Nhân tố ảnh hưởng tích cực

Một phần của tài liệu Tình hình thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA trong ngành giáo dục ở Việt Nam giai đoạn 1998-2009 (Trang 70)

Có thể nói chúng ta đạt được những kết quả như trên là nhờ vào những nhân tố sau:

2.4.1.1. Nhà nước chú trọng hoàn thiện môi trường pháp lý.

Các nhà tài trợ đều nhất trí cao về nguyên nhân của những thành tựu kinh tế -xã hội mà Việt Nam đã đạt được là do Việt Nam không ngừng đổi mới những chủ trương chính sách và biện pháp đúng đắn để phù hợp với thực tế và hợp lòng dân.

Trước 1993, việc quản lý và sử dụng ODA được điều tiết bởi từng quyết định riêng lẻ của Chính phủ đối với từng chương trình, dự án ODA và từng nhà tài trợ cụ thể. Để quản lý vay và trả nợ nước ngoài một cách có hệ thống, nhà nước ban hành Nghị định số 58/ CP ngày 30 / 8 / 1993 về quản lý và trả nợ nước ngoài, Nghị định số 20/ CP ngày 20 / 4/ 1994 về quản lý nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA. Đây là hai văn bản pháp lý cao nhất của Chính phủ trong lĩnh vực quản lý nợ nước ngoài nói chung và ODA nói riêng.

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn và yêu cầu đổi mới quản lý năm 1997 – 1999, Chính phủ ban hành Nghị định 87 / 1997/ NĐ - CP ngày 5 / 8/ 1997 thay thế Nghị định 20/ CP và Nghị định 90/ 1998 NĐ - CP ngày 7/ 11/ 1998 thay thế cho Nghị định số 58/ CP về quy chế vay và trả nợ nước ngoài, đã góp phần phân công rõ trách nhiệm giữa các cơ quan tổng hợp của Chính phủ, các bộ, các ngành, các địa phương và các tổ chức kinh tế trong việc quản lý, sử dụng vốn vay nước ngoài. Bên cạnh đó, việc hướng dẫn thực hiện các Nghị định nói trên của Chính phủ, các bộ, các ngành liên quan đã chủ trì xây dựng và ban hành các quy chế, thông tư hướng dẫn việc triển khai thực hiện. Bước đầu đã tạo điền kiện phân công rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan liên quan để tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ cơ bản như : trả nợ theo từng hiệp định và tổ chức cho vay, trả nợ nước ngoài khi đến hạn …

Để hoàn thiện hơn nữa cơ chế quản lý, ngay 4/ 5/ 2001, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/ 2001/ NĐ _ CP về việc ban hành quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA thay cho Nghị định 87/ CP. Các văn bản này đã tạo ra một hành lang pháp lý trong việc quản lý và sử dụng vay nợ nước ngoài nhằm đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ đồng bộ giữa các cơ quan có liên quan trong việc khai thác vốn nước ngoài, nâng cao trách nhiệm của bên sử dụng vốn vay trong khu vực trả nợ nước ngoài. Chính vì vậy, trong những năm qua,

chúng ta đã đạt được kết quả đáng khích lệ trong việc huy động vốn vay nước ngoài, đặc biệt là nguồn vốn ODA.

2.4.1.2. Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đặt trọng tâm vào con người

Đất nước ta đang bước vào giai đoạn CNH-HĐH với mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam sẽ từ một nước nông nghiệp trở thành một nước công nghiệp, hội nhập với cộng đồng quốc tế. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã khẳng định “ Con người và nguồn nhân lực là nhân tố quyết định sự phát triển đất nước trong thời kỳ CNH-HĐH, cần tạo chuyển biến cơ bản, toàn diện về giáo dục - đào tạo. Bồi dưỡng thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, yêu quê hương, gia đình và tự tôn dân tộc, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, lòng nhân ái, ý thức tôn trọng pháp luật, tinh thần hiếu học, chí tiến thủ lập nghiệp, không cam chịu nghèo hèn. Đào tạo lớp người lao động có kiến thức cơ bản, làm chủ kỹ năng nghề nghiệp, quan tâm hiệu quả thiết thực, nhạy cảm với cái mới, có ý thức vươn lên về khoa học và công nghệ. Xây dựng đội ngũ công nhân lành nghề, các chuyên gia và nhà khoa học, nhà văn hoá, nhà kinh doanh, nhà quản lý. Chính sách sử dụng lao động và nhân tài phải tận dụng mọi năng lực, phát huy mọi tiềm năng của các tập thể và cá nhân phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.” Chính vì thế, ngành giáo dục đã được ưu tiên đầu tư rất nhiều, cả bằng nguồn vốn trong nước, cũng như nguồn vốn nước ngoài (mà đặc biệt phải kể đến là nguồn vốn ODA), để có thể tạo ra những biến đổi mạnh mẽ cả về chất và lượng, góp phần đẩy nhanh công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá này.

2.4.1.3. Công tác thu hút nguồn vốn ODA cho ngành giáo dục đạt nhiều tiến bộ

Có thể nói, công tác thu hút ODA cho Việt Nam được đánh giá là thành công mà hình thức thu hút, vận động chủ yếu là tổ chức các Hội nghị nhóm tư vấn hàng năm. Chỉ trong vòng 10 năm, đã tổ chức 10 hội nghị, mỗi hội nghị đều là diễn đàn đối thoại có hiệu quả giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài

trợ. Thành công của 10 hội nghị vừa qua không chỉ đo bằng cam kết tài trợ mà còn bằng kết quả của mỗi diễn đàn để phối hợp sự nỗ lực của tất cả các bên tham gia vào quá trình phát triển ở Việt Nam, dưới sự hướng dẫn của Chính phủ và để thu hút sự tham gia rộng rãi hơn nữa các tầng lớp xã hội, của khu vực, tư nhân trong và ngoài nước vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam. Mà lĩnh vực giáo dục - đào tạo luôn là lĩnh vực được ưu tiên tài trợ của các nhà tài trợ, từ cấp tiểu học, trung học… cho đến sau đại học cũng như công tác nâng cao năng lực quản lý. Vì thế công tác thu hút, vận động nguồn ODA thành công làm cho kinh tế Việt Nam cũng như giáo dục Việt Nam có nhiều điều kiện phát triển hơn.

2.4.1.4. Năng lực quản lý dự án phần nào được cải thiện.

Trong 10 năm qua cộng đồng tài trợ đã tổ chức nhiều hoạt động đào tạo nâng cao năng lực quản lý ở nhiều cơ quan chủ chốt của Việt Nam như đào tạo về quản lý và điều phối viện trợ ở BKH & ĐT, các chương trình đạo tạo khác tại BGD & ĐT, Bộ Tài Chính, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ...Những hoạt động này đã thu được nhiều kết quả và tác động tích cực. Ngoài ra, khi thực hiện một số dự án thì đồng thời trong kinh phí dự án có dành một phần để đào tạo cán bộ quản lý dự án, hay chính việc dành một mức lương cao cho các cán bộ này cũng thúc đẩy họ làm việc có hiệu quả hơn. Công tác phân cấp trong quản lý dự án cũng được đẩy mạnh theo các quy định của pháp luật, làm cho việc thực hiện các dự án có hệ thống hơn, tránh tình trạng chồng chéo trách nhiệm, nâng cao hiệu quả quản lý của các dự án ODA.

Thêm vào đó, trong 10 năm tham gia dự án với các đối tác, năng lực quản lí của cán bộ Việt Nam cũng đã được cọ xát và nâng cao dần. Trình độ ngoại ngữ, tin học và một số kiến thức chuyên môn cũng đã được cải thiện. Nhờ thế mà hiệu quả thực hiện các dự án ODA cũng tăng lên, giúp tạo ra

những kết quả tốt cho ngành giáo dục của Việt Nam cũng như cho toàn thể nền kinh tế xã hội.

2.4.1.5. Công tác theo dõi và đánh giá dự án được tăng cường.

Thời gian qua Chính phủ đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác này nên công tác theo dõi và đánh giá dự án đã đạt nhiều tiến bộ. Trong hai năm 2000 và 2001, Chính phủ đã giao cho 2 bộ là Bộ Tài chính, BKH & ĐT và các cơ quan có liên quan tiến hành kiểm tra đánh giá tình hình sử dụng vốn vay đối với một số chương trình, dự án ODA. BKH & ĐT đã tổ chức nhóm theo dõi dự án trong vụ kinh tế đối ngoại. BGD & ĐT cũng có vụ quan hệ quốc tế chuyên trách về vấn đề này. Nhờ thế việc theo dõi dự án được lãnh đạo tập trung chỉ đạo nhằm phát hiện và tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong quá trình thực hiện ODA.

BKH & ĐT đã từng bước cải tiến chế độ báo cáo. Do đó chất lượng báo cáo từ các bộ, tỉnh, các ban quản lý dự án … đã có nhiều tiến bộ hơn. Trước năm 1998, chỉ có 15% cơ quan gửi báo cáo khi hết hạn nộp báo cáo, con số này hiện nay là 80% - 90%.

Công tác theo dõi dự án ODA cũng đã được lãnh đạo ở một số bộ và địa phương quan tâm hơn nên đã có nhiều tiến bộ. Một số dự án có quy mô vốn lớn đã duy trì được chế độ báo cáo tháng, quý (như dự án xây dựng các trường TH vùng bão bằng viện trợ ODA của Nhật Bản với số vốn 83 triệu USD, chương trình hợp tác Việt Nam – UNICEF 2 – 3 triệu USD/ năm) nên đã góp phần tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.

Trong công tác đánh giá và báo cáo tình hình thực hiện dự án của UNDP, UNDP đã yêu cầu phía Việt Nam báo cáo định kì 6 tháng. Cơ quan chủ quản báo cáo cho BKH & ĐT và các cơ quan tổng hợp khác. Các cán bộ tham gia các hoạt động ở nước ngoài phải báo cáo kết quả về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan tổng hợp của Chính phủ và UNDP Hà Nội 2 tuần sau khi kết thúc. Các văn bản của hoạt động có sử dụng vốn viện trợ của UNDP phải

gửi cho BKH & ĐT, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, khi dự án kết thúc thì cơ quan chủ quản phải tổ chức đánh giá kết quả cuối cùng và quyết toán tài chính, còn Bộ Tài chính và BKH & ĐT phải tổ chức kiểm kê, đánh giá và bàn giao tài sản.

Một phần của tài liệu Tình hình thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA trong ngành giáo dục ở Việt Nam giai đoạn 1998-2009 (Trang 70)