quy định về phân bổ kinh phí giữa đơn vị chủ trì thẩm định, thẩm tra và đơn vị tham gia thẩm định, thẩm tra căn cứ vào vai trò của mỗi đơn vị trong quá trình thẩm định.
Ba là, nên cho phép các địa phương có thể chủ động huy động các
nguồn kinh phí khác nhau ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách phục vụ cho công tác thẩm định, thẩm tra. Chẳng hạn, đối với các cuộc họp liên ngành, họp tư vấn thẩm định, thẩm tra để trao đổi về những vấn đề vướng mắc, còn có nhiều ý kiến khác nhau giữa cơ quan soạn thảo và các ban ngành liên quan thì có thể huy động thêm nguồn kinh phí hỗ trợ từ phía cơ quan chủ trì soạn thảo.
Việc quy định của pháp luật chưa hợp lý đã tạo thành một rào cản đối với công tác thẩm định, thẩm tra. Nhưng bên cạnh đó việc thực thi các quy định đó cũng chưa được tốt. Thực tế cho thấy văn bản đã thẩm định, thẩm tra song và ban hành nhưng cơ quan tiến hành công tác thẩm định, thẩm tra vẫn chưa nhận đủ kinh phí cho việc thẩm định, thẩm tra văn bản đó. Vì vậy, đối với việc triển khai thực hiện các văn bản liên quan đến kinh phí phục vụ cho công tác thẩm định, thẩm tra nói riêng và việc xây dựng văn bản nói chung cần phải được thực hiện kịp thời để động viên tinh thần cho cán bộ làm công tác thẩm định, thẩm tra.
3.4.2. Đảm bảo nguồn thông tin tư liệu cho hoạt động thẩm định, thẩm tra thẩm tra
Việc thiếu thông tin, tư liệu về vấn đề mà dự thảo điều chỉnh sẽ khiến cho hoạt động thẩm định, thẩm tra không chính xác, ảnh hưởng đến tính
khả thi của văn bản khi ban hành. Những văn bản của Đảng ở các cấp về chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn địa phương, các đề tài nghiên cứu về các lĩnh vực trên địa bàn địa phương và các đề tài nghiên cứu chiến lược phát triển vùng là những nguồn tư liệu tốt mà cán bộ làm công tác thẩm định, thẩm tra cần được tiếp cận, để từ đó, kết hợp với tình hình địa phương đưa ra những ý kiến thẩm định, thẩm tra có giá trị đảm bảo cho văn bản QPPL có tính khả thi cao.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thẩm định, thẩm tra là vô cùng cần thiết. Bởi lẽ ngày nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc đã trở thành một đòi hỏi tất yếu trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Mặc dù công nghệ thông tin được chú trọng ứng dụng trong công việc tại nước ta chưa lâu và trong điều kiện hạ tầng kỹ thuật còn nhiều hạn chế, nhưng những lợi ích hiệu quả mà nó mang lại đã khẳng định vai trò to lớn của công nghệ thông tin. Vì vậy, trong thời gian tới, Nhà nước cần:
- Tăng cường sử dụng hệ thống mạng máy tính để duy trì các thông tin cần thiết giữa cơ quan chủ trì soạn thảo với cơ quan thẩm định, thẩm tra, thông tin giữa các đơn vị trong nội bộ cơ quan thẩm định, thẩm tra để phục vụ cho hoạt động thẩm định, thẩm tra. Đối với hệ thống máy vi tính để bàn phục vụ cho công việc tại chỗ, cần bảo đảm đủ về số lượng mỗi người một máy, các máy có tốc độ cao, dung lượng ổ đĩa lớn, được cài đặt đầy đủ các phần mềm hỗ trợ cho việc thẩm định, thẩm tra, được kết nối internet thông suốt, liên tục, được gắn những thiết bị ngoại vi cần thiết theo yêu cầu công việc và một số máy vi tính xách tay để phục vụ khi phải di dời, đi lại để thẩm định, thẩm tra văn bản.
- Xây dựng các phần mềm soạn thảo, thẩm định, thẩm tra dự thảo VBQPPL và phần mềm kiểm tra văn bản QPPL. Phần mềm hỗ trợ thẩm định, thẩm tra phải chứa đầy đủ các thao tác quy trình nghiệp vụ, hệ cơ sở
dữ liệu phục vụ cho hoạt động thẩm định, thẩm tra.
- Ngoài việc thực hiện tốt công việc chuyên môn về thẩm định, thẩm tra thì các cán bộ làm công tác thẩm định, thẩm tra đều phải biết sử dụng máy vi tính, làm chủ được công nghệ thông tin theo đúng yêu cầu công việc được giao. Vì các cán bộ làm công tác thẩm định, thẩm tra tại các huyện có điều kiện kinh tế xã hội kém phát triển hoặc ở vùng sâu vùng xa thì trình độ chuyên môn còn yếu và ít có điều kiện được tiếp cận công nghệ thông tin.
Trên đây là một số giải pháp và kiến nghị cơ bản nhất nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động thẩm định, thẩm tra dự thảo VBQPPL do cơ quan Nhà nước ở địa phương ban hành. Ngoài ra, ở một góc độ nào đó cũng cần phải nâng cao chất lượng của dự thảo và hồ sơ thẩm định, thẩm tra để tạo thuận lợi cho công tác thẩm định, thẩm tra. Nếu một dự thảo không tốt về mặt nội dung thì cơ quan tiến hành thẩm định, thẩm tra sẽ phải mất nhiều thời gian để nêu vấn đề, lập luận trong báo cáo thẩm định, thẩm tra và đôi khi có thể bỏ sót những nội dung quan trọng khác. Nếu một dự thảo có nội dung tốt, nhưng kỹ thuật soạn thảo không đảm bảo cũng khiến cơ quan thẩm định, thẩm tra phải mất thời gian góp ý những vấn đề có tính chất kỹ thuật thay vì tập trung vào những nội dung thẩm định, thẩm tra chính. Vì vậy, các cơ quan soạn thảo cần đưa ra đánh giá tác động của pháp luật, chính sách đến đời sống kinh tế - xã hội của địa phương mình, từ đó xây dựng được dự thảo phù hợp với thực tiễn và mang lại giá trị pháp lý cao. Giai đoạn này được thực hiện tốt thì chất lượng dự thảo VBQPPL được nâng cao, tạo thuận lợi cho giai đoạn sau, giai đoạn thẩm định và thẩm tra.
KẾT LUẬN
Để sớm xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, trong đó mọi chủ thể đều nghiêm chỉnh chịu sự phục tùng pháp luật - một pháp luật có tính pháp lý cao, phù hợp với lý trí, thể hiện đầy đủ những giá trị cao nhất của xã hội, của con người thì việc ban hành một hệ thống pháp luật đồng bộ từ Trung ương đến địa phương là một yêu cầu cần thiết và có ý nghĩa rất quan trọng, mà vai trò đóng góp không nhỏ chính là hoạt động thẩm định và thẩm tra dự thảo VBQPPL cơ quan Nhà nước ở địa phương ban hành.
Trong thời gian qua, công tác xây dựng và ban hành VBQPPL của HĐND, UBND các cấp nói chung và công tác thẩm định, thẩm tra dự thảo VBQPPL của các cơ quan Tư pháp địa phương và các ban của HĐND nói riêng đã được chú trọng và đạt được nhiều thành tựu đáng kể góp phần làm giảm bớt sự mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều hạn chế cần được khắc phục để đáp ứng được thực tiễn phát triển đất nước và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay đòi hỏi số lượng văn bản điều chỉnh các quan hệ phát sinh lớn kèm theo đó là chất lượng văn bản ban hành phải được nâng cao. Muốn như vậy, trước hết cần hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành về thẩm định, thẩm tra dự thảo VBQPPL nói chung và VBQPPL do cơ quan Nhà nước ở địa phương nói riêng, nâng cao hơn nữa kỹ năng nghiệp vụ thẩm định, thẩm tra cho các cán bộ làm công tác thẩm định, thẩm tra và nhiều biện pháp đồng bộ khác. Như nâng cao nhận thức và tăng cưởng kỷ luật trong công tác thẩm định, thẩm tra; đổi mới về phương pháp và cách thức tổ chức thẩm định và thẩm tra cho phù hợp với thực tiễn hiện nay, tăng cường hiệu quả phối hợp giữa cơ quan Tư pháp, các ban của HĐND, cơ quan chủ trì soạn thảo, văn phòng UBND và các cơ quan khác trong quá trình thẩm định,
thẩm tra, tổng hợp, tiếp thu ý kiến thẩm định, thẩm tra. Cùng với đó là các giải pháp liên quan đến nguồn nhân lực thực hiện công tác thẩm định và thẩm tra dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và tăng cường các điều kiện bảo đảm đối với hoạt động thẩm định và thẩm tra dự thảo VBQPPL do cơ quan nhà nước ở địa phương ban hành nhu bảo đảm về kinh phí cho hoạt động thẩm định và thẩm tra, đảm bảo nguồn thông tin tư liệu cho hoạt động thẩm định, thẩm tra…
Luận văn được hoàn thành dự trên sự kế thừa những kết quả nghiên cứu trước đó của nhiều tác giả. Bên cạnh đó, tác giả luận văn đã nghiên cứu sâu hơn về hoạt động thẩm định, thẩm tra dự thảo VBQPPL do cơ quan Nhà nước ở địa phương ban hành, đánh giá một cách khách quan và toàn diện thực trạng hoạt động thẩm định và thẩm tra, từ đó đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động này. Đó chính là những điểm mới của luận văn. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp và phạm vi rộng của đề tài nghiên cứu cho nên luận văn không thể tránh khỏi những thiếu sót. Hy vọng, đề tài này sẽ được nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện hơn nữa trong tương lai góp phần xây dựng luận cứ khoa học cho việc nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động này trên thực tiễn.