Những văn bản pháp quy của Nhà nước về đất đai

Một phần của tài liệu Đánh giá thực trạng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư dự án khu công nghiệp tam dương II giai đoạn 1, tỉnh vĩnh phúc (Trang 30 - 33)

Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 thắng lợi, đến năm 1953 Nhà nước ta thực hiện cải cách ruộng đất nhằm phân phối lại ruộng đất với khẩu hiệu “người cày có ruộng” và Luật cải cách ruộng đất được ban hành. Thời kỳ này Nhà nước thừa nhận sự tồn tại của 3 hình thức sở hữu đất đai: sở hữu Nhà nước, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân. Bên cạnh đó Luật cải cách ruộng đất có các quy định về tịch thu, trưng thu, trưng mua ruộng đất tuỳ theo từng trường hợp cụ thể [10].

Đến năm 1959 bản Hiến pháp thứ 2 được ban hành và nhiều văn bản khác quy định vẫn có 3 hình thức sở hữu về đất đai do vậy, khi thu hồi, lấy đất của tập thể và tư nhân Nhà nước phải thực hiện trưng dụng đất. Điều 20 của Hiến pháp nói rõ: “Khi nào cần thiết vì lợi ích chung Nhà nước mới trưng mua hoặc trưng dụng, trưng thu có bồi thường thích đáng các tư liệu sản xuất ở thành thị và nông thôn, trong phạm vi và điều kiện do pháp luật quy định.”[13].

Về việc trưng dụng đất, ngày 14/04/1959 Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 151-TTg quy định về thể lệ tạm thời về trưng dụng đất. Một trong những nguyên tắc của việc trưng dụng ruộng đất của nhân dân dùng vào việc xác định những công trình do Nhà nước quản lý: “Đảm bảo kịp thời và đủ diện tích cần thiết cho công trình xây dựng, đồng thời chiếu cố đúng mức quyền lợi và đời sống của người có ruộng. Những người có ruộng đất bị trưng dụng được bồi thường và trong trường hợp cần thiết được giúp giải quyết công việc làm ăn” [5]. Bên cạnh đó Nghị định cũng quy định về việc bồi thường cho người có ruộng đất bị trưng dụng: “Cách bồi thường tốt nhất là vận động nhân dân điều chỉnh hoặc nhường ruộng đất cho những người có ruộng đất bị trưng dụng để họ có thể tiếp tục sản xuất”. “ … trường hợp không làm được như vậy sẽ bồi thường một số tiền bằng từ 1 đến 4 năm sản lượng thường niên của ruộng đất bị trưng dụng. Mức bồi thường nhiều hay ít phải căn cứ thực tế ở mỗi nơi…”.

Năm 1980, Quốc hội đã ban hành bản Hiến pháp thứ 3 của nước CHXNCN Việt Nam. Bản Hiến pháp lần này đã khẳng định: “Đất đai, rừng núi, sông hồ, hầm mỏ, tài nguyên thiên nhiên trong lòng đất, ở vùng biển và thềm lục địa,…là của Nhà nước - đều thuộc sở hữu toàn dân”. Chính vì vậy ngay sau đó, vào ngày 01/07/1980 Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 201/CP về việc thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước: “…Toàn bộ ruộng đất trong cả nước đều do Nhà nước thống nhất quản lý theo quy hoạch và kế hoạch chung nhằm đảm bảo ruộng đất sử dụng hợp lý, tiết kiệm và phát triển theo hướng đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa”[13].

Trên tinh thần của Hiến pháp năm 1980 Luật Đất đai năm 1988 được ban hành, tiếp tục khẳng định lại đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Về việc thu hồi đất và bồi thường thiệt hại thì Luật Đất đai 1988 không nêu cụ thể việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, mà chỉ nêu phần nghĩa vụ của người sử dụng đất: “Đền bù thiệt hại cho người sử dụng đất để giao cho mình bồi hoàn thành quả lao động và kết quả đầu tư đã làm tăng giá trị của đất đó theo quy định của Pháp luật”[17].

Năm 1992, bản Hiến pháp 1992 được ban hành thay thế cho các bản Hiến pháp trước đây. Điều 17 Hiến pháp quy định: “Đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển thềm lục địa và vùng trời… đều thuộc sở hữu toàn dân”. Điều 23: “Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hoá. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do AN, QP, lợi ích quốc gia mà Nhà nước trưng mua hay trưng dụng, có BT tài sản của cá nhân hay tổ chức theo giá trị thị trường”[14].

Năm 1993, Luật Đất đai 1993 được ban hành, thay thế cho Luật Đất đai 1988, dựa trên tinh thần mới của bản Hiến pháp 1992 đã có những đổi mới quan trọng, đặc biệt đối với việc thu hồi đất phục vụ cho công cộng và bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Luật Đất đai năm 1993 đã thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 1992. Tại Điều 12: “Nhà nước xác định giá các loại đất để tính thuế chuyển quyền sử dụng đất, thu tiền khi Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất, tính giá trị tài sản khi giao, bồi thường thiệt hại về đất khi thu hồi đất. Chính phủ quy định khung giá các loại đất đối với từng vùng và theo từng thời gian”. Điều 27: “Trong trường hợp thật cần thiết, Nhà nước thu hồi đất đang sử dụng của người sử dụng đất để sử dụng vào mục đích Quốc phòng, An ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì người bị thu hồi đất được đền bù thiệt hại”[18].

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ngày 29/06/2001 quy định cụ thể hơn về bồi thường, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất đai đang sử dụng của người sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích Quốc gia, lợi ích công cộng. Việc bồi thường, hỗ trợ được thực hiện theo quy định của Chính phủ. Nhà nước có chính sách để ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi.

Cùng với mục đích là tiếp tục hoàn thiện Luật Đất đai, tạo nên khung pháp lý chặt chẽ thuận tiện cho việc quản lý và sử dụng đất ở Việt Nam. Ngày 26/11/2003 Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XI kỳ họp thứ tư đã thông qua Luật Đất đai 2003 và ngày 10/12/2003 lệnh của Chủ tịch nước đã công bố Luật Đất đai quy định cho việc quản lý và sử dụng đất. Sự ra đời của Luật Đất đai 2003 đã thay thế cho tất cả các Luật Đất đai và Luật sửa đổi, bổ sung trước đó nhằm phù hợp với tình

hình xã hội hiện nay, đáp ứng tốt hơn những yêu cầu, những đòi hỏi mới trong quá trình phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội của đất nước, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Tại Điều 39 Luật Đất đai 2003 quy định về thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích Quốc gia, lợi ích công cộng: “Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được công bố hoặc sau khi dự án đầu tư có nhu cầu sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt…”[19].

Một phần của tài liệu Đánh giá thực trạng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư dự án khu công nghiệp tam dương II giai đoạn 1, tỉnh vĩnh phúc (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)