Qua nghiên cứu, đánh giá chúng tôi thấy được những thuận lợi và khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Tam Dương II – Giai đoạn 1 như sau:
3.3.4.1 Những thuận lợi
- Chính sách, pháp luật về đất đai nói chung và công tác bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất nói riêng ngày càng hoàn thiện. Đặc biệt từ khi Luật Đất đai 2003 và các văn bản hướng dẫn thực hiện ban hành, công tác bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất có những đổi mới rất tích cực như:
- Phương pháp xác định giá đất để bồi thường: Giá bồi thường dựa trên giá đất UBND tỉnh Vĩnh Phúc công bố vào 1/1 hàng năm, giá đất UBND tỉnh công bố dựa trên khung giá đất của Chính phủ. Khung giá đất và phương pháp Bộ Tài chính đưa ra là định giá đất ''sát giá thị trường trong điều kiện bình thường''.
- Tăng các khoản hỗ trợ ổn định đời sống, ổn định sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm và lập khu TĐC bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ ... nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi chính đáng của người có đất bị thu hồi.
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đã đặc biệt chú trọng đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác định là nhiệm vụ trọng tâm để tiến tới tỉnh công nghiệp vào năm 2015, thành phố Vĩnh Phúc vào năm 2020.
Việc chấp hành của người dân trong công tác giải phóng mặt bằng, mặc dù khi GPMB quan hệ giữa các hộ bị thu hồi và Nhà nước hoặc nhà đầu tư thường rất căng thẳng, nhưng được sự quan tâm tuyên truyền vận động chính sách pháp luật đến người dân có đất bị thu hồi, để họ hiểu được lợi ích của các công trình sẽ xây dựng cho sự phát triển của xã hội mà tự giác thực hiện.
Nhờ có những chính sách khen thưởng thỏa đáng cho những hộ bàn giao mặt bằng sớm mà tiến độ thực hiện phần lớn đảm bảo kế hoạch đặt ra. Tiến độ bồi thường, GPMB đối với các dự án triển khai trong thời gian gần đây đạt kết quả khả quan, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
3.3.4.2 Những khó khăn
- Giá đất tính bồi thường vẫn còn thấp hơn giá thị trường, nhất là giá đất ở và đất vườn liền kề với đất ở.
- Xác định nguồn gốc đất đai gặp khó khăn, hệ thống tài liệu pháp lý về quyền sử dụng đất chưa đầy đủ, chưa chính quy, sự buông lỏng trong quản lý đất đai của một số địa phương trước đây dẫn tới khi thực hiện công tác GPMB rất khó xác định nguồn gốc đất cũng như những biến động về đất đai trong quá trình sử dụng.
- Việc xác định diện tích đất được bồi thường, hỗ trợ; xác định đối tượng được bồi thường, hỗ trợ, TĐC, nhất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp để áp dụng chế độ hỗ trợ tại một số trường hợp vẫn còn lúng túng.
- Thực hiện chính sách pháp luật không nhất quán và đảm bảo công bằng do chính sách bồi thường, hỗ trợ, TĐC thay đổi theo hướng ngày càng có lợi cho người dân, dẫn đến người nhận bồi thường sau có lợi hơn người nhận bồi thường trước. Đây cũng là nguyên nhân gây ra phát sinh khiếu kiện, người dân không chịu nhận bồi thường và bàn giao mặt bằng.
Một số bộ phận người dân có đất bị thu hồi thiếu sự hợp tác, phần lớn các hộ dân có đất bị thu hồi chấp nhận phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Bên cạnh đó vẫn còn một số bộ phận người dân thiếu thiện chí hợp tác, chưa nhận thức được đầy đủ vì lợi ích chung.
- Yếu tố tâm lý của người có đất bị thu hồi, nhiều hộ dân từ đời cha, ông đã sinh sống trên mảnh đất bị thu hồi, ngôi nhà đang ở là một nơi quen thuộc, cuộc sống đã ổn định, họ không muốn xáo trộn, không muốn thay đổi, đặc biệt là chỗ ở.
- UBND một số xã còn chưa thực sự quyết liệt trong công tác GPMB, ngại va chạm với dân (nhất là vào những thời điểm trước bầu cử) và còn chưa hiểu thấu đáo chế độ chính sách về GPMB của Nhà nước dẫn tới việc tuyên truyền, giải thích và vận động cho nhân dân địa phương chưa thực sự hiệu quả.
- Việc sau khi Nhà nước công bố quy hoạch nhưng người dân vẫn cố tình xây dựng, cơi nới nhà cửa, trồng thêm cây cối hoa màu … để lợi dụng, "đòi" Nhà nước bồi thường. Từ đó dẫn đến việc rất khó xác định tính hợp pháp của tài sản gắn liền với đất của chủ hộ để bồi thường đúng quy định.
- Sự phối hợp của các cấp, các ngành, tổ chức, chủ dự án có lúc còn chưa chặt chẽ; sự chỉ đạo và phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm, vai trò, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan tham mưu, các cấp chính quyền, các tổ chức trong thực hiện, tham gia phối hợp thực hiện công tác bồi thường, GPMB còn chưa thật rõ hoặc chồng chéo, dẫn đến gây chậm chễ và hạn chế kết quả thực hiện chính sách.