương bằng nẹp vít kinh điển [98], [61], [93], [97].

So với ĐNT đơn thuần thì ĐNT có chốt là một bước tiến lớn trong điều trị. Phương pháp này chống được sự di lệch dồn nén theo trục xương và di lệch xoay nên sau mổ BN có thể tập phục hồi chức năng sớm. Hơn nữa, trong trường hợp mất đoạn xương hay khuyết hổng xương, ĐNT có chốt tĩnh (chốt cả hai đầu) là thật sự cần thiết để giữ trục cũng như độ dài của xương gãy[97].

Một phần của tài liệu đánh giá kết quả điều trị gãy hở hai xương cẳng chân bằng phương pháp đóng đinh nội tủy có chốt tại bệnh viện xanh pôn (Trang 55 - 56)