Công nghệ mạ nanô thực chất bắt nguồn từ những thành quả của công nghệ mạ micrô (tạo lớp mạ composit) và vật liệu nanô. Công nghệ mạ micrô có những thành tựu rực rỡ thể hiện là những ứng dụng rộng rãi của lớp mạ composit trong đời sống và kỹ thuật [28]. Trong khi đó sự phát triển của vật liệu nanô trong vài thập kỷ trở lại đây, đặc biệt là ống nanô cacbon đã được nghiên cứu và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực với các tính chất đặc biệt của chúng [9, 44, 45].
Gia cường bằng vật liệu ống nanô cacbon với độ cứng của chúng cao hơn hẳn các hạt gia cường đã từng sử dụng, ống nanô cacbon được coi là cứng nhất từ xưa tới nay. Hơn nữa, kích thước của ống nanô cacbon nhỏ hơn nhiều kích thước các vật liệu gia cường khác vốn thường sử dụng ở kích thước micrô. Thời gian gần đây đã có rất nhiều những nghiên cứu nhằm tạo ra các loại composit của nhiều kim loại khác nhau với CNTs [8, 13, 40]. Chẳng hạn bằng phương pháp điện hoá người ta đã tạo ra các loại composit của các kim loại Mg, Ni, Cu, Al,… với CNTs có độ bền cơ học cao và các tính chất hoá lý khác được cải thiện đáng kể [30, 34, 35].
Y. Shimizu và các đồng nghiệp [36] đã dùng các ống nanô cacbon ngắn và thẳng để gia cường cho hợp kim của magiê. Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ với 1% về khối lượng CNTs được phân bố đều trên bề mặt ngoài của bột magiê đã có thể ngăn cản sự biến dạng và vì thế làm tăng cường độ bền kéo của hợp kim này từ giá trị 315 MPa lên 388 MPa.
Amal M.K. Esawi và đồng nghiệp [15] đã sử dụng CNTs làm vật liệu gia cường cho các thanh nhôm. Kết quả thí nghiệm cho thấy chỉ với hàm lượng CNTs là 0,5 % về khối lượng thì composit tạo được đã thể hiện các ưu việt về các tính chất cơ học.