7. Kết cấu của luận văn
3.2.3. Giải pháp về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ
Chất lượng đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp, nhất là cán bộ Tòa án và Thi hành án đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện nguyên tắc bảo đảm hiệu lực bản án, quyết định của Tòa án, do đó cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ các cơ quan này, trong đó cần lưu ý:
Để nâng cao chất lượng Thẩm phán, khi bổ nhiệm Thẩm phán không nên quan niệm “sống lâu lên lão làng” mà phải xem xét kỹ khả năng, trình độ chuyên môn. Để làm được điều đó, cần tăng cường công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, tuyển chọn và bổ nhiệm thẩm phán một cách khoa học. Hiện nay, quy định nhiệm kỳ năm năm đối với Thẩm phán các cấp là quá ngắn. Để Thẩm phán yên tâm công tác, tận dụng được tối đa kinh nghiệm xét xử và dám thể hiện bản lĩnh nghề nghiệp, thì cần đổi mới cơ chế bổ nhiệm theo hướng Thẩm phán được bổ nhiệm suốt đời như Chấp hành viên hoặc kéo dài thêm nhiệm kỳ của Thẩm phán.
Cần xem xét bổ sung thêm biên chế cho các cơ quan thi hành án dân sự tương ứng với số lượng biên chế của ngành Tòa án, khắc phục tình trạng khối lượng công việc quá tải hiện nay đối với Chấp hành viên, cơ quan quản lý thi
hành án dân sự và các Cơ quan Thi hành án. Việc bổ nhiệm Chấp hành viên cần phải xem xét năm công tác phải là năm công tác về nghiệp vụ chứ không nên quy định bất kỳ ai làm việc ở cơ quan thi hành án (làm kế toán, thủ quỹ, bảo vệ…) có bằng cử nhân luật cũng được coi là có năm công tác pháp luật nhằm nâng cao chất lượng Chấp hành viên khi được bổ nhiệm. Mặt khác, ngành Thi hành án cần xây dựng lộ trình để bổ sung Chấp hành viên theo từng giai đoạn và ấn định đến khi nào sẽ chuẩn hóa được toàn bộ đội ngũ cán bộ thi hành án từ đó kế hoạch đào tạo qua hành năm, tránh tình trạng bị động, lúng túng trong đào tạo Chấp hành viên. Cần mở rộng việc luân chuyển cán bộ ra ngoài phạm vi Cơ quan Thi hành án dân sự nhằm thu hút những người có năng lực vào làm việc trong Cơ quan Thi hành án dân sự, kể cả cán bộ lãnh đạo.
Cần chú trọng tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ Thẩm phán, Chấp hành viên cả về nghiệp vụ, lý luận chính trị và các kiến thức xã hội khác nhằm nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ toàn diện cho Thẩm phán, Chấp hành viên. Ngành Tòa án, Thi hành án dân sự phải thường xuyên kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm đối với đội ngũ cán bộ Tòa án, thi hành án, nhất là Thẩm phán và Chấp hành viên để hạn chế những sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng này.
Cần nghiên cứu, sửa đổi một cách tổng thể chế độ, chính sách đãi ngộ cho Thẩm phán, Chấp hành viên để họ yên tâm công tác, cống hiến.